ClockThứ Năm, 29/03/2012 06:36

“Nâng chất văn học để bắt đầu một giai đoạn mới”

TTH - Nhà thơ Nguyễn Duy là một trong những văn nghệ sĩ sang Mỹ tham gia vào mối quan hệ giao lưu giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Trung tâm William Joiner (Đại học Massachusetts, Mỹ) từ những ngày đầu. Trong lần đến Huế tham dự diễn đàn văn học Việt - Mỹ, ông đã dành cho Báo Thừa Thiên Huế cuộc trò chuyện.

Thưa nhà thơ, là một trong những người sang Mỹ giao lưu với các nhà văn ở Trung tâm William Joiner rất sớm, ông đánh giá như thế nào về mối quan hệ hợp tác giữa các nhà văn cựu chiến binh Việt Nam với nhà văn cựu chiến binh Mỹ?

Nhà thơ Nguyễn Duy - ảnh Hạnh Nhi

Tôi nghĩ, có những việc chính trị không giải quyết được mà phải giải quyết bằng văn hóa. Với mối quan hệ Việt-Mỹ, đúng là văn hóa đã đi trước chính trị. Văn học đã làm được những việc mà chính trị chưa làm được. Mối quan hệ giữa các nhà văn Mỹ với các nhà văn Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc giải tỏa cấm vận và kết nối con đường hữu nghị Việt - Mỹ. Quan hệ hợp tác văn học giữa Hội Nhà văn Việt Nam với Trung tâm William Joiner không chỉ giải quyết quan hệ hữu nghị Việt-Mỹ mà còn góp phần hòa giải giữa người Việt với người Việt.  

Ông nhận thấy sự quan tâm của người Mỹ dành cho các nhà văn và văn học Việt Nam như thế nào? Tác phẩm văn học Việt Nam dịch và xuất bản ở Mỹ được đón nhận ra sao?

Ở đây, tôi chưa nói đến tầm vóc của văn học, bởi những cuộc giao lưu ngắn ngủi như vậy chưa nói được nhiều về chất lượng văn chương. Điều đầu tiên cần ghi nhận là văn học kết nối được con người với nhau. Người Mỹ rất quan tâm đến điều đó. Họ quan tâm đến Việt Nam và luôn mặc cảm có lỗi với người Việt Nam.

Khi tôi sang Mỹ, tôi được mời tới đọc thơ tại Vườn Thơ ở cao ốc Lannan Foundation (Los Angeles). Lúc đọc xong, có một khán giả Mỹ đã nói: “Tôi xin cảm ơn ông. Chúng tôi nợ ông một lời xin lỗi. Các ông đã dạy cho chúng tôi thế nào là lòng can đảm. Đất nước các ông đã bị bom đạn chúng tôi tàn phá. Nay nhờ những người như ông mà người Mỹ có thể ngẩng mặt lên được sau lời xin lỗi như thế này”.

Khi sang đó, các nhà văn, nhà thơ Việt Nam được chào đón trân trọng. Chúng tôi được đọc thơ trước những cử tọa rất tuyệt vời. Người ta chăm chú lắng nghe. Trong thính phòng không có một tiếng động nào ảnh hưởng đến người nói. Một phần do văn hóa của họ. Phần nữa họ muốn lắng nghe một cách chân thành.

Nhà thơ Nguyễn Duy qua Mỹ lần đầu tiên vào năm 1995, đúng vào dịp bình thường hóa quan hệ hai nước. Ngày 11/7/1995, bình thường hóa quan hệ thì ngày 12/7/1995, trên tờ Boston Globe Chủ nhật, một tờ báo chính trị lớn của Mỹ in bài thơ “Khúc hát hòa bình” của ông do nhà thơ Kevin Bowen dịch.

Tác phẩm của nhà văn Việt Nam được dịch, xuất bản ở Mỹ qua hai con đường: Trung tâm William Joiner và các nhà xuất bản kinh doanh. Ở luồng hữu nghị, phải nói thật rằng sự đón nhận nhiệt tình của độc giả Mỹ có phần thiên về tình cảm chứ không chỉ đơn thuần là do chất lượng văn chương.

Nhà văn hai bên nên đặt những viên gạch tiếp theo như thế nào trong mối giao lưu văn học Việt-Mỹ?

Giai đoạn đầu là giai đoạn quan trọng: bắt nhịp cầu giữa nền văn học và quan hệ hai nước. Khi văn chương đã làm được nhịp cầu hữu nghị, theo tôi, cần đặt vấn đề nâng cao chất lượng văn chương để bắt đầu một giai đoạn mới. Bây giờ, đi trên nhịp cầu đó, người ta cần những bước chân mạnh mẽ hơn để chuyên chở được chất lượng của văn chương. Giai đoạn đầu, cả hai phía đều đang khát khao nhau. Nhưng đến giai đoạn này thì yêu cầu đã khác. Vì vậy, tôi nghĩ việc dịch thuật và giao lưu sắp tới cần kỹ và sâu hơn chứ không chỉ là phong trào như giai đoạn vừa qua. Hai bên nên đào sâu phân tích nền văn học của hai nước và chọn lọc kỹ hơn.

Để làm được điều đó, theo nhà thơ cần có biện pháp gì?

Việc đầu tiên là phải nâng cao chất lượng sáng tác. Những tác phẩm vừa qua được khai thác từ cuộc chiến và sau cuộc chiến. Đến bây giờ, “nguyên liệu” để sản xuất tác phẩm cũng đã cạn kiệt. Chúng ta cần tích trữ những nguồn nguyên liệu sống khác, sâu sắc hơn.

Xin cảm ơn nhà thơ!

Trang Hiền (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top