ClockChủ Nhật, 16/10/2016 13:21

Ngắm bộ sưu tập nghiên mực & kiếm cổ

TTH - Sau nhiều năm hai nhà sưu tập Bùi Tự Tiến và Lê Thiện Gia đang sở hữu bộ sưu tập kiếm và nghiên mực cổ quý hiếm, được nhiều người khen ngợi.

Lê Thiện Gia và bộ sưu tập nghiên mực cổ

Hiếm và quý

Hơn 30 năm sưu tầm cổ vật, nhà sưu tập Bùi Tự Tiến hiện đang sở hữu khoảng 80 cây kiếm cổ thuộc nhiều triều đại: Đinh, Lê, Lý, Trần, Tây Sơn, Nguyễn... Nổi bật là bộ kiếm thời Tây Sơn, chúa Nguyễn, triều Nguyễn, Chămpa và cả bộ kiếm Hán Đường trên 1.000 năm tuổi. Bộ kiếm thời chúa Nguyễn được xem là quý, bởi binh khí thời này giờ còn lại rất hiếm, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhà sưu tập Bùi Tự Tiến cho biết, kiếm thời chúa Nguyễn dài, mạnh, bén, kỹ thuật luyện kim, đúc rèn binh khí đạt trình độ cao. Như cây kiếm soái dùng để chỉ huy trong bộ sưu tập của anh được chạm rồng tinh tế, chuôi kiếm được bọc bạc, ngà voi.

Cũng theo anh Tiến, kiếm thời Tây Sơn do không đủ thời gian để nâng cao kỹ thuật đúc binh khí nên khá thô sơ, có sắt làm sắt, có thép thô làm thép thô. Đến triều Nguyễn, đa số những vị tướng, soái, cấp chỉ huy trở lên mới dùng kiếm. Những cây kiếm lệnh, kiếm soái, kiếm chỉ huy phong cách cũng khác với binh khí để chiến đấu, thường được trang trí bằng kim loại quý như vàng, bạc nhằm thể hiện đẳng cấp, uy quyền... Anh Tiến cho biết: “Để phân biệt kiếm thuộc triều đại nào, ngoài việc dựa vào nghiên cứu tài liệu lịch sử, di cảo để lại, người chơi căn cứ vào những đặc trưng về kỹ thuật, kết cấu, chất liệu, hoa văn, hình dáng...”.

Còn trẻ nhưng nhà sưu tập Lê Thiện Gia đã có trên 20 năm sưu tầm đồ cổ. Trong số vài trăm cổ vật về đồ gỗ, đồ sứ, đồ đồng, đèn Pháp… bộ sưu tập nghiên mực của anh thuộc vào loại phong phú nhất, nhì Việt Nam. Tình cờ cách đây 18 năm khi đi sưu tập đồ cổ, Lê Thiện Gia mua được một chiếc nghiên mực bằng đá rất đẹp. Kể từ đó, Gia bắt đầu đam mê sưu tập những chiếc nghiên mực cổ và cũ. Hơn 80 nghiên mực bằng đá, sứ, gốm và cả tre, gỗ là cả một quá trình tích lũy của nhà sưu tập trẻ này.

Trong bộ sưu tập nghiên mực của Thiện Gia, có những chiếc nghiên mực được tạo hình rất công phu, có cái được tạo hình rồng, quả đào tiên hay cái khánh, cây đa cổ thụ... Trong đó, có chiếc nghiên mực rất quý, xuất xứ từ đời Minh được làm bằng đá Đoan Khê đến bây giờ chỉ cần hà hơi là ra mực. Hay chiếc nghiên quả đào làm theo lối tư duy phương Tây, chỉ cần ấn nhẹ mặt dưới thì nước tự chảy xuống tựa miệng rồng nhả mực. Ngoài ra, nhiều chiếc nghiên mực mang đậm văn hóa của Việt Nam, như chiếc nghiên được làm bằng đá đời Trần; nghiên được làm bằng khung tre, giữa lót chiếc dĩa để mài mực, hay đơn giản chỉ là hộp phấn được người xưa bỏ mực vào mài.

Nhà sưu tập Bùi Tự Tiến giới thiệu về cây kiếm soái 

Hồn thiêng trong cổ vật

Nhà sưu tập Bùi Tự Tiến đam mê sưu tầm kiếm cổ bởi ngày xưa, ông nội anh vốn là quan Án sát triều Nguyễn. Thứ nữa, những cây kiếm cổ này chứa đựng cả hồn thiêng của sông núi, dân tộc. “Binh khí lưu lại quá khứ hào hùng của dân tộc. Xem binh khí có thể nhìn thấy lịch sử mấy nghìn năm dựng nước, chống giặc ngoại xâm của ông cha. Nghiên cứu về binh khí, tôi cũng biết được giai đoạn nào đất nước thịnh hay suy”, anh Tiến chia sẻ.

Với Lê Thiện Gia, mỗi chiếc nghiên mực là cả một câu chuyện dài, gắn liền với những tao nhân, mặc khách thời muôn năm cũ. Đó còn là vật gắn liền với sự học của đất nước qua bao nhiêu thế hệ. Hình dáng, hoa văn, họa tiết... của mỗi chiếc nghiên mực không chỉ nói lên độ tuổi của nó mà còn nói lên được nhiều điều, như: xu hướng mỹ thuật, giai cấp sử dụng, văn hóa vùng đất… Thiện Gia chia sẻ: “Nghiên mực là một trong “Văn phòng tứ bảo” và là thú chơi rất tao nhã. Nhìn vào chiếc nghiên có thể thấy rõ dấu vết thời gian trên từng thớ đá. Mình có thể “đọc lịch sử” và mở mang tri thức qua những chiếc nghiên nhỏ bé này”.

Để có được những bộ sưu tập hiếm và quý này là cả một quá trình tích lũy lâu dài, công phu và tốn kém tiền bạc. Tìm được cây kiếm đẹp, quý không phải dễ, anh Bùi Tự Tiến phải “lùng sục” khắp cả nước qua những cuộc khai quật ở các vùng trầm tích, dòng sông, qua mối quan hệ với bạn bè, những dòng tộc danh gia muốn nhượng lại. Mỗi khi nghe đâu có kiếm cổ, anh tức tốc tìm đến nhưng cũng có khi người khác mua mất rồi. Bởi vậy, có những cổ vật anh phải tốn tiền gấp đôi, gấp ba vì chi phí đi lại, có khi đi năm, bảy lần vẫn chưa mua được. Anh Tiến tâm sự: “Mua được món đồ cổ cũng cần có duyên. Nhiều khi muốn sở hữu không được nhưng có khi nó lại tự tìm đến với mình. Mỗi khi sưu tầm được cây kiếm quý, tôi cảm nhận được niềm vui khó tả, hứng khởi nhất là say sưa tìm hiểu ngày xưa ai là người dùng binh khí này”.

Với Lê Thiện Gia - chủ nhân của bộ sưu tập nghiên mực tên tuổi cũng phải dày công tìm kiếm khắp các vùng đất ở Việt Nam và cả nước ngoài. Ngoài việc trao đổi, chia sẻ thông tin từ cộng đồng mạng có cùng đam mê, Gia còn nuôi thêm “đội quân” đi dò la, tìm mua ở các vùng quê. Gia kể, có món đồ anh mất đến 10 năm mới mua được vì chủ nhân không bán. Lâu lâu, anh lại trở lại, thăm nom, kể cả phải... nịnh. Nghe đâu có món đồ mình thích, đôi khi không có tiền nhưng không kịp mua sợ hụt, Gia lại tìm mọi cách xoay tiền.

Để theo đuổi thú sưu tầm đồ cổ, người chơi phải nghiên cứu tìm hiểu nhiều kiến thức về văn hóa lịch sử và thực tế qua con mắt nhìn. Ngoài việc thỏa đam mê, chơi đồ cổ cũng rèn luyện cho con người tính điềm tĩnh và tư duy. Cả Bùi Tự Tiến và Lê Thiện Gia đều xuất thân từ dân mỹ thuật, họ thường xuyên trau dồi kiến thức văn hóa, lịch sử để trở thành những người chơi đồ cổ khá sành. Có lẽ nhờ vậy mà họ luôn tìm được những món đồ cổ đặc biệt.

Nhà sưu tập Bùi Tự Tiến sinh năm 1961, hoạt động nghệ thuật tự do, hiện đang ở tại tổ Thượng 1, phường Thủy Xuân, TP. Huế.

Nhà sưu tập Lê Thiện Gia sinh năm 1983, chủ nhà may Chi Silk, hiện cư trú tại 23/4 Hàn Mặc Tử, TP. Huế.

Cả hai bộ sưu tập trên đều đang được lưu giữ tại tư gia.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bộ sưu tập tiền Đông Dương của Cecile Le Pham

Trong hàng ngàn hiện vật bà Cecile Le Pham, chủ nhân Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham (53 Hàm Nghi, TP. Huế) đang sở hữu, bộ sưu tập tiền cổ Đông Dương mang đến cho người xem góc nhìn thú vị về loại tiền tệ từng lưu hành tại Việt Nam thời kỳ Pháp thuộc.

Bộ sưu tập tiền Đông Dương của Cecile Le Pham
Ra mắt bộ sưu tập áo dài lấy cảm hứng từ âm nhạc Trịnh Công Sơn

Tiếp nối thành công của các bộ sưu tập “Xưa và nay”, “Nhật Nguyệt”, “Em đến từ nghìn xưa”, “Vũ khúc gấm lụa”, “Bóng – Hình”…, tối 14/12, nhà thiết kế Trịnh Hoàng Diệu sẽ ra mắt bộ sưu tập áo dài mới mang tên “Màu thời gian” trong chương trình nghệ thuật, trình diễn thời trang “Diệu – Màu thời gian” tại TP. Hồ Chí Minh.

Ra mắt bộ sưu tập áo dài lấy cảm hứng từ âm nhạc Trịnh Công Sơn
Thông tin doanh nghiệp:
Bộ sưu tập trang sức ngọc trai đen cao cấp từ Long Beach Pearl

Những mẫu trang sức ngọc trai đen Tahiti mang một vẻ đẹp quyến rũ, huyền bí và sang trọng nên rất được nhiều chị em yêu thích. Hơn nữa, mỗi mẫu trang sức, bộ sưu tập về ngọc trai Tahiti đều tiềm ẩn nhiều ý nghĩa, thông điệp hay. Tìm hiểu về ngọc trai đen chi tiết hơn trong bài viết này.

Bộ sưu tập trang sức ngọc trai đen cao cấp từ Long Beach Pearl
Nhà thiết kế Xuân Thu và câu chuyện tháng Ba

Dự kiến ra mắt vào ngày 8/3 tới, bộ sưu tập (BST) mới có cái tên rất gợi "Đôi bàn tay mẹ” là câu chuyện mà NTK Xuân Thu muốn giới thiệu đến công chúng về dấu ấn đặc biệt của gia đình mình trong hành trình thiết kế và tạo thương hiệu riêng cho áo dài Xuân Thu.

Nhà thiết kế Xuân Thu và câu chuyện tháng Ba
Return to top