ClockThứ Bảy, 30/04/2022 07:00

Ngày mới trên quê hương Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

TTH - Tháng tư về, được trở lại quê hương Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ (Quảng Điền) lòng lại gợi nhớ bao kỷ niệm. Vùng quê cách mạng này đã và đang đổi thay từng ngày.

Sẽ thành lập Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở Thừa Thiên HuếVị lãnh đạo tài ba, người con ưu tú của quê hương Thừa Thiên Huế

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ cùng lãnh đạo huyện Quảng Điền thăm mô hình trồng cây ăn quả ở Quảng Thọ

Điểm đầu tiên mà chúng tôi tìm đến là thôn Phước Yên (xã Quảng Thọ) để được thắp một nén hương lòng tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì quê hương, đất nước tại bia K8. Cách đây 54 năm – năm 1968, Tiểu đoàn 8 (K8) thuộc Trung đoàn 3, Sư đoàn 324, đã chiến đấu với 7 tiểu đoàn Mỹ - Ngụy. Sau nhiều ngày chiến đấu với lực lượng địch lớn mạnh gấp 10 lần, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của K8 đã mãi mãi nằm lại trên mảnh đất Phước Yên.

Ông Lê Văn Luông (65 tuổi) - một cựu chiến binh xã Quảng Thọ cho biết, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã có 363 người con của Quảng Thọ hy sinh vì quê hương, đất nước, 11 mẹ được phong danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng… Để tưởng nhớ đồng đội, Ban Liên lạc K8 đã quyết định lấy ngày 28/4 hàng năm làm ngày giỗ cho hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trên trận địa Phước Yên năm xưa. Phước Yên cũng là biểu tượng cho tinh thần quật cường, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng của Tiểu đoàn 8.

Rời K8, chúng tôi tới thăm Khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - nơi lưu giữ nhiều kỷ vật, gợi nhớ về Đại tướng. Mái nhà xưa, đơn sơ, mộc mạc ấy đầy ắp những kỷ niệm khó quên. Lật giở những trang nhật ký của những người đã từng đến đây, chúng tôi thật sự xúc động: “Chúng tôi xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của Đại tướng. Xin học tập ở đồng chí ý chí cách mạng tiến công, phấn đấu hết mình vì dân, vì nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, xây dựng Tổ quốc Việt Nam yêu quý ngày càng giàu mạnh”, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng bày tỏ cảm xúc khi đến dâng hương, dâng hoa tại Khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong một chuyến công tác tại Thừa Thiên Huế.

Về lại Niêm Phò lần này, chúng tôi thật may mắn khi gặp được ông Lê Xuân Quang (75 tuổi), cháu gọi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh bằng cậu. Ông Quang xúc động: “Mẹ tôi kể, khi còn ở quê, cậu Thanh là người sống giản dị, ham học, ham làm, luôn hết mực yêu thương, giúp đỡ mọi người. Cậu chỉ có mong muốn duy nhất là được đi theo cách mạng”.

Trò chuyện với Đảng ủy, chính quyền, Nhân dân xã Quảng Thọ, không ít người bày tỏ niềm vui, xúc động khi cơ quan chức năng đã và đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục cần thiết để sớm thành lập và đưa Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (địa chỉ số 144 Đặng Thái Thân, TP. Huế) vào hoạt động.

“Mới đây, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đã bàn giao 32 hiện vật có giá trị lịch sử, phản ánh truyền thống đấu tranh anh dũng kiên cường của Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế dưới sự lãnh đạo của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong thời gian kháng chiến chống Pháp để phục vụ công tác trưng bày. Dự kiến, Bảo tàng đi vào hoạt động nhân Kỷ niệm 55 năm Ngày mất Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (6/7/1967 - 6/7/2022)”, bà Võ Thị Ái Hoa (người cháu dâu của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được giao nhiệm vụ trông coi, chăm sóc cây cối, khuôn viên khu lưu niệm) phấn khởi.

Băng qua con sông Bồ trên những cây cầu “nối những bờ vui”, chúng tôi đến với Công viên văn hóa, Khu lưu niệm Nhà thơ Tố Hữu. Công trình được xây dựng tại khu vườn mà thuở thiếu thời nhà thơ Tố Hữu sinh sống tại thôn Tân Xuân Lai, xã Quảng Thọ. Như vậy, bên cạnh di tích Khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Quảng Thọ nói riêng và Đảng bộ, Nhân dân Quảng Điền nói chung có thêm một công trình văn hóa có ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào về tấm gương cách mạng sáng ngời của nhà thơ Tố Hữu cho thế hệ hôm nay và mai sau; góp phần tô thắm thêm trang sử vàng truyền thống văn hóa, cách mạng quê hương Quảng Điền, quê hương Thừa Thiên Huế.

Đi sâu vào những con đường làng, chúng tôi càng thấy rõ hơn xã nông thôn mới Quảng Thọ giờ đây đã và đang khoác lên mình một diện mạo mới. Những con đường làng nối liền các ngõ, xóm được bê tông hóa khang trang; nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên trên các làng quê Phước Yên, Niêm Phò, Tân Xuân Lai… Khúc sông Bồ chảy qua Quảng Thọ với chiều dài hơn 7km thơ mộng giờ cũng là nơi phát triển nghề nuôi cá lồng, đem lại nguồn thu không nhỏ cho nhiều hộ gia đình ở Quảng Thọ.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Hoàng Công Phong, Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ cho hay, toàn xã hiện có 1.832 hộ dân, với hơn 8.000 nhân khẩu. Thời gian qua, nhờ thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, gắn với giảm nghèo bền vững đã mang lại diện mạo mới cho Quảng Thọ.

Đến nay, người dân xã Quảng Thọ đã mở rộng 73ha trồng cây rau má với sự tham gia của hơn 400 hộ dân; trong đó, có hơn 50 ha theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng thu hoạch hàng năm đạt hơn 2.500 tấn, trị giá từ 200 đến 250 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, tận dụng mặt nước dòng sông Bồ, 300 hộ nông dân ở xã Quảng Thọ đã đầu tư nuôi cá lồng với gần 900 lồng, thu 12 tỷ đồng/năm. Nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị để phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, trà rau má đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) đạt tiêu chuẩn 4 sao và trở thành sản phẩm có thương hiệu trên thị trường.

“Nhờ những kết quả đạt được, năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của xã Quảng Thọ đạt 41 triệu đồng, đạt 17/19 tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, Quảng Điền đã và đang triển khai các giải pháp để phát triển các đô thị. Quảng Thọ là địa phương đầu tiên của tỉnh đang triển khai thí điểm xây dựng mô hình “xã thông minh”, ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá, thúc đẩy kinh tế - xã hội, phát triển du lịch; góp phần quan trọng trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông…”, Bí thư Huyện ủy Quảng Điền - Trần Quốc Thắng khẳng định.

Mới đây, tại buổi làm việc với Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Điền, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chia sẻ, tuy cố gắng, nhưng Quảng Điền vẫn còn những khó khăn nhất định; xã Quảng Thọ đang trên đà phát triển là điều đáng ghi nhận. Tuy nhiên, luôn phát huy sức mạnh đoàn kết, thống nhất cao và nếu biết phát huy nội lực thì khó khăn sẽ thành thuận lợi, đã phát triển sẽ phát triển hơn nữa. Mục tiêu cao nhất là, phát triển huyện Quảng Điền nói chung, xã Quảng Thọ nói riêng luôn gắn với xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Ngành nông nghiệp của huyện, của xã phải phát triển theo hướng “kinh tế nông nghiệp” để nâng cao giá trị các sản phẩm, mục tiêu cuối cùng là nâng cao thu nhập cho người nông dân, giúp họ ổn định cuộc sống.

Chia tay với xã Quảng Thọ khi ngày mới nữa lại đến; đi trên những con đường ngập tràn cờ đỏ sao vàng, trước mắt chúng tôi là những cánh đồng lúa tít tắp, trải xanh mênh mông; tháng tư về, càng gợi nhớ những ngày đất nước được độc lập. Chúng tôi hiểu, Quảng Thọ - vùng quê cách mạng đã và đang “thay da, đổi thịt”, vươn lên mạnh mẽ từng ngày.

Bài, ảnh: ANH PHONG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Liều thuốc bổ” của mạ

Dù một năm về quê rất nhiều lần, nhưng mỗi lần gói ghém đồ đạc để về nhà mẹ con tôi đều bồi hồi, nôn nao khó tả. Chẳng cần gọi như “hò đò” vào mỗi buổi sáng, mới hơn 5 giờ sáng, tôi đang cựa mình để xem giờ thì lanh lảnh bên tai giọng con trai tỉnh rót, chẳng có chút gì ngái ngủ của một đứa trẻ 5 tuổi khi thức dậy sớm. Mấy giờ rồi mẹ, sáng chưa, để con dậy đi về ngoại… Những câu hỏi cứ dồn dập, cùng với hành động bật dậy dứt khoát, đi thẳng vào nhà vệ sinh để đánh răng, rửa mặt của cu cậu càng khiến niềm vui, sự háo hức khi chuẩn bị về quê của tôi được nhân lên.

“Liều thuốc bổ” của mạ
Dâng hương kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng quê hương

Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2024), chiều 25/3 tại nghĩa trang liệt sĩ huyện, Huyện ủy – HĐND – UBND – UBMTTQVN huyện Phú Vang đã tổ chức đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ.

Dâng hương kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng quê hương
Con đường vào Nam

Các tư liệu, hình ảnh, hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tái hiện tương đối đầy đủ thân thế và sự nghiệp cách mạng của Đại tướng, về quê hương Thừa Thiên Huế, về quá trình xây dựng quân đội, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Trong đó, có những hiện vật gốc như chiếc cặp da, đôi giày da, mũ da là những vật dụng được Đại tướng sử dụng để cải trang thành nhà tư sản trên con đường vào Nam nhận nhiệm vụ.

Con đường vào Nam
KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH ĐẠI TƯỚNG NGUYỄN CHÍ THANH (1/1/1914 – 1/1/2024)
Một vị tướng đức tài tròn vẹn, trí dũng song toàn

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914 – 1967), người con ưu tú của quên hương Thừa Thiên Huế, vị Đại tướng lừng danh của Quân đội nhân dân Việt Nam, nhà chính trị - quân sự lỗi lạc của Đảng, Quân đội và Nhân dân ta. Tài năng quân sự của ông từ thời chống Pháp đã được báo chí Pháp tôn vinh là “cứu tinh của Bình-Trị-Thiên khói lửa”, bởi “Ngay từ những năm khói lửa đầu tiên, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã thể hiện tài nghệ của mình, trong đó cơ bản nhất là tổ chức dân, nắm lại dân, dựa vào dân để tổ chức lực lượng đánh địch” như lời nhận xét của cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Một vị tướng đức tài tròn vẹn, trí dũng song toàn
Return to top