ClockThứ Năm, 17/09/2015 17:43

Nghệ thuật truyền thống mất dần đất diễn

TTH - Những năm gần đây, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở cấp cơ sở, thôn, làng ít được tổ chức. Thiếu sân chơi cho những người dân có “máu” văn nghệ, kéo theo những sinh hoạt nghệ thuật truyền thống ăn sâu trong cộng đồng từ lâu cũng dần mất đi.

Liên hoan văn nghệ quần chúng là điều kiện để nghệ thuật truyền thống đến với công chúng

Xa dần

Theo giới thiệu của nhiều người dân ở xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Hoài (làng Thành Công), người có thâm niên tham gia biểu diễn nghệ thuật ở địa phương. Biết chúng tôi đến vì chuyện văn nghệ quần chúng, ông “kéo” ngay chúng tôi vào căn phòng, nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm một thời “lăn lộn” với nghệ thuật. Vừa “khoe” những tờ giấy khen, ông vừa nói: “Tôi tham gia đội văn nghệ từ lúc đất nước mới giải phóng, ngày ấy các hoạt động phong trào văn nghệ quần chúng được tổ chức nhiều. Năm nào cũng có vài hội thi, hội diễn, không thi trong xã, huyện thì các đội tổ chức thi với nhau. Mỗi dịp biểu diễn là mọi người dân đều tham gia, cổ vũ như những ngày hội. Mấy năm trở lại đây, tôi thấy thôn, làng không tổ chức nữa”.

Hiện nay, không dễ để tìm ra một hội thi văn nghệ quần chúng, do “diễn viên nghiệp dư” là những nông dân biểu diễn. Nghệ sĩ Nhân dân, đạo diễn Nguyễn Ngọc Bình cho hay: “Các hoạt động văn nghệ quần chúng ở các địa phương có tổ chức nhưng dung lượng ít đi và quy mô cũng nhỏ hơn, chứ không hẳn là không còn. Một phần nguyên nhân là trước đây làm hội thi, hội diễn chỉ mang tính chất sân chơi, nơi để người dân cùng tụ hội, biểu diễn cho nhau xem, chỉ là những điểm sinh hoạt chung giúp giải trí sau những ngày làm việc vất vả. Sau này các hội thi, hội diễn đó có thêm những giải thưởng, không chỉ một mà rất nhiều giải thưởng khác nhau. Đây chính là con dao hai lưỡi, mới đầu thì tạo thêm động lực cho những nghệ sĩ, diễn viên thêm cố gắng, luyện tập để có những tiết mục biểu diễn hay, ý nghĩa hơn. Lâu dần trở thành những cuộc thi thố tranh giành thành tích, vì giải thưởng, dẫn đến một hiện tượng là thuê diễn viên về biểu diễn để nâng cao khả năng đoạt giải”.

Ngày 4/8/2015, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 88 về việc triển khai các Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trong đó có nội dung xây dựng các mô hình trình diễn nghệ thuật dân gian trở thành sản phẩm văn hóa thu hút khách du lịch. Đây là cơ sở và động lực để những mô hình văn nghệ quần chúng sống lại trong đời sống, không chỉ bảo tồn mà còn có thể phát triển nghệ thuật truyền thống khi những mô hình này trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang đậm nét văn hóa của người dân bản địa.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hội Sân khấu Thừa Thiên Huế, cho hay trong khoảng thời gian dài, hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng trở thành một thói quen sinh hoạt của người dân nông thôn, mỗi năm đều có vài hội diễn được định sẵn về thời gian và chủ đề để người dân chuẩn bị và tham gia biểu diễn. Chẳng hạn như mô hình “Làng vui chơi, làng ca hát” từng được tổ chức khá thành công ở nhiều địa phương nay cũng không còn nữa. Đối với văn nghệ quần chúng, phong trào ở cơ sở có mạnh thì các cấp ở trên mới mạnh được.

Một nguyên nhân khác được đạo diễn Nguyễn Ngọc Bình phân tích là các hội thi, hội diễn đa số được tổ chức ở thành phố Huế, không tổ chức ở các vùng nông thôn, điều này đã làm mất tính cơ sở của phong trào. “Theo tôi, nên tổ chức thi theo cụm, như Nam Đông - A Lưới, Phong Điền - Quảng Điền, Phú Lộc - Hương Thủy... để người dân ở các địa phương đó được xem biểu diễn văn nghệ, lại đỡ tốn công sức đi lại cho những địa phương ở xa. Mặt khác, để tổ chức một cuộc thi có quy mô phải đến khoảng 500 nghệ sĩ, diễn viên, kinh phí ăn ở, đi lại khá lớn, trong khi đó nếu thi ở cơ sở thì chỉ cần ít kinh phí để một vài giám khảo về tham dự và chấm giải cho hội thi”, đạo diễn Nguyễn Ngọc Bình chia sẻ.

Không gian sinh hoạt nghệ thuật truyền thống

“Ngày ấy, những người đồng trang lứa như tôi ai cũng biết hò biết hát, những bài dân ca của vùng đất này được chúng tôi thuộc như lòng bàn tay”. Nói vừa dứt câu, ông Hoài hò cho chúng tôi nghe ngay một bài dân ca vùng Bình Trị Thiên. Ông tiếp: “Thời ấy, đi làm đồng, cấy lúa bên này hát một câu bên kia lại đối lại một câu, ấy thế mà bao nhiêu công việc cũng hoàn thành, quên cả mệt mỏi. Những câu hò đối đáp ấy một phần đã có sẵn, một phần trong bất chợt mỗi người nghĩ ra để đối lại. Cứ thế không biết bao câu hò đối đáp mới được sáng tạo thêm.

Ông Nguyễn Văn Thanh nhận định: “Hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng được tổ chức với mục đích là nâng cao đời sống văn hóa, làm lành mạnh hóa đời sống của người dân, tạo phong trào văn nghệ ở cơ sở, giúp gắn kết, xây dựng tinh thần đoàn kết trong một cộng đồng nhất định. Chính những hội thi, hội diễn này là cơ hội lớn để nghệ thuật truyền thống, nét văn hóa bản địa còn sống mãi trong đời sống hiện đại. Những cuộc thi này sẽ làm tăng hiệu ứng về số đông - điều vô cùng quan trọng trong biểu diễn nghệ thuật nói chung và nghệ thuật truyền thống nói riêng. Nếu cho rằng, người dân hiện nay thiếu nhiệt huyết tham gia thì cũng chưa hẳn, đó chỉ là cái bên ngoài, thực chất mỗi người dân đều muốn trực tiếp tham gia biểu diễn, là chủ thể tiếp xúc với công chúng”.

“Nếu các phong trào văn nghệ quần chúng được hồi sinh, các em nhỏ sẽ được tham gia, giúp nuôi dưỡng được tài năng. Đây có thể là những diễn viên vừa có năng khiếu vừa có đam mê mà Trường Văn hóa Nghệ thuật có thể tuyển sinh. Rồi các cháu có thể trở thành những hạt nhân quan trọng cho nghệ thuật biểu diễn sau này”, ông Nguyễn Văn Thanh suy nghĩ.

Quang Đức
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
Return to top