ClockThứ Ba, 15/09/2020 13:15

Nghịch lý…rơm

TTH - Cứ sau mỗi mùa thu hoạch lúa, một vấn nạn mà năm nào cũng nghe xã hội than phiền ấy là chuyện đốt đồng.

Ngăn chặn “đốt đồng”, tránh thảm họa môi trườngTận thu rơm rạ tái phục vụ nông nghiệp

Những cánh đồng lúa luôn thải ra một lượng rơm lớn sau mỗi mùa vụ, nếu không có hướng tiêu thụ, người nông dân đành phải đốt bỏ

Trước kia, khi đời sống còn nhiều khó khăn, nhu cầu cho chất đốt, cho chăn nuôi, cho phân bón… thì không chỉ rơm mà kể cả rạ - bà con nhiều nơi quen gọi là “tót”- được tận thu sát gốc. Ở các vùng nông thôn, hầu như không nhà nào là không có đụn/cây rơm. Đến mức nó trở thành hình ảnh mặc định, thân thương, gần gũi với đời sống mọi nhà.

Sau này đời sống khá lên, lúa được gặt máy và tuốt luôn tại ruộng, chất đốt không thiếu, không ai hơi đâu cứ phải ngồi dán vào bếp để đun rơm nấu cho xong bữa ăn. Vậy là rơm trở nên rất… “thân phận”. Bị vứt, bị đốt bỏ luôn ngoài ruộng để cho “sạch đồng” còn làm vụ sau. Mỗi lần như thế, khói cứ mù mịt đất trời khiến nhiều người kêu trời van đất vì ô nhiễm. Khốn khổ cho những tuyến đường có đồng ruộng 2 bên, khói do đốt đồng có lúc che hết tầm nhìn khiến xe cộ vừa đi vừa mò mẫm. Hết sức nguy hiểm!

Nghịch lý là trong lúc đó, nhiều nơi lại cần rơm cho sản xuất mà tìm mua lại không dễ. Rơm để sản xuất nấm, rơm để “tủ” cho gốc cây ăn quả, cho các loại hoa màu… Muốn có rơm, phải đi chỗ này gom ít, chỗ kia gom ít, rất mất công.

Mới đây, lên Nam Đông ghé vườn cam hơn 2.000 gốc của ông Năm, thấy một đống gì to đùng, được phủ bạt giữa vườn. Hỏi thì được biết đó là rơm dự trữ để ủ gốc cam. Chủ vườn phải về dưới xuôi mua gom, một xe mấy chục ngàn mà nhiều khi không có. Mà Nam Đông không chỉ có mỗi vườn cam của ông Năm. Cam “ông Xê” cũng “ghê gớm” không kém. Rồi còn bao nhiêu vườn, bao nhiêu trang trại khác không chỉ của Nam Đông mà cả A Lưới, Phong Điền, Phú Lộc… cần rơm để ủ gốc, để làm phân, để trồng nấm cũng phải đi tìm, đi gom như thế.

Trong lúc đó ở đồng bằng, như đã nói, cứ sau mỗi mùa thu hoạch là lại mịt mù khói. Đốt rơm không làm cho ruộng tốt lên mà ngược lại còn làm “hỏng” ruộng. Cái này các nhà khoa học giải thích rồi. Chủ ruộng có lẽ cũng chẳng thích thú gì cái chuyện đốt rơm vì biết bị than phiền, thậm chí có khi còn bị phạt, bị pháp luật sờ nếu vì đốt rơm mà gây tai nạn…

Người có rơm không biết làm sao bán, thậm chí không biết phải cho ai. Còn người cần rơm thì lại phải đi tìm, đi gom khá mệt mỏi. Làm sao để “2 người” này gặp nhau? Bài toán này, theo thiển ý của chúng tôi không quá khó, chỉ cần hội nông dân tích cực ra tay là có thể giải quyết được.

Chưa tính những “nền tảng” khác, chỉ cần tạo một group trên những nền tảng phổ biến như FB, Zalo hay Viber, trong đó kết nối tất cả các hội cơ sở với nhau. Một câu hỏi đưa lên: “Chỗ tôi đang cần chừng này chừng kia rơm, ai có?”; nơi kia sẽ lập tức: “Đây, cần bao nhiêu?”… Hội đã phủ sóng rộng khắp; smartphone với nhiều cán bộ hội và hội viên cũng không còn xa lạ. Thiết nghĩ, thao tác trên là cực kỳ đơn giản. Chỉ cần kết nối, liên thông ổn thôi, còn những việc khác xa hơn như trợ cước, trợ giá, hỗ trợ phương tiện (nếu cần thiết)…chắc hẳn cũng sẽ có cách gỡ.

Nguồn rơm cứ đều đặn phát sinh mỗi năm 1-2 vụ, tìm giải pháp để giải bài toán “nghịch lý rơm” là rất cần thiết. Đó sẽ là một việc làm đạt nhiều mục tiêu: Tránh lãng phí nguồn rơm; chống ô nhiễm mỗi trường; người nông dân có thêm thu nhập; các chủ vườn, chủ trang trại, chủ trại nấm…được cung ứng nguồn rơm theo nhu cầu mà không cần phải quá mất công tìm kiếm, thu gom như lâu nay vẫn phải như vậy. Không quá phức tạp, việc gì mà không khởi động?

Bài, ảnh: Thượng Bích

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Nông nghiệp huyện Phú Lộc đang từng bước chuyển dịch theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Sản xuất gắn với bảo quản, chế biến, quảng bá và liên kết tiêu thụ sản phẩm nên người dân yên tâm.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
Dấu ấn khuyến nông

Dù có những lúc thăng trầm, nhưng đến thời điểm này ngành nông nghiệp tỉnh đã có bước chuyển mình đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Trong sự chuyển biến chung đó phải kể đến dấu ấn quan trọng của hoạt động khuyến nông.

Dấu ấn khuyến nông
Thị trường carbon: Chìa khóa chuyển đổi xanh

Thị trường carbon được coi là một trong những công cụ quan trọng trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050” của Việt Nam.

Thị trường carbon Chìa khóa chuyển đổi xanh
Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, công nghệ cao

Trên cơ sở kinh tế nông nghiệp tuần hoàn (NNTH), nhiều nông dân các địa phương đã xây dựng mô hình, tổ hợp trang trại chăn nuôi khép kín an toàn sinh học (ATSH), mang lại thu nhập cao và góp phần bảo vệ môi trường.

Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, công nghệ cao
Đam mê với nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn

Không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng, với ông Nguyễn Văn Lịch (xã Phong Thu, Phong Điền), mô hình nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn còn mang lại hiệu quả kinh tế và là niềm vui lao động khi tuổi đã cao.

Đam mê với nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn

TIN MỚI

Return to top