ClockThứ Năm, 13/03/2014 05:34

Nghịch tử...

TTH - Con trai đã có vợ nhưng vẫn say sưa, quậy phá, khiến cha tức khí đuổi thẳng cổ. Con trai khệnh khạng về nhà, cầm sợi dây nịt quay tít trên tay. Cha hỏi “Mi về đây làm gì”? Con nhấm nhẳng: “Về đập bậy chơi”. Cha nổi xung quơ thanh gỗ: “Nhà chỉ có tau là đàn ông, mi nói rứa là về để đánh tau phải không”? Nhưng chưa kịp làm gì thì cha đã bị thằng con nhấc chiếc xe đạp dựng trong nhà nện vào người, ngã xuống đất bất tỉnh. Sau vụ bị con đánh sém gãy cổ, thương tích 35 %, cha có đơn đến cơ quan Công an “tố” con trai.

Phiên tòa diễn ra trong một ngày mưa tầm tã. Từ sáng sớm, trên ghế bị hại, phòng xét xử TAND thị xã Hương Trà, cha mẹ ngồi co ro. Khi bị cáo được công an áp giải ngang qua, cả hai thảng thốt, bật dậy. Nhưng họ lại ngồi phịch xuống ghế. Rã rời!

Minh họa: Hương Trà

Nuông quá hóa… nghịch tử

Đích thân ông Võ Văn Giáp, Chánh án TAND thị xã Hương Trà làm chủ tọa phiên tòa. Từ cáo trạng được công bố, phần thẩm vấn đối với bị cáo, bị hại, vụ án “tái hiện” với những tình tiết khiến những người dự khán phải lắc đầu ngao ngán. Theo đó, nguyên nhân sâu xa dẫn đến hành vi phạm tội của bị cáo bắt đầu từ việc vợ chồng ông K sinh 6 người con, nhưng chỉ có Đ là con trai. Gia đình ông K thuộc diện khá giả, xây được ngôi nhà hai tầng và sắm được chiếc ô tô tải chở vật liệu xây dựng thuê. Nghĩ chỉ có Đ là “thằng chống gậy” khi mình già cả nên vợ chồng ông K ra sức chiều chuộng. Đứa con trai từ nhỏ được cha mẹ cưng chiều vô điều kiện, nên ham chơi lêu lổng. Tuổi trưởng thành, Đ vẫn chứng nào tật nấy, đàn đúm rượu chè, ăn bám vào cha mẹ, khệnh khạng làm “ông vua con” trong nhà.

Khi nghe con ngỏ lời muốn cưới vợ, vợ chồng ông K mừng rỡ, nghĩ Đ có vợ con sẽ thay đổi, chí thú làm ăn. Cô dâu ở làng bên được cha mẹ chồng rước về cùng ở chung trong nhà. Tuy nhiên, vợ chồng ông K chỉ mừng… hụt. Vợ đã “vác” bụng bầu, Đ chuẩn bị làm cha, nhưng vẫn ngày đêm rượu chè đàn đúm. Ông K bèn “dụ” con trai lái xe chở vật liệu thuê của gia đình. Tuy nhiên, từ ngày làm công việc này, đứa con trai càng hay “đá thúng đụng nia” và không ngại nói thẳng toẹt: “Lái xe thuê cho người ta được trả tiền công mỗi tháng 4 - 5 triệu đồng. Lái cho cha chẳng được đồng tiền công nào”. Ông K bực bội: “Tau nuôi cả hai vợ chồng bây, tiền đó còn gấp mấy tiền công, bây sống có thiếu chi mô, đòi trả chi nữa”? Để “trả đũa” cha, Đ càng thường xuyên uống rượu, quậy phá tưng bừng. Tức giận, ông K đuổi thẳng cổ thằng con hỗn láo. Vợ chồng Đ dắt nhau về ở nhà cha mẹ vợ.

Được vài hôm, Đ khệnh khạng về nhà, cầm chiếc dây nịt quay tít trên tay. Ông K hỏi: “Mi về đây làm gì”? Đ nhấm nhẳng: “Về đập bậy chơi” Ông K nổi xung quơ thanh gỗ: “Nhà chỉ có tau là đàn ông, mi nói rứa là về để đánh tau phải không”? Nhưng chưa kịp làm gì thì ông K đã bị thằng con nhấc chiếc xe đạp nện vào người, ngã xuống đất bất tỉnh. Nghe người vợ hoảng hốt la làng, hàng xóm láng giềng vội vã chạy qua, cùng đưa ông K đến Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu. Sau hai mươi ngày chữa trị, được cho ra viện, ông K có đơn gửi cơ quan Công an “tố” con trai. Đ bị bắt tạm giam.

Đáng trách

Tại phiên tòa, Đ khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Tòa hỏi: “Bị cáo suy nghĩ như thế nào mà có hành động như vậy?”. Đ im lặng, sau đó lí nhí xin tòa xem xét cho hưởng mức án nhẹ nhất. Vị Chánh án nghiêm khắc: “Cha mẹ là người sinh thành, dưỡng dục, tình thương đối với con như sông như biển, vậy mà bị cáo lại có hành vi “nghịch tử”, bất hiếu với cha mẹ, vi phạm luân thường đạo lý, khó lòng có thể chấp nhận được. Tại phiên tòa hôm nay bị cáo có lời gì để nói với cha mẹ không?”. Lúc này Đ mới quay xuống phía cha mẹ nói lời xin lỗi. Ông K cũng khẩn thiết xin tòa xử Đ một mức án nhẹ.

Theo vị Chánh án, khi biết con bị truy tố về tội “cố ý gây thương tích” theo khoản 3 Điều 104 BLHS, có khung hình phạt từ 5 năm đến 15 năm tù, người cha “giật mình”. Ông K đã đến tòa án để xin tha cho con. “Người cha này nói, ông chỉ muốn “dọa” con để nó biết sợ mà tu tỉnh, chứ không ngờ sự việc lại nghiêm trọng đến vậy. Ông ta xin rút đơn để con khỏi bị đi tù”. Chánh án Võ Văn Giáp đã giải thích về quy định của pháp luật. Theo đó, nếu Đ bị truy tố theo khoản 1 Điều 104 BLHS (khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại), thì ông K mới có quyền xin rút đơn và vụ án sẽ được đình chỉ trước khi mở phiên tòa sơ thẩm. Tuy nhiên, thương tích của ông K là 35% và Đ phạm tội với cha, nên bị truy tố theo khoản 3 Điều 104 BLHS, do đó pháp luật buộc phải xử lý.

Phần thẩm vấn và tranh luận kết thúc, phiên tòa tạm dừng để hội đồng xét xử nghị án trước lúc quyết định hình phạt. Con - bị cáo, cha - bị hại và những người “liên quan” là vợ bị cáo (cũng là con dâu vợ chồng ông K), chị ruột ông K (cũng là cô ruột bị cáo) và những người ruột thịt thân thích trong gia đình ông K, mỗi người ủ rũ một góc. Căng thẳng. Lát sau, vợ bị cáo được cho phép đến cạnh chồng. Bị cáo định bồng đứa con chưa đầy tuổi từ tay vợ, nhưng đứa trẻ không chịu, ngằn ngặt khóc. Vợ bị cáo thút thít: “Lúc ba nó bị bắt tạm giam, tui bầu gần sinh. Con ra đời đã thấy mặt cha ngày mô, có biết hơi cha mô mà chẳng lạ, chẳng cho bồng? Tui “hận” cha mẹ chồng, từ nay tui từ mặt…”. Một người tham dự phiên tòa không nén được bất bình, phải thốt ra những lời chua chát: “Biết “hơi cha” là quan trọng như rứa, vì răng không nghĩ cha chồng đã thương yêu, lo lắng, dành hết tình cảm cho con? Lẽ ra con dâu phải khuyên chồng “quay đầu” lại với cha mẹ cho phải đạo, đằng ni lại còn đòi từ mặt”?

Tòa tuyên án, phạt Đ 3 năm tù (là mức án dưới khung hình phạt). Ấy vậy mà, khi Đ bị đưa ra “xe tù” về lại trại tạm giam, tòa tiếp tục xử vụ án khác, gia đình ông K vẫn đứng lại trước thềm phía ngoài phòng xét xử cãi cọ nhau gây náo loạn. Chị ruột ông K xỉa xói em dâu: “Đồ mi là vợ mà xui chồng làm đơn tố cáo để đưa con vô tù. Cha mẹ chi lạ rứa? Chừ con vô tù đã hả dạ chưa? Đồ…đồ…”. Vợ chồng ông K thì cố phân bua, họ chỉ định dọa con để nó tu tỉnh. Chuyện trong gia đình, công an nào mà bắt đi tù. Họ cũng không ngờ… Khi lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa ra giải tán, người chị nguýt vợ chồng em trai rồi hậm hực ra về. Tiếp đến, cô con dâu ôm con nhỏ, không thèm nhìn mặt cha mẹ chồng, rời khỏi khu vực phòng xét xử. Vợ chồng ông K thiểu não, lầm lũi bước trong màn mưa lạnh lẽo.

Buổi chiều, chúng tôi tìm đến nhà cha mẹ vợ bị cáo, vừa lúc gặp mẹ vợ Đ ngay đầu ngõ. Bà này giọng chua như giấm: “Con gái tui không có nhà mô, bận đi kiếm tiền lo nuôi con, bới xách cho chồng hắn rồi. Tui phải giữ con cho tụi hắn đó. Đồ cha mẹ mà đưa con vô tù. Hỏi chi tìm nhà “bên kia” mà hỏi”. Đến mấy lần, nhưng nhà ông K vẫn cửa đóng im ỉm. Theo những người hàng xóm, có lẽ vợ chồng ông K buồn quá, không muốn ngồi mãi trong căn nhà “hiện trường” của vụ việc chua xót. Một người kể: “Từ khi xảy ra chuyện đến nay, vợ chồng ông ấy đi làm nhiều hơn mọi ngày. Vắng suốt. Cả chiếc xe ô tô cũng đang rao bán. Vợ chồng ông K thật đáng thương vì có thằng con bất hiếu. Nhưng cũng phải trách vợ chồng ông ấy, không uốn nắn con từ nhỏ, chiều chuộng, dung túng cho những thói hư tật xấu của nó, giờ mới thê thảm. Để pháp luật “răn dạy” là đúng, không nên dung túng cho sai trái của con nữa...”

Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trả giá đắt vì giúp bạn trả thù

1 án tử hình, 1 chung thân và 9 bị cáo còn lại nhận mức án từ 2,5 - 14 năm tù là bản án nghiêm khắc dành cho 11 thanh niên trong vụ hỗn chiến kinh hoàng dưới chân đèo Hải Vân (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) làm 2 người chết, 3 người trọng thương.

Trả giá đắt vì giúp bạn trả thù
Mất tình ruột thịt

Bất kể vụ tranh chấp nào phải “mang đến” chốn pháp đình cũng phức tạp. Nhưng phức tạp và đau lòng nhất vẫn là những vụ án mà đương sự là người thân ruột thịt trong một gia đình.

Mất tình ruột thịt
Bi kịch do sử dụng ma túy

Học đến lớp 11 thì bỏ học nửa chừng vì bị chúng bạn lôi kéo sử dụng chất ma túy, Lê Ngọc Phú Thịnh (SN 1995, trú phường Kim Long, TP. Huế) trở thành kẻ sát nhân máu lạnh. Đau đớn hơn khi mà nạn nhân lại chính là bà nội của y.

Bi kịch do sử dụng ma túy
Lời cảnh tỉnh

Thiếu cẩn trọng khi tham gia giao thông, người thiệt mạng, người còn vị thành niên bị pháp luật xử lý.

Lời cảnh tỉnh
Vận chuyển gần 5kg ma túy, lãnh 2 án tử hình, 1 án chung thân

Theo đó, tuyên mức án tử hình đối với Phan Văn Bá (SN 1976) và Lê Kim Huân (SN 1990), cùng trú TP. Đà Nẵng; đồng thời tuyên án chung thân đối với Phạm Đăng Huy (SN 1981), trú tỉnh Bình Thuận, trong vụ vận chuyển 14 bánh heroin (gần 5kg) từ Hà Tĩnh vào phía nam, bị bắt giữ tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc.

Vận chuyển gần 5kg ma túy, lãnh 2 án tử hình, 1 án chung thân
Return to top