ClockThứ Ba, 14/01/2014 18:18

Ngoại

TTH.VN -  Sao chúng ta luôn chỉ đợi đến khi mất đi rồi mới nhớ đến hoài niệm?!Tôi bắt đầu nhận ra rằng ngần ấy thời gian cho xã hội cũng mới chỉ đủ để người ta bắt đầu suy nghĩ mình nên làm gì cho ngày mai mà quên mất rằng, mình có nhiều thứ cần nhìn và cảm lại.

 Với ba mẹ, ngày mai của có lẽ là số báo nào đó cần lên kệ, chương trình nào cần phát sóng, các cuộc họp nào đó và ti tỷ vấn đề về gia đình mà tôi chẳng thể nào biết rõ. Còn tôi, chưa chạm đến cái tuổi phải rong ruổi trên con đường đời đầy rẫy cam go và ganh đua kia mà cũng đã có quá nhiều thứ cho ngày mai cần nhớ. Ví như mai học gì, ăn gì, đàn đúm bạn bè nơi đâu... Thế đấy, ở cái tuổi  thích ra đường thì ngày mai của chúng tôi chắc là vậy. Có thể nhiều hơn... 

May mắn thay, nhà tôi còn có Ngoại, người mà mấy chục năm qua gánh vác cho mẹ tôi phần chợ ngày mai, phần chọn lựa đồ ăn cho con cháu ra sao và như thế nào. Nhiều khi thầm nghĩ, không biết ngày mai của Ngoại, ngày mai không có kết nối mạng, ngày mai không có đàn đúm bạn bè, không công việc suốt thời gian qua... là gì?  

Huế trở lạnh, từng đợt gió ghì vào da thịt. Đông về rồi và cái cách mà mỗi người chống lại cái rét đang vẫy vùng ngoài kia khác nhau nhiều lắm. Như tôi chẳng hạn, đem thể xác làm đầu nên tôi chọn trùm chăn ngủ nướng. Ba mẹ thì khác. Ba mẹ chống chọi với cái rét bằng công việc. Chắc là cũng vẫn lạnh. Tôi đoán thế vì không dám hỏi. Còn Ngoại?! Nhiều khi nhìn lui cui, lúi húi những việc không tuổi không tên hoài, tôi không thích. Tôi xót xa mà nhiều khi cái sự ngủ cứ lấn lướt riết thành quen. Mấy lần tôi đánh xe ra chợ tìm ngoại, cảm giác như đứa con nít hối hả tìm mẹ trong đám người ồn ã. Ngoại già lắm rồi. Chưa gù lưng thôi mà hình ảnh Ngoại đã khó tìm quá. Lòng xót xa thấy lạ. Mà ngoại cũng lạ lắm. Ngoại bảo "Ngoại không nấu cơm chịu không được ". Ngộ chưa. Người ta không ăn mới khó chịu chứ. Như tôi chẳng hạn. Ngoại lạ ghê. Một cái lạ đến tê lòng...  

Tôi cũng lạ. Buổi tối không ngủ được, là lại nghĩ lung tung cho nước mắt ướt, hoặc cứ ngáp cho dễ ngủ. Vậy mà tất cả mọi lần, hình ảnh hiện lên trong tôi là cảnh căn nhà vắng hoe không tiếng ngoại. Một cái lạ đáng ghét. Không phải để lấy cái đó ra làm phương pháp gây ngủ, mà đó là thứ làm con người ta xao lòng nhất khi xung quanh tối om. Cảm giác sợ mất đi một thứ gì quý giá thật khó chịu. Tôi vẫn chưa nghĩ đến ngày sẽ không có ai mua quà bánh cho mình, ngày "bình yên" không bị la. Tôi: thích bị la. Ai mà chẳng biết. Bị la ít thôi cũng là quá đủ để tức điên lên rồi chứ huống gì hằng ngày. Ngoại la ít thôi mà dài và hay lặp lại, nên tính ra cũng gấp ba, bốn lần mẹ nói. Nhưng dù sao, với riêng tôi như thế vẫn tốt hơn vạn lần yên ổn. Thương cho roi cho vọt mà.

 

Tôi thấy hài lắm khi Ngoại bị gẫy mất cái răng cửa. Chắc là cũng sợ xấu như tôi sợ mọc mụn, nên Ngoại ít cười hẳn. Hay đúng hơn là ngoại muốn cười nhưng ngại cười to. Như cô gái đôi mươi e thẹn. Bởi thế, mấy ngày đầu thay vì cười, Ngoại toàn chuyển thể thành la vì tôi gây ồn ào. La ít hở răng hơn mà. Đấy, Ngoại tôi cũng dễ thương lắm nhé. Có dễ thương mà cũng kỳ cục lắm. Ngoại thở nhẹ, nhẹ quá, nên nhiều khi tôi cũng hoảng. Phải thở mạnh lên chứ. Mạnh mẽ và lâu như mấy trận la, thậm chí đánh đòn dành cho tôi ấy. Tôi sợ ngoại thở nhẹ. Không thích. Vì khó nhận ra và nắm bắt. Không biết ba mẹ những lúc rảnh rỗi, có nghĩ về Ngoại rồi sợ như tôi không. Hay con em nhắng nhít của tôi kia có khẽ khàng nghe nhịp thở của Ngoại y như cách mà tôi hay làm không nhỉ. Tôi không chắc. Không biết mọi người của tôi có nhận ra một ngoại " đa phong cách" vậy không nữa. 

Huế lạnh lắm.Cái lạnh khiến ai cũng muốn xích lại gần nhau hơn nhưng rồi ai cũng bận rộn chạy đua với cách chống rét của mình và suy nghĩ về những cái lạnh tiếp theo trong cuộc sống. Ba mẹ với công việc. Ngoại với chợ xép bên đường. Còn tôi, ngày mai của mình phải tập ngủ "khô" và nhắc ngoại thở mạnh hơn trước khi tất cả chỉ là hoài niệm. Bởi không chỉ mình tôi mà ngoài kia, cơn lạnh cũng biết Ngoại đã già, già lắm...

Cát Nhi
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
Return to top