ClockThứ Bảy, 25/04/2020 07:49

Nguy cơ ô nhiễm từ chợ tự phát

TTH - Do dịch COVID-19, việc đi lại bị hạn chế, để thuận tiện cho người dân, một số chợ tạm, chợ di động tự phát mọc lên nhiều nơi. Rác, nước thải nhếch nhác tại các điểm này có nguy cơ gây ô nhiễm, dịch bệnh.

Cần sớm di dời ra khỏi khu dân cư

Nhiều hàng quán kinh doanh tự phát hình thành dọc các đường phố, công viên gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị

Tiện đâu bán đấy

Khoảng hơn 6 giờ sáng, khu vực giao giữa đoạn đường Hàn Thuyên, Đoàn Thị Điểm, Đinh Tiên Hoàng (TP. Huế), từng rổ cá tôm, rau củ quả, thịt... được bày bán hai bên vệ đường. Những người sống lân cận hoặc người đi thể dục buổi sáng tiện đường ghé mua.

Chị Ánh, ở đường Lê Thánh Tôn cho hay: "Hơn năm nay, số người đến bán càng nhiều. Ban đầu chỉ một hai xe đẩy, giờ tụ họp bán đủ các mặt hàng tươi sống, rất thuận tiện cho mọi người chọn mua".

Từ khi có dịch đến nay, những nơi nào có đông người qua lại, dân cư tập trung là ở đó mọc lên những hàng quán bán rau củ quả tươi sống, thủy hải sản, thịt... Từ khu vực phía Bắc đến phía Nam TP. Huế, như trên đường Hàn Thuyên, Phùng Hưng, Đặng Tất, Bùi Thị Xuân, khu quy hoạch Lịch Đợi, cầu Gia Hội... có dấu hiệu ngày càng lộn xộn, nhếch nhác do nhiều hàng quán mua bán di động phát sinh.

Sau khi tan họp chợ, ngoài một số chủ quán có ý thức quét dọn, còn lại vẫn để nước thải, rác thải nguyên trạng và chờ công nhân vệ sinh môi trường thu gom.

Ông Nguyễn Khoa Hùng, sống ở nội thành phản ánh, thời gian này, có khá nhiều điểm hoạt động mua bán thực phẩm tươi sống tự phát ngay trên đường phố. Do mùi tanh cá tôm, thịt và nước thải ra từ các gánh hàng nên xung quanh phát sinh ruồi, nhặng, rất mất vệ sinh.

Dù có chút tiện lợi, nhưng việc buôn bán hàng tươi sống phải đúng nơi đúng chỗ, phải tập trung ở chợ dân sinh chính để đảm bảo có được dịch vụ dọn vệ sinh, xử lý nước, rác an toàn.

Chính quyền địa phương cần vào cuộc

Không chỉ địa bàn TP. Huế, tại các huyện, thị xã, tình trạng chợ tự phát, chợ di động hình thành ngày càng nhiều.

Dọc tuyến QL49 từ Huế về Thuận An, đoạn gần điểm chợ Phú Tân (thị trấn Thuận An), tại các nhà dân sống 2 bên đường hằng sáng vẫn tấp nập người mua bán thủy hải sản. Nước từ các hàng quán này chảy lênh láng ra mặt đường gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường.

Theo đại diện thị trấn Thuận An, mặc dù địa phương nhiều lần ra quân nhắc nhở, tuyên truyền vận động và xử lý vi phạm hành chính, nhưng cũng bất lực. Vì lấy lý do kinh doanh tại nhà nên chỉ sau vài ba ngày dẹp yên thì hoạt động mua bán đâu lại vào đấy. Không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà hoạt động mua bán diễn ra tại đây còn gây mất trật tự an toàn giao thông.

Theo quy hoạch phát triển thương mại của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, việc phát triển kết cấu hạ tầng thương mại bán lẻ tại các địa phương được khuyến khích. Tuy nhiên, mô hình bán lẻ phải đảm bảo cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại và khuyến khích xã hội hóa nguồn vốn đầu tư xây dựng chợ bán lẻ, phát triển kinh doanh các dịch vụ bán buôn, bán lẻ.

Điều này cũng đồng nghĩa, các địa phương phải lập quy hoạch các khu vực, các tuyến phố chuyên doanh, quy định các khu vực hạn chế kinh doanh, hạn chế một số lĩnh vực kinh doanh, sắp xếp, di dời, xóa bỏ các điểm kinh doanh không phù hợp. Nhất là phải xoá các điểm chợ tự phát, chợ tạm đang có nguy cơ bùng phát.

Theo đánh giá của Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, không chỉ ô nhiễm tại các điểm mua bán tự phát, phần lớn các chợ dân sinh, dịch vụ công cộng trên địa bàn tỉnh vẫn đang thiếu hệ thống thu gom, xử lý nước thải mà được xả trực tiếp ra môi trường, xuống sông, kênh mương.

Lý do quy hoạch chợ trước đây chỉ quan tâm đầu tư hệ thống cấp, thoát nước mưa, chưa đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt, nên xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường.

Ngoài xoá các điểm chợ tự phát, di động, chính quyền địa phương cần hoàn thiện các quy định và chính sách có liên quan đến bảo vệ môi trường đối với hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhận biết và phòng ngừa dịch cúm gia cầm

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm (DCGC), ngày 23/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tổ chức hướng dẫn cách nhận biết và các biện pháp phòng trừ DCGC. Mục tiêu là hạn chế thấp nhất vi rút DCGC lây nhiễm và gây tử vong cho người, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi.

Nhận biết và phòng ngừa dịch cúm gia cầm
Sốt xuất huyết ở Trung và Nam Mỹ có nguy cơ thành đợt bùng phát nghiêm trọng nhất

Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) đang cảnh báo nguy cơ về một đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết nghiêm trọng nhất từ trước đến nay ở Trung và Nam Mỹ khi số ca nhiễm sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay ở khu vực này đã vượt quá 3,5 triệu người, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có hơn 1.000 ca tử vong.

Sốt xuất huyết ở Trung và Nam Mỹ có nguy cơ thành đợt bùng phát nghiêm trọng nhất
Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm

Các biện pháp phòng, chống được triển khai đồng bộ, có hiệu quả nên đến thời điểm này, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) chưa xảy ra. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, tái bùng phát dịch bệnh GSGC.

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm
Return to top