ClockThứ Tư, 13/03/2019 13:50

Nhân rộng các mô hình khuyến nông hiệu quả

TTH - Từ hiệu quả mang lại, huyện Phú Vang tập trung nhân rộng các mô hình (MH) khuyến công trên địa bàn nhằm khích lệ người nông dân thay đổi nhận thức về sản xuất, hướng tới sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị.

Tổ chức 12 mô hình khuyến nông trong năm 2018

Kiểm tra sinh trưởng của lúa trên cánh đồng mô hình “3 giảm 3 tăng” tại HTXNN Phú Mỹ 1

"3 giảm 3 tăng"

Cho hiệu qủa thực tế, MH “3 giảm 3 tăng” (giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh, giảm lượng phân đạm; tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa gạo, tăng hiệu quả kinh tế) đang được triển khai trên những cánh đồng ở Bầu Cầu (thôn An Lưu) và Minh Hạnh- Phú Canh (thôn Mỹ Lam) xã Phú Mỹ với tổng diện tích 10 ha lúa chất lượng cao KH1.

Ông Lê Văn Bân, Phó Chủ nhiệm HTXNN Phú Mỹ 2 hào hứng: Vụ đông xuân năm 2018, MH “3 giảm 3 tăng” được thí điểm trên 5 ha ở cánh đồng Bầu Cầu, thôn An Lưu, với sự hỗ trợ chi phí sản xuất của Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh. Nông dân thực hiện 3 giảm, tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật đã được tập huấn trong quá trình sản xuất.

Kết quả sản xuất theo MH cho năng suất 70 tạ/ha, cao hơn 5 tạ/ha so với cách sản xuất theo tập quán cũ. Năm nay, HTXNN Phú Mỹ 2 liên hệ TTKN tỉnh và được hỗ trợ 50% kinh phí, tiếp tục thực hiện MH trên diện tích lớn gấp đôi, với 110 hộ tham gia.

Ông Hoàng Văn Tuấn, Giám đốc HTXNN Phú Mỹ 1 cho biết: MH trên được thực hiện trên diện tích 4,2 ha tại cánh đồng thôn Vinh Vệ vào năm 2017. Thời điểm đó, nông dân đã giảm 20-25% giống, giảm 30% lượng phân; gieo trồng theo kỹ thuật, hợp lý nên sâu bệnh giảm, thuốc bảo vệ thực vật giảm, năng suất tăng.

Vùng đồng ruộng này đất pha cát, chất đất xấu, sản xuất theo tập quán cho năng suất 58 tạ/ha, nhưng sau khi áp dụng MH “3 giảm 3 tăng”, năng suất tăng lên 60 tạ/ha.

Ngoài việc tiếp tục duy trì 4,2 ha đã thí điểm năm 2017, rất nhiều hộ ngoài vùng thí điểm vẫn thực hiện, nâng diện tích sản xuất theo MH lên 12 ha. Năm nay, Phú Vang tiếp tục hỗ trợ kinh phí để thí điểm MH trên diện tích 3 ha tại cánh đồng thôn Dưỡng Mong với 49 hộ tham gia; nhiều hộ trên địa bàn xã không nằm trong diện hỗ trợ vẫn tiến hành sản xuất theo MH.

Theo ông Đoàn Thao, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Vang, nhiều MH khuyến nông, đặc biệt là mô hình “3 giảm 3 tăng”, “cánh đồng mẫu lớn” (CĐML) rất có hiệu quả. Qua theo dõi, giống được mua giảm 30%; năng suất sản lượng hàng năm tăng; trước đây tăng 1- 1,5 tạ/sào, nay tăng 3- 4 tạ/sào.

Hướng đến sản xuất theo chuỗi giá trị

Quá trình thực hiện CĐML ở các xã Phú Mậu, Phú Thượng, Vinh Hà, Phú Lương… đã tập trung được một lượng lớn thành viên HTX cùng chung ý chí, chia sẻ kinh nghiệm, học tập nhau thông qua các MH.

Ông Hồ Viết Thuyên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Lương cho biết, các CĐML trên địa bàn xã những năm qua đã phối hợp với TTKN huyện, Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam thực hiện rất hiệu quả, với nhiều giống lúa mới, chất lượng gạo ngon như RVT, Thiên Ưu 8, Bắc Thơm 7, Đài Thơm 8; thu lãi cao hơn từ 4-5 triệu đồng/ha.

Phú Lương có tổng diện tích 350 ha trồng lúa, nông dân đã tự nhân rộng mô hình CĐML hơn 60 ha. Năm nay, HTXNN Phú Lương 2 được hỗ trợ kinh phí thực hiện MH với giống lúa chất lượng cao JO2 trên diện tích 40 ha; HTXNN Phú Lương 3 với giống lúa RVT trên 20 ha, thúc đẩy nhanh việc “phủ sóng” MH trên toàn xã nói riêng và trên toàn huyện. Các HTXNN đại diện nông dân, đã ký hợp đồng với đơn vị bao tiêu sản phẩm trước khi vào vụ, với mức giá cao hơn giống lúa Khang Dân (giống lúa trung bình, tiêu thụ nhiều trên thị trường) 5 giá tại cùng thời điểm thu hoạch...

Theo ông Nguyễn Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang, để tiếp tục khích lệ nông dân, với mong muốn “phủ sóng” các MH trên diện tích trồng lúa toàn huyện, chính quyền tiếp tục hỗ trợ chi phí cho những hộ neo đơn, nghèo, khó khăn. Huyện chú trọng duy trì tốt, nhân rộng những CĐML (là vùng sản xuất tập trung, quy mô diện tích từ 20 ha trở lên có đủ điều kiện về hạ tầng, số thửa hợp lý đảm bảo cho quá trình cơ giới hóa). Đây là MH rút ngắn tiến độ sản xuất so với sản xuất nhỏ lẻ manh mún, giúp người nông dân phối hợp đồng bộ, tập trung về giống, làm đất, thủy lợi, chăm bón, tính dự báo sâu bệnh và thu hoạch; tiết kiệm thời gian, chi phí sản xuất, nâng cao giá trị chất lượng nông sản, đảm bảo quy mô số lượng; hướng tới sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiều mô hình hay

Bằng những cách làm sáng tạo trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Quảng Điền đã huy động được sự vào cuộc, tham gia hưởng ứng tích cực của cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân xây dựng nhiều mô hình, chương trình hỗ trợ, đỡ đầu cho trẻ em, phụ nữ có hoàn cảnh yếu thế trong xã hội.

Nhiều mô hình hay
Return to top