ClockThứ Bảy, 13/02/2021 10:51

Nhân văn lễ tiến xuân

TTH - Dưới thời các vua Nguyễn, trong những ngày lập xuân, có một lễ khá quan trọng đó là lễ Tiến xuân (đưa trâu tiến xuân). Cuộc lễ này được tổ chức với ý nghĩa khuyên răn công việc đồng áng, rất gần gũi với ý nghĩa với lễ tịch điền (vua cày ruộng khuyến nông).

Kỷ niệm 200 năm ngày hoàng đế Gia Long băng hàVương triều Nguyễn với những dấu ấn lịch sử và di sản văn hóa

Tranh vẽ Mang Thần, trâu đất và Xuân Sơn - tam sự trong lễ Tiến Xuân (Nghinh Xuân), in trong tạp chí B.A.V.H năm 1916

Vào ngày Thìn, tiết Đông chí hàng năm, các vị chức trách ở Nha Khâm Thiên Giám kết hợp với Vũ Khố lấy nước và đất ở phương thần Tuế đức - là hướng xuất hiện sao Tuế đức - để làm ra 3 con trâu đất và 3 vị Mang thần để tế lễ. Sao Tuế Đức được xem là đệ nhất cát thần trong năm, nơi nào có sao Tuế Đức là nơi đó có vạn phúc tụ đến, hung thần phải tránh đi.

Lễ tế phải được tổ chức vào giờ Thìn, bởi giờ Thìn được quan niệm là giờ tốt, ứng với mạng Thiên tử. Nha Khâm Thiên Giám được phân công chọn giờ, nếu giờ Thìn “rơi vào” ban đêm thì phải chọn giờ Thìn của ngày hôm sau.

Trâu đất và Mang thần đều phải được đắp bằng đất (dùng cành hom dâu làm cốt) theo các tỷ lệ kích thước, màu sắc ứng với các ý nghĩa nhất định. Mình trâu được quy định cao 4 thước tượng trưng cho 4 mùa; từ đầu đến đuôi dài 8 thước tượng trưng cho 8 tiết là lập xuân, xuân phân, lập thu, thu phân, lập hạ, hạ phân, lập đông và đông chí. Các màu sắc được tô lên trâu đất cũng được quy định theo các quan niệm truyền thống. Nếu thiên can của năm ấy là Giáp, Ất thì tô màu xanh; Bính, Đinh thì tô màu đỏ; Mậu, Kỷ thì tô màu vàng; Canh, Tân thì tô màu trắng; Nhâm, Quý thì tô màu đen. Tương tự, các màu sắc ở thân, ở bụng, ở sừng, ở chân, ở móng đều được tô ứng với Địa Chi, Ngũ Hành... Đuôi trâu đất được quy định 1 thước 2 tấc tượng trưng cho 12 tháng v.v.

Cũng như các ý nghĩa đó Mang thần (thần chăn trâu) được đắp cao 3 thước 6 tấc 5 phân tượng trưng 365 ngày. Tất cả những yếu tố như nét mặt, áo quần, mũ mão, giày... trên mình Mang thần cũng được quy định chặt chẽ về tính chất, màu sắc để ứng với âm dương; địa chi, ngày giờ... của năm đó.

Đàn tế được triều Nguyễn đặt ở ngoài quách cửa Chính đông của Kinh Thành, luôn hướng về phía đông. Đồng thời, các án để thiết trí Mang thần và Trâu đất cũng được chuẩn bị. Ban đầu, các án này được khiêng về và đặt tạm ở các phủ thự. Trước ngày làm lễ một ngày, vào sáng sớm, các án đặt trâu, hương đèn nến thắp, lễ phẩm được một người bày biện trước.

Lễ rước xuân ngưu được tổ chức long trọng. Các quan viên đề đốc, phủ doãn, phủ thừa... đều phải mặc áo đỏ, hoặc tía đi sau đội lễ nhạc, nghi trượng, tán, lọng và khiêng các án Mang thần, trâu đất tới nhà bộ Lễ .

Nội dung bài thơ vịnh Thổ Ngưu (Trâu đất) nằm trong các khung đỏ, phần chữ nhỏ là toàn bộ chú thích về các số đo, màu sắc của Trâu đất (in trong Ngự chế thi sơ tập, quyển 3, từ tờ 5c - 6ab của vua Minh Mạng)

Sáng sớm ngày lập xuân, bộ Lễ cùng với phủ Thừa Thiên và các quan ở Khâm Thiên Giám đều mặc triều phục khiêng 2 án trâu đất và Mang thần dẫn đầu. Sau đó, chia ra đến ngoài cửa Tiên Thọ và cửa Hưng Khánh đứng đợi. Đến giờ tốt, các quan trong nội giám tiếp nhận, đưa tiến. Lúc này, viên phủ Thừa Thiên trở về phủ thự, đưa trâu ra đánh 3 roi để tượng trưng cho sự khuyên cày. Buổi lễ được cử hành xong thì trâu đất và Mang thần được đưa vào cất giữ ở Vũ Khố. Năm sau, làm lễ tiến xuân lại đưa trâu đất và Mang thần từ Vũ Khố để sử dụng lại. Nhưng đến năm Minh Mạng thứ 11 (1831) thì sự việc này có sửa đổi: “Từ nay về sau, hàng năm, làm lễ tiến xuân xong, bưng trâu đất và Mang thần lần trước ra, bộ Lễ hội đồng và Vũ Khố chọn đất sạch chôn cất, không nên để trữ”.

Những năm tổ chức lễ Tiến xuân có đại tang, quốc tang, nghi lễ có một số điều chỉnh. Tùy theo tính chất, triều Nguyễn quy định lại về nghi thức cử hành lễ tiến xuân cũng như trang phục trong buổi lễ. Sử sách cho biết, trong lịch sử, vào năm 1841, triều thần đã có sớ dâng lên vua như sau: “Năm nay, gặp nghi lễ đại tang Thánh tổ Nhân hoàng đế, về lễ đón xuân, tiến xuân, xin do bộ Lễ và viên Kinh doãn mặc lễ phục, kính đem Mang thần và trâu đất vào nhà Duyệt Thị, tiến lên (...) nhưng Nhã nhạc có đặt mà không tấu”. Bấy giờ, vua Thiệu Trị mới có lệnh như sau: “Mang thần và trâu đất, là lễ đời cổ để khuyên cày, lại là việc quan trọng đầu xuân, xét nguồn gốc có quan hệ đến sinh dân, thực không thể thiếu được. Chuẩn cho khi đón xuân, tiến xuân, cứ đình bớt một tiết xuân sơn không có hại gì, để cho hợp tình, hợp lễ; còn các khoản khác y lời nghị”.

Nền kinh tế nước ta lúc bấy giờ chủ yếu dựa vào nông nghiệp lúa nước nên cuộc lễ này lại có quan hệ mật thiết với đời sống của nhân dân nhiều hơn. Nhận thức rõ về điều ấy, các vua Nguyễn có những quan tâm hợp lý. Vào năm 1833, vua Minh Mạng xuống dụ rằng: “Về khoản trâu đất và Mang thần, nguyên là ý chăn việc cày ruộng, khuyên bảo giúp đỡ, ở Kinh đã cử hành trước, các địa phương cũng nên tuân làm tất cả, để cho phù hợp lễ đời cổ”.

Vua Minh Mạng đã làm một chùm thơ về lễ Tiến xuân với nhan đề là Vịnh lễ thần Tiến xuân tam sự (Đề vịnh ba lễ vật Tiến xuân). Chùm thơ này gồm 3 bài nằm ở các tờ 5,6,7 trong quyển 3 Ngự chế thi sơ tập. Xin trích bài vịnh về trâu đất (Thổ ngưu):

Phiên âm:

Trưởng tượng bát tiết cao tượng thì,              

Đầu thân giác hĩnh thị can chi.                     

Phúc hồng nhân vị hỏa niên trị,            

Đề xích thực duyên tiêu nhật ti.            

Khẩu hợp tị hòa an cảm thực,                       

Vĩ huy chung mẫu dĩ vong bì.                        

Ma thằng tu thả vô câu thúc,                         

Ngưng lập chính tư phong nẫm kì.

Dịch thơ:

Tám tiết theo mình, cao bốn thì,

Đầu thân sừng cẳng ứng can chi.  

Bụng hồng do bởi năm nung hỏa,

Móng đỏ đúng là ngày nóng ghi.

Ngậm miệng, lúa này thèm nào dám,

Vẫy đuôi, ruộng ấy nhọc quên đi.

Dây gai há phải chi ràng buộc,

Đứng lại tâm tư vụ trúng kỳ.

Cùng với lễ Tịch điền, lễ Tiến xuân đều được tổ chức trên tinh thần nhân văn, thể hiện những ước mơ chính đáng về một cuộc sống vật chất đầy đủ của năm mới. Điều này còn phản ánh một dạng nghi lễ có màu sắc tín ngưỡng trong đời sống tâm linh của người Việt xưa, khi mà nền kinh tế quốc gia chủ yếu dựa vào nông nghiệp lúa nước.

Bài, ảnh: Nguyễn Phước Hải Trung

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lễ tế Xã Tắc: Thành kính và nhân văn

Sáng 16/3 (nhằm ngày 14 tháng 2 năm Nhâm Dần), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức Lễ tế Xã Tắc tại đàn Xã Tắc (phường Thuận Hòa, TP. Huế), nhằm cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, Nhân dân no ấm.

Lễ tế Xã Tắc Thành kính và nhân văn
KỶ NIỆM 10 NĂM THÀNH LẬP KHOA BÁO CHÍ-TRUYỀN THÔNG, TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC, ĐẠI HỌC HUẾ (2011 – 2021)
Đào tạo người làm báo trí tuệ, nhân văn và trách nhiệm

Cái gốc của đào tạo báo chí tại Khoa Báo chí - Truyền thông, Trường Đại học (ĐH) Khoa học, ĐH Huế là đào tạo người làm báo vừa chuyên nghiệp, hiện đại, thích ứng với thời cuộc, vừa có nền kiến thức toàn diện về mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, có tính nhân văn và có trách nhiệm cộng đồng.

Đào tạo người làm báo trí tuệ, nhân văn và trách nhiệm
Tủ áo nhân văn

“Quần áo của người dân, sách vở của học sinh ở đây trôi hết vì lũ rồi chị ơi. Tủ quần áo ở trường em giờ chẳng còn cái nào, chị có cách gì kêu gọi giúp đỡ người dân vượt qua những ngày này”. Cô giáo Văn Thị Nhàn, Hiệu trưởng Trường tiểu học (TH) Hòa Mỹ gọi điện thoại nhờ tôi như vậy vào một ngày cuối tháng 10 vừa qua.

Tủ áo nhân văn
Return to top