ClockThứ Sáu, 24/07/2020 07:00

Nhiều ngành thu hút thí sinh đăng ký xét tuyển học bạ

TTH - Trong 116 ngành tuyển sinh theo phương thức xét học bạ năm 2020 của Đại học (ĐH) Huế có rất nhiều ngành thu hút thí sinh đăng ký xét tuyển (ĐKXT), qua đó nâng mức điểm trúng tuyển các ngành.

Tạo thuận lợi cho thí sinh đăng ký xét tuyểnXét tuyển theo học bạ: Thí sinh còn băn khoăn

Ngành Công nghệ thông tin của Trường ĐH Khoa học “nâng chuẩn” ngay cả với phương thức xét học bạ (Ảnh minh họa)

Nhiều ngành có số nguyện vọng cao

Đến nửa cuối tháng 7/2020, ĐH Huế “chốt” hồ sơ ĐKXT đợt 1 theo phương thức xét học bạ và công bố kết quả trúng tuyển (ngày 20/7). Đáng chú ý là so với các năm, số nguyện vọng ĐKXT theo phương thức xét học bạ năm nay khá cao, với 14.945 nguyện vọng của 7.253 hồ sơ, cao hơn nhiều so với chỉ tiêu đặt ra là 4.116 của 116 ngành (đạt tỷ lệ 363,1%).

TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế cho biết, năm nay, phương thức xét tuyển học bạ có nhiều ngành thu hút lượng thí sinh lớn. Điển hình như tại Trường ĐH Luật, ngành Luật có đến 809 nguyện vọng ĐKXT/165 chỉ tiêu (đạt tỷ lệ 490,3%), ngành Luật Kinh tế có 713 nguyện vọng ĐKXT/120 chỉ tiêu (đạt 594,17%).

Năm nay, đa phần các ngành về du lịch và ngoại ngữ có số nguyện vọng ĐKXT vượt tỷ lệ so với chỉ tiêu đặt ra, trong đó có những ngành thu hút rất lớn thí sinh ĐKXT như Ngôn ngữ Trung Quốc đạt hơn 1.031% so với chỉ tiêu (1.444 nguyện vọng/140 chỉ tiêu), Ngôn ngữ Hàn Quốc đạt hơn 981% (736 nguyện vọng/75 chỉ tiêu), Ngôn ngữ Nhật đạt hơn 666% (733 nguyện vọng/110 chỉ tiêu) hay các ngành của Khoa Du lịch là Quản trị Kinh doanh đạt 2.065% (413 nguyện vọng/20 chỉ tiêu), Quản trị du lịch và khách sạn đạt 3.020% (604 nguyện vọng/20 chỉ tiêu), Quản trị khách sạn đạt gần 670% (870 nguyện vọng/130 chỉ tiêu)…

“Năm nay, tuy tình hình dịch COVID-19 ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh nhưng chúng tôi đẩy mạnh quảng bá trực tuyến nhiều hơn và đa dạng trong cách tiếp cận thí sinh, vì vậy nhiều ngành thu hút được số nguyện vọng thí sinh ĐKXT lớn”, PGS.TS. Trần Hữu Tuấn, Khoa Trưởng Khoa Du lịch chia sẻ.

Trái với các ngành có số nguyện vọng ĐKXT vượt chỉ tiêu, năm nay, vẫn có khoảng 44/116 ngành thiếu chỉ tiêu theo phương thức xét học bạ ở đợt 1, tập trung nhiều ở các đơn vị: Trường ĐH Nghệ thuật, Trường ĐH Sư phạm, Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị… Trong số 44 ngành nói trên, có 23 ngành đạt tỷ lệ dưới 50% so với chỉ tiêu. Những ngành đạt chỉ tiêu thấp như ngành Giáo dục Mầm non (Trường ĐH Sư phạm) đạt 1,33%, Sư phạm công nghệ (Trường ĐH Sư phạm) đạt 5,56% hay Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa (Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị) là 33,33%... “Bộ GD&ĐT đưa ra quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên là 24 điểm. Đây là ngưỡng điểm khá cao và đó là một trong những lý do ảnh hưởng đến việc thu hút đầu vào thí sinh”, một cán bộ của bộ phận tuyển sinh ĐH Huế phân tích.

Lãnh đạo Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - ĐH Huế tư vấn tuyển sinh tại Trường THPT Chuyên Quốc học Huế về các ngành CNTT

Chú trọng các ngành công nghệ thông tin

Ngay sau khi “chốt” hồ sơ ĐKXT đợt 1 theo phương thức xét học bạ, Hội đồng Tuyển sinh ĐH Huế cũng đã họp và công bố điểm trúng tuyển theo phương thức này (ngày 20/7). Theo TS. Nguyễn Công Hào, so với mặt bằng chung các năm, điểm trúng tuyển theo phương thức xét học bạ năm nay có tăng, dao động từ 18 – 25 điểm và có nhiều ngành trên 20 điểm. “Bộ GD&ĐT chỉ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên và nhóm ngành sức khỏe. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng ĐH Huế còn quy định thêm ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu (mức điểm sàn) vào đối với các ngành còn lại là 18 điểm, chưa cộng điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực”, TS. Nguyễn Công Hào cho biết.

Theo đại diện Hội đồng Tuyển sinh ĐH Huế, tỉnh đang có chiến lược phát triển nguồn nhân lực về công nghệ thông tin (CNTT) để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp CNTT định hướng đến năm 2025. Vì thế, ngoài mục tiêu tăng quy mô đào tạo, ĐH Huế còn phải đảm bảo chất lượng đầu vào và đầu ra.

ĐH Huế đang có khoảng 10 ngành đào tạo liên quan đến CNTT tại các trường thành viên, đơn vị trực thuộc và tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các ngành theo các phương thức là khoảng 1.500 chỉ tiêu trong năm 2020. Riêng đối với phương thức xét tuyển học bạ, năm nay có khoảng 336 chỉ tiêu của 8 ngành tại các cơ sở đào tạo. Điều đặc biệt là điểm trúng tuyển theo phương thức xét học bạ của các ngành đa số từ 20 điểm trở lên. Điển hình như Sư phạm Tin học (Trường ĐH Sư phạm) là 24 điểm; Công nghệ thông tin (Trường ĐH Khoa học) 20 điểm; ngành Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo cả hệ cử nhân và kỹ sư đều là 20 điểm…

Lãnh đạo ĐH Huế nhấn mạnh, việc chú trọng nâng điểm chuẩn, nhất là các ngành về CNTT là một trong những giải pháp để thực hiện cam kết với tỉnh trong việc thực hiện đề án về nhân lực CNTT của tỉnh. Cùng với mức điểm trúng tuyển cao trong cả phương thức xét học bạ, sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cấp Phiếu Lý lịch Tư pháp trên VNeID: Nhanh chóng, thuận tiện, giảm chi phí

Cùng với Hà Nội, từ 22/4 – 22/6/2024, tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai thí điểm cấp Phiếu Lý lịch Tư pháp (LLTP) trên trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử VNeID cho công dân Việt Nam có tài khoản định danh điện tử VNeID mức độ 2. Việc này nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tạo thuận lợi, giảm thời gian, chi phí xã hội cho người dân.

Cấp Phiếu Lý lịch Tư pháp trên VNeID Nhanh chóng, thuận tiện, giảm chi phí
Cơ hội thu hút đầu tư nhìn từ quy hoạch tỉnh

Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) là nền tảng, mở ra rất nhiều dư địa để thu hút đầu tư. Từ những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, cùng với chiến lược hoàn thiện hạ tầng trong từng giai đoạn, các doanh nghiệp sẽ tìm thấy “miền đất lành” để đầu tư, phát triển.

Cơ hội thu hút đầu tư nhìn từ quy hoạch tỉnh
Return to top