ClockThứ Hai, 02/07/2018 12:43
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2018

Nhìn nhận tồn tại và nguy cơ đặt ra đối với sự điều hành, quản lý kinh tế-xã hội

TTH.VN - Sáng 2/7, phát biểu mở đầu Hội nghị trực tuyến toàn quốc về kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Hội nghị trong việc đánh giá tình hình sau 1/2 chặng đường năm 2018, nhất là nhìn nhận yếu kém, tồn tại, nguy cơ đặt ra đối với sự điều hành, quản lý kinh tế-xã hội của đất nước. Từ đó, Chính phủ có biện pháp cụ thể hiệu quả hơn để xử lý, khắc phục kịp thời trong 6 tháng cuối năm.

Chính phủ ban hành Nghị quyết về BOT giao thôngThủ tướng: Đất nước cần nhiều hơn nữa những doanh nghiệp như ViettelThủ tướng chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền núi và trung du Bắc BộKhách quốc tế đến Huế 6 tháng đầu năm tăng gần 66%Nhiều yếu tố giá tác động đến giá tiêu dùng 6 tháng cuối nămTăng trưởng GDP 6 tháng cao nhất trong 7 năm trở lại đây

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: VGP

Tham dự tại điểm cầu Thừa Thiên Huế có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; các phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các thành viên UBND tỉnh.

Đổi mới sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các đại biểu dự họp không nêu nhiều thành tích mà phải đưa ra giải pháp sát, đúng với tình hình đất nước, các địa phương, các vùng. Đồng thời, tập trung thảo luận 18 vấn đề chủ yếu như kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển đô thị, kinh tế tư nhân, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội và các vấn đề xã hội bức xúc khác… Thủ tướng đề nghị các địa phương nêu rõ khó khăn, trở ngại và lãnh đạo các bộ nêu rõ các chủ trương, biện pháp, định hướng giải quyết.

Nhìn nhận tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng qua, Thủ tướng đánh giá khái quát là tình hình tiếp tục phát triển, có nhiều chuyển biến tốt, toàn diện trên các lĩnh vực, nổi bật như GDP 6 tháng tăng 7,08%, cả 3 khu vực (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ) đều tăng cao hơn cùng kỳ. “Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Việt Nam tăng trên 6,8%, lạm phát vẫn giữ được 4%. Theo xếp hạng tín nhiệm Fitch, Việt Nam là nước tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đó là nhận định của người ta, của định chế tài chính lớn, phân tích khách quan nhưng ta có làm được điều đó không, chính là do quyết tâm, đổi mới sáng tạo của chúng ta trong chỉ đạo, điều hành. Nếu chùn bước, không làm được gì thì không bao giờ đạt con số mà họ nhận định”, Thủ tướng chia sẻ để các bộ, ngành, địa phương cùng suy nghĩ cần làm gì để đóng góp vào sự phát triển đất nước.

Thủ tướng nhìn nhận, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, đạt các kết quả trên là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân, cần phát huy hơn nữa trong thời gian tới.

Không để bức xúc xã hội kéo dài

Toàn cảnh phiên họp trực tuyến của Chính phủ. Ảnh: VGP

Về các khó khăn, thách thức hiện nay, Thủ tướng chỉ ra 3 vấn đề trong lĩnh vực xã hội: Thiên tai, vấn đề an ninh trật tự và các vấn đề bức xúc xã hội khác.

“Chúng ta không để tình trạng xã hội bức xúc kéo dài, ảnh hưởng đến sự ổn định lâu dài của đất nước, niềm tin của Nhân dân, đến thế hệ mai sau. Cần quan tâm đến lợi ích chính đáng của Nhân dân. Đây là yêu cầu cần thiết đối với mọi cấp, mọi ngành”- Thủ tướng khẳng định.

Về những khó khăn, thách thức trong lĩnh vực kinh tế, Thủ tướng điểm ra khó khăn đầu tiên là sức ép lạm phát 6 tháng cuối năm khi mà CPI 6 tháng qua tăng mạnh, 0,61%, cao nhất trong 7 năm qua (chủ yếu là nhóm mặt hàng xăng dầu, ăn uống, giao thông, vật liệu xây dựng). Đây là vấn đề cần tập trung thảo luận tại Hội nghị và phải có giải pháp cụ thể để kiểm soát lạm phát năm nay không quá 4%. Thủ tướng nhắc lại chủ trương không tăng giá điện trong năm nay, giá dịch vụ y tế thì có đủ điều kiện mới tăng trên tinh thần giữ lạm phát không quá 4%.

Ngoài ra, tồn tại nữa là phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công chậm, hiện mới đạt 33% dự toán năm. So với năm ngoái có tốt hơn nhưng đây vẫn là khâu yếu, do đó, theo Thủ tướng, cần thảo luận vì sao yếu, vì sao chậm, nguyên nhân khách quan, chủ quan là gì?

Bên cạnh đó, môi trường đầu tư kinh doanh mặc dù có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn rào cản, có dấu hiệu “chững lại”, do đó, cần tập trung tháo gỡ, thúc đẩy.

Tăng trưởng kinh tế cao nhất 7 năm qua

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ phát biểu thảo luận tại hội nghị. Ảnh: Thái Sơn

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2018, con tàu kinh tế đã đạt tốc độ đáng khích lệ, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2018 ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011.

Động lực chủ yếu đóng góp vào tăng trưởng chung là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với mức tăng hơn 13%. Xét ở khía cạnh tiêu dùng, cầu tiêu dùng tiếp tục tăng khá và cán cân thương mại thặng dư cho thấy xu hướng cải thiện trong tăng trưởng vẫn được duy trì.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 747 nghìn tỷ đồng, bằng 32,9% GDP và tăng 10,1% so với cùng kỳ, trong đó khu vực ngoài nhà nước chiếm tỉ trọng lớn nhất (41,3%) và có mức tăng cao nhất (17,5%), phản ánh sự đúng đắn và đi vào cuộc sống của chủ trương của Đảng về phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Dự báo tình hình kinh tế, thương mại thế giới 6 tháng cuối năm 2018 tuy có dấu hiệu tăng chậm lại nhưng vẫn ở mức khá. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo kinh tế thế giới sẽ không duy trì được đà tăng trưởng khá vào năm 2019 và có tác động rất lớn đối với các nước đang phát triển, nước có xuất khẩu lớn, trong đó có Việt Nam.

Do vậy, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc dự phòng trước các phương án, đối sách để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và mức tăng trưởng kinh tế hợp lý là rất cần thiết, trong đó tập trung đẩy nhanh cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh phát triển về chất lượng trong tất cả các ngành, lĩnh vực, qua đó tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường của kinh tế và thương mại thế giới.

Kinh tế- xã hội của tỉnh chưa đạt được như kỳ vọng

Đại biểu tham dự tại điểm cầu Thừa Thiên Huế. Ảnh: Thái Sơn

Báo cáo kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế 6 tháng đầu năm 2018, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn ước đạt 14.904 tỷ đồng, tăng 6,12% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng trưởng 7,14% của 6 tháng đầu năm 2017 và là mức tăng chưa đạt kỳ vọng theo kế hoạch đề ra (7,5-8%). Trong đó, khu vực dịch vụ tăng 6,93%; công nghiệp - xây dựng tăng 6,39%; khu vực nông-lâm - thủy sản tăng gần 2%. Tổng thu ngân sách ước đạt 3.344 tỷ đồng, đạt 49% kế hoạch; chi ngân sách đạt gần 4.000 tỷ đồng, bằng 40% dự toán. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 9.080 tỷ đồng, bằng 45,4% kế hoạch năm.

Thái Bình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ chủ chốt huyện Quảng Điền

Chiều 8/4, Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Điền tổ chức hội nghị để nghe Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025 và thông tin về “Định hướng xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ chủ chốt huyện Quảng Điền
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tiếp công dân tại Hương Xuân

Ngày 28/3, ông Lê Trường Lưu - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã có buổi tiếp dân tại phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà. Cùng dự buổi tiếp dân có UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đặng Ngọc Trân và lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, TX. Hương Trà, lãnh đạo phường Hương Xuân và một số phòng, ban liên quan.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tiếp công dân tại Hương Xuân
Return to top