ClockThứ Hai, 27/02/2012 05:57

Nhớ một thời Trường Y Hà Nội…

TTH - Chúng tôi học Trường Y Hà Nội vào những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước. Mới đó mà đã tròn nửa thế kỷ trôi qua! Lớp chúng tôi bây giờ đã vào độ tuổi xưa nay hiếm.

Vào trường năm đầu tiên 

Ngôi trường là sự ngưỡng mộ của nhiều bạn trẻ. Hồi đó vào được Trường Y là niềm vinh dự và tự hào. Những ngày đầu khai giảng khóa học vào mùa hoa sữa Hà Nội. Từ ký túc xá ở Khương Thượng đến trường được đi qua phố Nguyễn Du tràn ngập mùi hương hoa sữa thoang thoảng dịu êm, nồng nàn lắng đọng, vòm cây soi bóng xuống hồ Thiền Quang đẹp và nên thơ quá! Nhưng những hương vị ngọt ngào của Thủ đô thanh lịch ngày nào cũng phải nhường lại cho những tiết học đầu tiên mới lạ: Môn giải phẫu (GS Đỗ Xuân Hợp), môn sinh lý (GS Nguyễn Tấn Gi Trọng), môn sinh hóa (GS Trần Thị Ân), môn tế bào học (GS Trương Cam Cống)... Rồi những năm sau là ngoại khoa (GS Tôn Thất Tùng), nội khoa (GS Đặng Văn Chung), phẫu thuật thực hành (GS Hoàng Đình Cầu), cơ thể bệnh (GS Vũ Công Hòe), ký sinh trùng - côn trùng (GS Đặng Văn Ngữ), dược lý (GS Nguyễn Ngọc Doãn), tai mũi họng (GS Trần Hữu Tước), da liễu (GS Đặng Văn Hỷ)... Vinh dự của những khóa trước đây là được học với các vị GS có tên tuổi đầu ngành.
Những năm tháng gian khổ
Chúng tôi cứ tưởng cuộc đời sinh viên với 6 năm học tập trui rèn như thế trôi qua rồi trở thành bác sĩ góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhưng, nhớ lại bắt đầu từ ngày 5/8/1964 tàu chiến Mỹ gây hấn ở vùng biển Thanh Hóa, tấn công tàu chiến hải quân ta, rồi dựng lên sự kiện “Vịnh Bắc Bộ” để tiếp theo đó là hàng loạt vụ khiêu khích gây hấn khác bằng hải quân và không quân. Máy bay Mỹ bắt đầu đánh ra vùng Hòn Gai, Quảng Ninh rồi sau đó là Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định... Miền Bắc bắt đầu cuộc chiến đấu chống lại chiến tranh leo thang phá hoại của Mỹ - chiến trường miền Nam đang rực lửa hừng hực chống chiến tranh xâm lược. Từ thời điểm này trở đi, cuộc sống sinh hoạt của nhân dân miền Bắc nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng bắt đầu dần chuyển sang thời chiến, mọi gian khổ của một thời kinh tế bao cấp đến với từng người, từng gia đình. Sinh viên chúng tôi phải dùng tem phiếu phân phối hàng tháng chặt chẽ hơn. Ai cũng đều nhớ một thời mọi thứ đều phải mua bằng tem phiếu và xếp hàng dài.
 

Lãnh đạo nhà trường và các bộ môn tại khu sơ tán chống chiến tranh phá hoại
của Mỹ ở Thái Nguyên năm 1967. Ảnh: TL

Đi sơ tán
Chẳng bao lâu, khi chiến tranh phá hoại leo thang đến gần Hà Nội rồi vào sâu trung tâm thủ đô thì sinh hoạt bắt đầu bị đảo lộn từng ngày. Trước mỗi nhà dọc các phố đều có hầm cá nhân với nắp đậy sẵn, rồi những chiếc hầm chữ A cho nhiều người cùng trú xuất hiện ở nhiều nơi. Trong ký túc xá sinh viên có hầm tập thể cho nhiều người cùng trú ẩn. Đang học, nếu có còi báo động thì cả thầy cả trò đều phải xuống hầm, hết báo động lại tiếp tục tiết học như không có gì xẩy ra. Những chiếc mũ rơm rộng vành xuất hiện ngày càng nhiều trên đường phố để tranh mảnh bom, áo quần phải nhuộm xẩm màu để ngụy trang. Ông bà già, trẻ em lần lượt phải đi sơ tán xa nội thành. Các cơ quan, trường học lớn cũng tìm địa điểm di chuyển đến những địa điểm an toàn hơn, các cơ sở sản xuất cũng vậy. Sinh viên trường y đã sơ tán đi nhiều nơi theo từng lớp, bệnh viện để thực tập. Một số lớp năm thứ 5, thứ 6 khi tình hình đánh phá chưa thật căng thẳng thì được ở lại Hà Nội vừa học tập vừa thực hành phục vụ cứu thương ở các bệnh viện...
Việc sơ tán của thầy trò chúng tôi diễn ra nhanh chóng theo mệnh lệnh thời chiến của nhà trường. Trường sơ tán chủ yếu ở các tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội), Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Bắc Kạn và phân tán nhỏ trên 50 địa điểm để đảm bảo an toàn. Trong đó Thái Nguyên là vị trí quan trọng chủ yếu nhất có thể xem như “thủ đô” Chiêm Hóa (Tuyên Quang) thời kháng chiến chống Pháp.
Sinh viên Đặng Thùy Trâm học trên tôi một lớp. Hai anh em thường gặp nhau hàng ngày khi đến giảng đường, đi thực tập bệnh viện, sinh hoạt Đoàn Thanh niên, sinh hoạt văn nghệ (Đặng Thùy Trâm là cây văn nghệ của trường). Thời gian này, Thùy Trâm đang học chuyên khoa Mắt và bổ túc ngoại khoa để chuẩn bị lên đường vào chiến trường B chi viện cho miền Nam. Gia đình Thùy Trâm ở trong tập thể Kim Mã của Trường cán bộ Y tế. Thùy Trâm lên đường theo tiếng gọi quê hương và đã anh dũng hy sinh tại chiến trường ác liệt Đức Phổ, Quảng Ngãi trong một trận càn của giặc Mỹ. Đặng Thùy Trâm đã để lại quyển nhật ký đầy chất văn học lãng mạn và rực lửa anh hùng thời chiến mà sau này dư luận rộng rãi trong, ngoài nước đều biết, nhất là trong thế hệ trẻ Việt Nam đã phát động phong trào học tập gương chiến đấu hy sinh anh dũng của Anh hùng – Liệt sĩ – Bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Nhắc đến đây, không thể không nghĩ đến một người thầy đáng kính hy sinh ở chiến trường Trị Thiên vì bị bom B52 rãi trúng hầm trong khi đang nghiên cứu điều trị bệnh sốt rét. Đó là Anh hùng Liệt sĩ – BS Đặng Văn Ngữ - Viện trưởng kiêm chủ nhiệm bộ môn Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng của trường. Như vậy quê hương Thừa Thiên Huế có 2 người con ưu tú, một thầy, một trò và còn nhiều vị khác nữa đã hy sinh anh dũng trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước đóng góp cho thắng lợi trọn vẹn hoàn toàn thống nhất đất nước vào ngày 30-4-1975. Được biết, ngay trong những năm chiến tranh leo thang phá hoại của không quân Mỹ để ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc, nhiều thế hệ thầy trò đã tiếp bước nhau đi chiến trường B, riêng ở chiến trường Trị Thiên có BS Đào Văn Chinh, BS Đỗ Đức Vân (Vân B), BS Phạm Như Thế (sau nay là Giám đốc BV TƯ Huế), BS Lê Văn Hào, BS Trần Hữu Hy, BS Lê Minh Toại, Ba Nguyễn Sơn, Bs Nguyễn Thị Xuân....
 
Giai đoạn 1973 – 1975
Tiếp theo một nhiệm vụ mới được giao từ tháng 2/1973 – 8/1973: “Đón tiếp anh chị em chiến thắng trở về (Ban T72), thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, vận chuyển tù nhân được trao trả từ bờ sông Thạch Hãn (Quảng Trị) ra nghỉ dưỡng tại Sầm Sơn (Thanh Hóa). Nhà trường đã cử hàng chục cán bộ, hàng trăm sinh viên các khóa tham gia công tác này, tuy vất vả nhưng cũng đầy những câu chuyện cảm động. Song song với công việc này, nhà trường vẫn tiếp tục cử đội ngũ các thầy và bác sĩ mới tốt nghiệp đi chiến trường B, sau 30-4-1975 tiếp tục ở lại xây dựng nhà trường cùng với nhiều giáo sư bác sĩ ở miền Bắc chi viện như ở Trường Đại học Y Huế có BS Nguyễn Cước, Võ Phụng, Nguyễn Văn Thái, Phạm Khắc Lâm... Bên cạnh các BS còn ở lại như Lê Văn Bách, Lê Bá Nhàn, Lê Bá Vận, Đoàn Văn Quýnh, Trần Thị Xuân Quế… cùng nhau cộng tác trong bước đầu có nhiều công việc cần giải quyết và dần dần trưởng thành lớn mạnh như hiện nay sánh vai cùng các trường đại học trong khu vực.
Từ sau năm 1975 đến nay, tiếp nối các thế hệ tiền bối, Trường Đại học Y khoa Hà Nội đã có nhiều đóng góp quan trọng trong đào tạo, xây dựng nền y học nước nhà, xứng đáng sánh vai với nền y học tiên tiến thế giới có bề dày 110 năm (1902 – 2012) xây dựng, trưởng thành và còn hứa hẹn đạt nhiều thành tựu cao hơn nữa.

Nguyễn Cương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top