ClockThứ Năm, 24/03/2016 05:16

Nhớ một thời tuổi trẻ hào hùng

TTH - Năm 1966, tôi vừa tròn 18 tuổi, mới học xong lớp 6 Trường phổ thông cấp II Lý Thường Kiệt (Hà Nội) thì đế quốc Mỹ leo thang đánh phá ác liệt ra miền Bắc.

Gia đình đông anh em nên tôi phải nghỉ học xin đi làm ở Xưởng cơ khí thuộc Cục Vận chuyển Tổng cục Đường sắt (vừa học vừa làm). Xưởng nằm trong khuôn viên của trường dạy lái tàu của ngành Đường sắt, ngay bến tàu điện Cầu Giấy - Voi Phục.

Là thanh niên, tôi luôn hăng hái xung phong trong mọi công việc. Vừa làm vừa học hỏi các bác, các chú, các anh chị đi trước để ngày càng nâng cao tay nghề. Tôi luôn cố gắng phấn đấu trong mọi mặt công tác, tham gia đầy đủ mọi sinh hoạt của Đoàn thanh niên. Tôi thích nhất lời bài hát: “Đi lên thanh niên, làm theo lời Bác, không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”, rồi bài “Thanh niên 3 sẵn sàng” như tiếng kèn xung trận kêu gọi thanh niên lên đường chiến đấu.

Năm 1967, tôi được đi học các lớp bồi dưỡng đối tượng Đoàn ở 107 Trần Hưng Đạo – Hà Nội. Tôi tham gia tích cực viết báo tường, văn nghệ. Sự phấn đấu không mệt mỏi của tôi được đền đáp. Vào ngày 26/3/1968, tôi được kết nạp vào Đoàn khi vừa tròn 20 tuổi. Không có gì tả nỗi niềm vui sướng của tôi khi đó. Đó là một kỷ niệm đẹp trong đời tôi.

Xưởng cơ khí của tôi được lãnh đạo Tổng cục Đường sắt thành lập từ đầu năm 1963. Là xưởng sản xuất toàn bộ các trang thiết bị, dụng cụ cho nhà ga, trên tàu cho công tác chạy tàu của 5 tuyến đường của ngành Đường sắt. Như tổ Bạt thì chuyên may các tấm bạt che toa, che hàng hóa, các loại cờ hiệu, vòng da thẻ đường…

Vào tháng 4/1967, đại diện Bội Quốc phòng tới gặp lãnh đạo xưởng đặt hàng, may 500 nhà bạt dã chiến và 200 bệnh viện dã chiến theo mẫu. Đây là nhiệm vụ cấp bách và quan trọng phục vụ cho các chiến trường từ Bắc vào Nam. Làm sao để vừa hoàn thành kế hoạch sản xuất của ngành giao vừa hoàn thành được kế hoạch, nhiệm vụ đột xuất của Bộ Quốc phòng. Lãnh đạo xưởng đã kêu gọi tinh thần xung phong của lực lượng đoàn viên và thanh niên, tất cả đều giơ tay xung phong vào trận tuyến “Chống 3 quân thù”. Tôi và một số đoàn viên thanh niên các tổ khác qua đứng phụ máy cả 3 ca liên tục. Suốt hơn một tháng, vừa làm vừa hát các bài về thanh niên, chúng tôi quên hết mệt mỏi và nắng hè oi bức, đã hoàn thành và giao hàng đúng thời hạn cho Bộ Quốc phòng, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư khen.

Tôi càng vinh dự và tự hào hơn trong buổi lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1969. Sáng 19/8/1969, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử tôi - một chiến sĩ tự vệ Thủ đô đứng trong hàng quân ấy được nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó Thủ tưởng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng – Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam đọc quyết định của Bộ Quốc phòng thành lập trung đoàn tự vệ Thủ đô theo di huấn của Hồ Chủ tịch là phải kết hợp 3 thứ quân, gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Đại tá Lê Nam Thắng được bổ nhiệm làm trung đoàn trưởng, phát chứng minh thư tự vệ của Bộ Quốc phòng cho từng chiến sĩ.

Là một đoàn viên, tôi luôn phấn đấu vươn lên về mọi mặt, tôi đi học bổ túc văn hóa để nâng cao trình độ, kiến thức, văn hóa; tham gia tích cực các phong trào hoạt động của Đoàn.

Năm 1970 tôi được bầu làm phân đoàn trưởng. Dưới sự phụ trách của tôi, năm 1971 phân đoàn được cấp trên tặng giấy khen. Tôi cũng đã tham gia cùng đơn vị lao động đắp đê sông Hồng vào năm 1968, 1970. Năm 1971, khi Thành đoàn Hà Nội ra quân lao động xây công viên Thủ Lệ, tôi cùng 5 đoàn viên của chi đoàn tích cực tham gia ngay ngày đầu ra quân vào chủ nhật, làm vượt chỉ tiêu được giao, Ban chỉ huy công trường tuyên dương trên loa phát thanh. Ngày 26/3/1970 tôi đến hội trường 107 Trần Hưng Đạo đăng ký tham gia phong trào “3 sẵn sàng” vào sổ vàng truyền thống của Đoàn Đường sắt – đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần.

Tháng 3/1971, Đảng ủy Tổng cục Đường sắt kêu gọi tinh thần xung phong của đoàn viên thanh niên lên giải tỏa 20 toa hàng của các nước trong phe XHCN viện trợ cho ta để đánh Mỹ. Do lực lượng bốc xếp của ngành thiếu, không đủ để làm và để quá hạn thì ngành phải chịu nộp phạt theo quy định quốc tế. Khi đó, nước ta đang nghèo lại còn phải chống lại cuộc chiến của đế quốc Mỹ trên cả 2 miền, lại còn làm nhiệm vụ quốc tế giúp đỡ cách mạng Lào và Campuchia. Tất cả đoàn viên của chi đoàn tôi đều xung phong hăng hái lên đường. Chúng tôi mang theo gạo, cùi, rau, mắm muối lên ga Đồng Mỏ - Lạng Sơn ngủ trên toa tàu hàng, tất cả ra quân làm việc hăng hái. Chúng tôi phấn đấu hoàn thành sớm hơn kế hoạch nên được lãnh đạo Tổng cục khen thưởng.

Năm 1972, cả xưởng tôi 115 người nhưng chỉ có tôi là đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, Đoàn viên công đoàn 4 tốt xuất sắc, Đoàn viên thanh niên 4 tốt xuất sắc, được Tổng cục Đường sắt tặng giấy khen và thưởng cho 2 xấp vải. Tôi may cái quần đến bây giờ vẫn còn nguyên vẹn chưa rách. Tấm vải may áo thì cho cô em gái may áo vét.

Quá trình công tác, tôi được các cấp của Đoàn tặng nhiều giấy khen. Năm 1985, được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tặng Huy chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất. Năm 2011, được TW Hội CCBVN tặng kỷ niệm chương. Tôi tham gia tích cực công tác xã hội như làm Chi hội trưởng người cao tuổi từ năm 1990 cho tới năm 2016, được phường Tây Lộc, TP Huế và Hội NCT phường tặng nhiều giấy khen.

Nay Đoàn kỷ niệm 85 năm, tôi luôn thấy tự hào về những gì mình đã đem hết cả trái tim, cống hiến sức lực và trách nhiệm của mình, của một thời tuổi trẻ hào hùng.

Trần Văn Đức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sông Hai Nhánh - Dấu ấn hào hùng - Kỳ 1: Dòng sông máu

Mỗi khi nhắc đến sông Hai Nhánh, mấy anh em từng thoát ly tham gia kháng chiến, chúng tôi đều ước mong có dịp quay trở lại địa điểm được ghi nhận là ác liệt nhất khi từ đồng bằng lên hậu cứ. Được Bí thư Thị ủy Hương Thủy Lê Ngọc Sơn giúp đỡ và đích thân Chủ tịch UBND xã Dương Hòa Lê Văn Thức trực tiếp đưa đi, cuối cùng chúng tôi toại nguyện.

Sông Hai Nhánh - Dấu ấn hào hùng - Kỳ 1 Dòng sông máu
Hồi ức hào hùng về những tháng năm đấu tranh không ngủ

Trải qua nhiều năm tháng, những người đã sống và dấn thân trong phong trào học sinh - sinh viên (HSSV), phong trào đấu tranh đô thị ở Huế thập niên 60, 70 như nhà thơ Võ Quê vẫn nhớ như in những hồi ức hào hùng. Đó là những năm tháng xuống đường “đấu tranh không ngủ”.

Hồi ức hào hùng về những tháng năm đấu tranh không ngủ
“Bác Hồ mãi trong trái tim tôi”

Chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Văn Đức, trú tại 9/172 Nguyễn Trãi, phường Tây Lộc (TP. Huế) đúng vào dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhà ông Đức nằm sâu trong một con hẻm nhỏ tĩnh lặng, yên bình.

“Bác Hồ mãi trong trái tim tôi”
Ký ức tuổi trẻ trong mùa xuân lịch sử

Mỗi dịp kỷ niệm đại thắng mùa Xuân năm 1975, thế hệ cha ông lại bồi hồi nhớ về những năm tháng chiến đấu giành độc lập. Trong những trang vàng lịch sử dân tộc đó, không thể không kể đến lực lượng thanh niên, sinh viên và học sinh trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968.

Ký ức tuổi trẻ trong mùa xuân lịch sử
Hào hùng "Giai điệu Tổ quốc"

Tối 29/4, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao TP. Huế tổ chức chương trình nghệ thuật với chủ đề "Giai điệu Tổ quốc".

Hào hùng Giai điệu Tổ quốc
Return to top