ClockThứ Bảy, 12/06/2010 15:38

Nhớ mùa mít chín

TTH - Nhà ngoại tôi có một vườn mít. Mít được trồng từ đời bà cố nên cây nhỏ nhất cũng đã 30 - 40 năm tuổi. Cố tôi trồng mít quanh vườn như một vành đai để phân chia ranh giới; ngay đường vào ngõ, cố cũng trồng mít để “làm dấu” cho con cháu tìm về.

Đất quê tôi hợp với cây mít nên nhà nào cũng trồng độ dăm cây. Cây gắn bó với người đến nỗi có người lấy tên mít đặt tên con. Đó là “sự tích” mỗi khi người làng nhắc đến niềm tự hào có Người Mẹ Việt Nam anh hùng tên Mít.

 
Quê tôi là vùng kháng chiến, bị bom đạn cày xới ngày đêm nên vườn mít không tránh khỏi hệ lụy gãy đổ. Hòa bình, vườn ngoại chỉ còn hơn hai chục cây, thân đầy vết thương chiến tranh nhưng chúng vẫn kết nên những trái ngọt lành. Hầu như mỗi cây đều mang trong mình một câu chuyện riêng. Cây ở dốc lên vườn ba lần mảnh bom phạt xém đọt vẫn không chết; cây sau nhà bếp là điểm làm dấu hầm bí mật nuôi quân; cây trước hiên nhà là nơi “phát” đi tín hiệu mỗi lần có giặc vào làng bố ráp...
 
Thời người ta trồng cây lâm nghiệp làm giàu, ngoại tôi không theo xu thế đó mà vẫn giữ nguyên hàng mít. Ngoại bảo: “Những năm chống Mỹ, có hôm bị lộ, bao nhiêu cơm cả xóm phải phi tang xuống giếng, bộ đội về làng phải ăn tạm mít cầm hơi. Nhà mình còn nguyên vẹn là nhờ hàng mít đỡ cho mấy trái đạn. Cả nhà ni nợ hắn”!
 
Nghỉ hè, tôi về quê, đứng trước ngõ đã ngửi thấy mùi mít thơm lừng. Ở quê, bán được trái mít cũng chỉ vài nghìn nhưng phải mất nửa ngày đường ra chợ. Chẳng ai bỏ việc đồng áng đi theo chút hoa lợi cỏn con nên mít trên cây cứ thế nở gai, tỏa mùi thơm lừng. Sau tiếng quở “Út về đấy à!” của ngoại, tôi vứt ba lô kéo theo đàn em con cậu, con dì tót lên vườn. Cầm cây sào tre, chị em tôi đi “gõ” từng cây mít một. Đoán nghe tiếng “bộp bộp” trầm trầm là mít chín; có khi chưa gõ, chỉ đụng nhẹ vào, quả mít rơi bịch trước mặt khiến cả đám con nít thất kinh hồn vía.
 
Mùa mít chín, chim, sóc về “mở hội” trên cây. Chúng tràn về tranh nhau ăn inh ỏi sau vườn. Có trái, chúng khoét đến gần một nửa, hột mít, xơ mít vương vãi quanh gốc... Tôi xót quá, cứ xuýt xoa và hái cho kỳ hết mít chín đem xuống nhà cất. Vậy là tôi thêm việc cho ngoại. Tiếc của, ngoại ngồi lột từng múi, thứ đem muối nấu canh, thứ phơi khô để ăn dần...
 
Ở nhà ngoại, tôi cứ có cảm tưởng cả vườn mít chín sẵn như đợi người. Suốt mấy ngày đầu, chị em tôi ăn toàn mít: xơ mít chiên, canh mít muối nấu cá lóc, chè mít... “No xôi chán chè”, chúng tôi còn đem mít ra chơi buôn bán, cắt nhỏ cho cá dưới hồ ăn hoặc đem nguyên trái nấu cho heo ăn.
 
Ngày đi, thế nào ngoại cũng bắt tôi mang một trái mít ngon nhất vào cho mẹ. Ăn thì được, khệ nệ mang mít đi cả chặng đường dài thì đứa con nít như tôi không chịu nổi. Tôi lắc đầu nguầy nguậy và viện đủ lý do từ chối. Ngoại chửi tôi một trận và cắt cử người chở tôi ra tận bến xe...
 
Thoắt cái, gần hai mươi năm, tôi không còn rảnh rang mỗi độ hè về quê cầm sào đi gõ mít. Ngoại tôi đã khuất bóng, những cây mít già cỗi không còn cho trái. Dì tôi không chặt mít làm củi hay xẻ gỗ bán bởi chúng có quá nhiều kỷ niệm với gia đình ngoại. Tháng ngày, chúng vẫn đứng đấy, “làm dấu” cho đám con cháu nhận biết mỗi khi về quê...
 
Tuệ Ninh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
Return to top