ClockThứ Sáu, 30/12/2016 13:56

Nhớ ngoại

TTH - Mấy o ngoài chợ kháo nhau “thêm cái rằm, xong cái tháng chạp nữa là gà lên mâm rồi đó bây!”.Tôi không đứng lại nghe tiếp câu chuyện, chỉ biết thời gian nhanh hơn một cái chớp mắt.

Như lệ cũ, chọn một ngày cận xuân hửng nắng, cả nhà dắt nhau lên thăm ông ngoại. Ông đã nằm đó được 16 năm, với con trai, con gái và một người cháu nữa...

Lớn quá rồi, cái tết dọn dẹp, phụ cúng cũng qua được mấy mùa trăng. Bản thân bớt háo hức bởi cái suy nghĩ sẽ được lì xì sắp trở thành “viển vông”. Mấy mẹ ngày ngồi với nhau cũng bắt đầu than ngắn thở dài cho sự mệt sắp tới. Chỉ có ngoại, vẫn hay la rầy nhưng đến khi dọn bàn cho ông, thì gian phòng im bặt. Tầng trên cao nhất là phòng của chồng và các con ngoại, bà có cả khúc ruột ở đó nên dù hơi chậm, tôi vẫn thường nghe chuỗi lóc cóc và tiếng chà tay trên thành cầu thang cứ lên cao dần. Lâu lâu có tiếng ngoại khóc, rồi nói mấy lời thì thầm không rõ chữ. Tôi biết tỏng lý do, nhưng lâu nay vẫn bảo là ngoại đau chân. Đã như thế, mười mấy năm rồi. Ông của tôi đã đi xa từ rất lâu, từ khi tôi chẳng hiểu chuyện, chỉ giả vờ khóc như mấy anh chị. Chớp mắt một cái xung quanh ông đã mọc đầy cỏ cát.

 Hồi còn nhỏ mỗi khi tảo mộ, có một bé con thường hay cúi lưng nhìn sâu vào lỗ thông quanh bờ đá, cố nói vọng vào để ông biết cháu ông đã đến. Những lần khác có mấy hòn đá trên mộ bị vất ra xa, không phải để lấy chơi liễu như tụi trong xóm, mà có con bé sợ ông mình nặng bụng. Con bé tên “tôi” giờ đã lớn, đã biết rõ ông không thể trả lời và cũng không cảm nhận được nặng nhẹ nên hành động cứ ít dần, tới giờ thì không còn nữa. Tôi không có nhiều ký ức về người thân đã mất của mình. Hẳn là do không có dịp tiếp xúc với dì và cậu, hoặc tôi hư, nên dần úa màu đi những chuyện đã có. Thú thật, ký ức về ông trong tôi không còn rõ nét, tất cả chỉ qua lời kể của mẹ và ngoại nên cố nhớ lại, cũng không chắc nó đã xảy ra trong đời hay chỉ là dưới cơn mơ. Chỉ biết ông hiền thiệt hiền và đó là tất cả. Lâu lâu có những nhịp nhớ gợi về nhắc bản thân rằng, chúng tôi đã từng có nhiều buổi trưa bên nhau để ông tập viết nơi hành lang nhỏ bị che khuất bởi tấm chiếu tàn ngoại cố phơi cho kịp nắng. Hay một đêm nào đó lập lòa cảnh ông nằm trên giường xếp nói rất nhiều với mọi người nơi phòng khách cũ. Dù cho không tài nào nhớ nổi nội dung hay đủ can đảm để khẳng định hôm ấy trong quá khứ liệu đã từng diễn ra hay chưa, nhưng chắc chắn ngày đó hẳn rất buồn. Mọi chuyện càng quay về trong ngắt quãng, bản thân lại càng ngại vì biết chắc ông sẽ không tài nào vui nổi.

Tôi thương ông, điều đó hẳn là có thật nhưng đã chỉ luôn tìm đến mỗi khi cần nguyện ước hoặc đêm rằm tròn tháng. Ba mẹ tôi cũng thương ông nhưng hẳn là ba mẹ quá bận để có thể lên với người đều đặn. Cây sứ trước “nhà” không biết giờ đã vươn xa hơn hay dần ngắn lại, không rõ đường vào giờ có còn quang. Bản thân vài khắc không dám đặt quá nhiều câu hỏi vì nghi vấn càng nhiều chỉ là thêm một bước để chỉ ra chúng tôi đã thực dụng và vô cảm nhiều quá. Năm nào gần tết cũng có đứa thì thầm “cháu xin lỗi vì bây giờ mới lên”. Cái câu vô nghĩa mà cứ được xài hoài.

Mặc vô tình hay cố ý, những người ở lại hẳn vài khi lơ đãng để mình quên đi một chút và trôi theo cái guồng bận rộn đầy cám dỗ đang réo rắt gọi. Nên chẳng biết trách gì, đành giận thì giận, mà thương thì thương. Tết gần về, có một góc yêu thương cất kỹ lại được mở ra, tràn về theo mùi cúc, mùi ly, mùi cỏ cháy, mùi mặn và những tiếng bước chân đến gần hơn với vòm đất nổi sau lưng cây hoa sứ. Có những con người biết mình sai nên tìm đến trước, làm bó nhang bắt lửa rồi tết lại “đoàn viên”.

Hani

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sắm tết

Năm mới bắt đầu tiến gần hơn đến những trạm dừng chân cuối cùng. Mấy câu hát, nhạc xuân rình rang nhờ đó được mùa tua lui, tua tới từ cặp loa giấu kỹ hai bên cổng vào của nhiều hàng quán đông đúc.

Sắm tết
Người trẻ bận rộn

Ngẫm lại, thấy ngày dài trôi qua rất vui, rất mệt nhưng mấu chốt vẫn là mình đã nhận ra, mình cũng đang muốn đi để trở về...

Người trẻ bận rộn
Trẻ & sách

Cuối hè đầu thu, mưa bắt đầu ỉ ê từng đợt, rồi lại ngừng liên tục. Đối với một số người nhạy cảm, thì nước chỉ chực lách tách vài giọt là lòng đã trào dâng xúc cảm. Mà lạ, tôi chỉ thấy mình trơ ra, dù lắm khi cũng tặc lưỡi: cảm xúc nhiều vô hạn.

Trẻ  sách
Bà nội, bà ngoại

Đỉnh điểm của sự trẻ con thường được nổ ra nhiều lần trong ngày, thường là một người 84 chê một bà 80 làm chậm; bà nhỏ hơn yếu thế, không nói lại được nên thủ thỉ với cháu “ngoại ở nhà chướng quá, sau cả mấy mươi năm mà nấu từng này muối, từng kia đường cũng lăn tăn được”.

Bà nội, bà ngoại
Góc cũ

Ngày Huế có chút trở lạnh, mưa cứ tí tách rơi hoài rơi. Có những người rúc mình vào quán hít hà cái ấm từ tách cà phê tươi, có người trầm ngâm bên ánh đèn vàng cổ nhìn ra màn nước. Cảnh này lặp đi lặp lại nhiều ở mấy quán cà phê xưa, cái xưa làm người ta muốn níu kéo hoài niệm đang dần trôi theo Huế hiện đại.

Góc cũ
Return to top