ClockThứ Năm, 25/03/2021 13:30

Những bức thư thời chiến

TTH - Đó là kỷ vật thiêng liêng của những người đã đi qua cuộc chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.

Ký ức những ngày giải phóng Huế bên giàn hỏa tiễnChú thích lại một bức ảnh

Một số bức thư thời chiến

Những cánh thư nhỏ bé, mỏng manh nhưng lại chứa đựng tình yêu quê hương đất nước mãnh liệt, tình cảm gia đình, là tình yêu đôi lứa, tình đồng chí, đồng đội son sắt, thiêng liêng và trên hết là ý chí, khát vọng, niềm tin vào lý tưởng cách mạng trong tim mỗi người chiến sĩ.

 Lật giở từng trang giấy đã ố vàng theo thời gian, những chiếc phong bì gấp vội, từng nét chữ thân thương, những con số hòm thư thời chiến, địa danh, ngày tháng đã rất xa… chợt gợi lại một thời không quên trong ký ức của nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang Lê Thị Thu Hạnh (tức Hãnh), người con của quê hương Phong Chương, Phong Điền.

Tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm, năm 1968, bà được phân công làm y tá chiến trường (Đội điều trị 82 đóng dọc tuyến đèo Tà Lương trên đường lên huyện A Lưới). Giữa những năm tháng ác liệt nhất nơi tuyến lửa mặt trận Trị Thiên Huế và những ngày sục sôi cách mạng, nhiều cán bộ, chiến sĩ bị thương khi chiến đấu. Bà Thu Hạnh đã cố gắng vượt qua nhiều thử thách cam go, những thiếu thốn về tình cảm, vật chất để cứu chữa, chăm sóc cho thương, bệnh binh mau chóng phục hồi sức khỏe.

Cũng từ nhiệm vụ này, nhiều cánh thư của đồng chí đồng đội đã được gửi tới bà để bày tỏ lòng cảm ơn, trao đổi tâm tư, ước mơ, hoài bão trong những năm tháng chiến tranh. Những bức thư ấy đã theo bà cho đến mãi hôm nay.

Một bức thư dài tới 7 trang giấy pơ-luya, viết ngày 25/2/1974 từ A Lưới, của một người đồng đội tên Thoại gửi cho bà khi đọc tin về bà trên báo.

Anh viết: “Khi cầm tờ báo xem trong Đại hội 18 năm thắng Mỹ, gặp lại Hãnh, một cái tên quen thuộc biết tận từ năm xưa, giờ vẫn còn nguyên một nữ đồng chí bao giờ cũng hăng hái, vươn lên để hoàn thành nhiệm vụ… Điều đáng quý và tuổi trẻ của chúng ta phải như thế Hãnh ạ… Tuy hoàn cảnh vị trí chiến đấu, công tác có khác nhau nhưng đều chung mục đích đánh Mỹ”.

Những người chiến sĩ đồng điệu trong suy nghĩ, lý tưởng sống, nguyện hiến dâng tuổi trẻ cho quê hương, đất nước; họ đã xích lại gần nhau bằng những cánh thư, trao đổi tâm tình, trở thành những người bạn tâm giao trong chiến tranh gian khổ.

Chiến đấu trên đất Phong Điền, quê hương của nữ anh hùng Lê Thị Thu Hạnh, người chiến sĩ Thoại viết tiếp: “Tuy đây không phải là nơi sinh ra Thoại và cũng không có người thân nào ở đây. Nhưng đây là trách nhiệm, là nghĩa vụ thiêng liêng, là tình cảm lớn của dân tộc mà những chiến sĩ như Thoại phải tự nhận lấy trách nhiệm về mình. Dù có ngã xuống mảnh đất này thì cũng không có gì phải ân hận. Vì chính nơi mà ngã xuống ấy thì mầm xanh đang mọc lên mãnh liệt”.

Một bức thư khác là của anh Nguyễn Bá Nhân, đề ngày 4/2/1971, người đồng hương Phong Điền gửi cho bà Thu Hạnh. Những dòng chữ mộc mạc đó đã viết về năm tháng đấu tranh gian khổ trên quê hương: “Qua quá trình mấy năm trường đấu tranh giằng co quyết liệt với quân thù trên quê hương chúng ta, Nhân dân ta kể cả anh em mình cho đến nay trong một giai đoạn rất là khó khăn phức tạp với quân thù”. Chiến sĩ Nguyễn Bá Nhân cũng nói lên quyết tâm chiến đấu, không quản ngại khó khăn, gian khổ “để góp phần nhỏ bé vào sự nghiệp giải phóng quê hương, để xứng đáng với lứa tuổi thanh niên thành đồng, đúng với thời đại Hồ Chí Minh, đồng thời để xứng đáng với người con ưu tú của quê hương có truyền thống chống xâm lăng kiên cường và bất khuất từ thuở ông cha vang vọng lại đến ngày hôm nay”.

Từ Vĩnh Bảo, Hải Phòng, anh thương binh Hoàng Văn Đáng đã viết thư cho cô y tá nơi tuyến lửa Thừa Thiên: “Từ khi tạm biệt em đến nay anh vẫn khỏe... Giặc Mỹ đã cướp của anh một phần sức khỏe mà hiện nay anh phải mang thương tích mãi mãi”; “qua cuộc sống gian khổ dưới mưa bom đạn lửa anh đã hiểu được quê hương và em, tình cảm đó anh không biết làm thế nào được chỉ biết động viên nhau để hoàn thành nhiệm vụ”.

Là thương binh, đã trở về hậu phương, nhưng người chiến sĩ ấy vẫn đau đáu nơi chiến trường, nhớ thương đồng đội: “Trong lúc khó khăn này em hãy tươi lên như bông hoa hướng dương, cứng rắn như đá kim cương, vững vàng dũng cảm như người cộng sản,…. Nam Bắc nhất định sẽ sum họp, tình cảm anh em mình sẽ được nhích lại gần hơn”.

Hay một bức thư khác của một người chiến sĩ không quen gửi cho bà Hạnh từ ngày 14/4/1975. Anh viết: “Hôm nay biên thư thăm cô là một người chiến sĩ Quân giải phóng”. Tình cảm yêu mến, trân trọng của người chiến sĩ này dành cho bà xuất phát từ sự chăm sóc, yêu thương, giúp đỡ của bà dành cho một người đồng đội, là người thân của chiến sĩ này. Anh viết thư cảm ơn bà bởi “ở những nơi xa xôi, những nơi ác liệt nhất… tấm lòng ấy thật đáng quý giá vô cùng”.

Dòng thư anh viết ngoài lời cảm ơn xuất phát từ trái tim, còn có sự cảm thông chân thành và quan tâm sâu sắc: “Cuộc sống ở chiến trường chắc vất vả nhiều và thiếu thốn nhiều về mọi mặt, nhất là nữ thì lại càng khó khăn hơn có lẽ cũng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe con người, vì thế mà tôi muốn hỏi thăm sức khỏe của cô hiện nay có được khỏe không, có hay bị sốt không”.

Tình người trong kháng chiến đong đầy trong mỗi trang thư, ở đó không có lời có cánh, mà chỉ có lời nói từ tấm lòng biết yêu thương, sẻ chia, hy sinh giữa những người đồng đội và được bao bọc trong một tình cảm lớn đối với quê hương đất nước.

Hoàng Liên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Huấn luyện chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu

Nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp uỷ, chỉ huy, vai trò tham mưu của cơ quan, đơn vị các cấp, trong hai ngày 4 & 5/3, Trung đoàn 6; Tiểu đoàn Tăng Thiết giáp 3 và Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã Hương Thủy đã tổ chức luyện tập chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) từ thường xuyên lên cao, cao lên toàn bộ.

Huấn luyện chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu
Những tấm gương quả cảm của người lính Cụ Hồ

Rạng sáng ngày 20/12/1946, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Huế nổ súng. Những người lính trực tiếp cầm súng trong suốt 50 ngày đêm tiến công, bao vây quân Pháp ở Huế đến nay phần lớn đã qua đời nhưng những tấm gương chiến đấu quả cảm của họ vẫn còn sống mãi! Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2023), chúng tôi xin giới thiệu về hai tấm gương trong rất nhiều tấm gương, được chính đồng đội họ kể lại.

Những tấm gương quả cảm của người lính Cụ Hồ
Return to top