ClockThứ Sáu, 03/02/2017 07:52

Những chuyến biển sớm

TTH - Những ngày đầu năm thời tiết nắng ấm, hàng loạt tàu thuyền rẽ sóng vươn khơi. Những chuyến biển sớm đem về hàng tấn hải sản.

Ngư dân Phú Vang trúng mẻ cá đầu năm

Khí thế mới  

Từ sáng sớm mùng 4 Tết, chiếc tàu vỏ thép của ngư dân Trần Văn Chiến ở xã Phú Thuận (Phú Vang) cùng hàng loạt chiếc tàu khác nổ máy rền vang, hướng ra biển khơi. Ông Chiến chia sẻ: “Chuyến biển đầu năm này cũng là chuyến biển đầu tiên của tàu vỏ thép. Chúng tôi trang bị đầy đủ hệ thống lưới, câu, máy định vị, dò cá, bộ đàm, phao cứu hộ, lương thực thực phẩm…cho chuyến vươn khơi. Dự kiến chuyến biển này kéo dài từ 10-15 ngày trên ngư trường cách đất liền trên 20 hải lý. Theo con nước, luồng cá, tàu có thể vươn ra đến Trường Sa, Hoàng Sa và đánh bắt dài ngày hơn”.

Ông Chiến nhẩm tính: “Mỗi chuyến biển chỉ cần đánh bắt từ 10-15 tấn là có lãi, với giá bình quân 20 ngàn đồng/kg thì sẽ cho thu nhập từ 200 triệu đến 300 triệu đồng, trừ các khoản chi phí dầu, đá ướp lạnh… lãi khoảng một nửa”.

Ngư dân Nguyễn Văn Hòa ở thị trấn Thuận An phấn khởi trước chuyến biển đầu năm gặp thời tiết thuận lợi. Trước khi cho tàu xuất bến, ông Hòa cũng như ngư dân không quên lễ cầu ngư với những lễ vật giản đơn như bánh trái, nải chuối, với mong ước mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Theo quan niệm của ngư dân, ngoài yếu tố thời tiết thì việc chọn thời điểm xuất hành cũng rất quan trọng. Bà con thường chọn ngày mùng 2 hoặc mùng 4 tết làm lễ xuất bến, đi chuyến biển đầu năm.

Ông Hòa cho biết, chiếc tàu công suất 430CV vừa đóng mới bằng nguồn vốn tự có và vay thêm ngân hàng với tổng trị giá trên 5 tỷ đồng. Đây là tài sản lớn cần phải bảo vệ an toàn, nâng cao hiệu quả đánh bắt. Chuyến biển đầu tiên này, ông Hòa quyết định cho tàu vươn khơi từ 30 hải lý trở ra, kéo dài một tuần đến 10 ngày. Trước chuyến biển, sau khi nhận tiền bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển, ông Hòa đầu tư nâng cấp ngư lưới cụ nhằm phù hợp với ngư trường xa bờ, có thể vươn đến vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa.

Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT khẳng định, năm nay, ngành nông nghiệp cùng các địa phương định hướng, chỉ đạo ngư dân nâng cao năng lực đánh bắt. Phấn đấu sản lượng khai thác thủy hải sản trong năm 2017 đạt 40 ngàn tấn. Với lực lượng 358 tàu đánh bắt xa bờ và gần 2.000 thuyền gần bờ thì mục tiêu đề ra là trong tầm tay.

Trúng vụ cá nục ở thị trấn Thuận An

Được giá

Thời điểm đầu năm là lúc các nhà hàng, khách sạn, các tiệc cưới, liên hoan nhộn nhịp kinh doanh, tiêu thụ một lượng lớn hải sản. Một số tàu đánh bắt xa bờ chọn chuyến biển đầu tiên vào ngày mùng 2 Tết và trở về sau một ngày để kịp cung cấp hải sản cho thị trường.

Ông Phan Tước ở thị trấn Thuận An (Phú Vang), chủ nhân của ba tàu đánh bắt xa bờ cho biết, vụ đánh bắt sau Tết thường chủ yếu đi lấy ngày, thời gian đánh bắt chỉ kéo dài một vài ngày. Năng suất, sản lượng không nhiều nhưng bán được giá. Một tàu xa bờ của ông vừa trở về ngày mùng 4 Tết với  khoảng 3 tấn cá, nhưng thu nhập gần 60 triệu đồng”. Ngoài tàu của ông Tước, ở các xã Phú Thuận, Phú Hải, thị trấn Thuận An có khoảng 5 chiếc đánh bắt trở về ngày mùng 4 Tết, thu nhập trên dưới 50 triệu đồng/chiếc.

Trên địa bàn tỉnh còn có gần 2.000 chiếc thuyền công suất nhỏ, khai thác gần bờ. Những ngày đầu năm, hàng loạt thuyền đánh bắt mang về một lượng hải sản đáng kể. Tại các xã Vinh Thanh (Phú Vang), Phong Hải, Điền Hòa (Phong Điền), Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền)…nhiều ngư dân trúng đậm cá khoai, lẹp, hố, nục… thu nhập từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng/chiếc. Ông Hoàng Hữu Nam ở thôn Hải Thế, xã Phong Hải cho biết, đánh bắt chỉ chưa đầy một buổi, thu về 30 kg cá khoai, bán gần 3 triệu đồng… Với thời tiết thuận lợi như hiện nay, ngư lưới cụ ngày càng hiện đại, tàu công suất lớn… hứa hẹn ngư dân đánh bắt hải sản còn mang lại hiệu quả cao hơn nữa.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đánh giá: “Khai thác hải sản được xác định có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo. Những năm qua, tỉnh quan tâm đầu tư phát triển kinh tế biển, đánh bắt xa bờ, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế, an sinh xã hội của tỉnh. Giá trị khai thác biển bình quân hằng năm đạt khoảng 1.400 tỷ đồng, chiếm khoảng 17% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp”.

Bài, ảnh: HẢI THẾ

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động ứng phó gió mạnh trên biển

Chiều 6/11, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã có văn bản gửi các địa phương, đơn vị, chủ công trình hồ đập về việc chủ động ứng phó với không khí lạnh, gió mạnh trên biển, mưa to trên địa bàn tỉnh.

Chủ động ứng phó gió mạnh trên biển
Cấm tàu thuyền ra khơi vào sáng 25/9

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh và sóng lớn.

Cấm tàu thuyền ra khơi vào sáng 25 9
Chống khai thác hải sản bất hợp pháp

Ngành nông nghiệp phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thường xuyên kêu gọi, hướng dẫn và cảnh báo kịp thời chủ tàu có dấu hiệu khai thác sai vùng, sai tuyến; tàu cá có dấu hiệu vượt ranh giới vùng biển thuộc quyền quản lý của Trung Quốc không rõ nguyên nhân.

Chống khai thác hải sản bất hợp pháp
Trăn trở giấc mơ vươn khơi

Khi những con sóng bạc đầu không còn xô bờ ồn ào cũng là lúc những con tàu rẽ sóng vươn khơi tìm luồng cá mới, chở theo niềm tin và hy vọng một mùa đánh bắt hải sản bội thu.

Trăn trở giấc mơ vươn khơi
Return to top