ClockThứ Hai, 03/05/2021 15:13

Những năm tháng không quên

TTH - Cống hiến tuổi thanh xuân cho những năm tháng bảo vệ quê hương, với Trung tá Trần Minh Châu, nguyên Chủ nhiệm Khoa Quân sự, Trường đại học Nông nghiệp II, ngày toàn vẹn non sông là niềm hạnh phúc tột cùng của những người lính.

Hạnh phúc sau cuộc chiếnNhớ mùa thu tháng TámKhông được lãng quênNhững năm tháng không quên

Trung tá Trần Minh Châu tự hào vì được đứng trong hàng ngũ của Đảng hơn 50 năm

Giọt nước mắt vui mừng trước tin đại thắng

Năm 1967, chàng trai trẻ Trần Minh Châu (sinh năm 1948) vừa tròn 19 tuổi đã xung phong lên đường nhập ngũ và được tuyển chọn vào Binh chủng đặc công.

Với sự mưu trí, gan dạ và xông pha trong quá trình huấn luyện, ông được điều vào chiến trường Quảng Trị. Tháng 10/1967, Trung úy Trần Minh Châu được giao nhiệm vụ Đại đội trưởng C1, Tiểu đoàn 33, Bộ đội đặc công.

Với nhiệm vụ tiêu diệt sinh lực địch, phá hủy các phương tiện chiến tranh ở sân bay, bến cảng, Đại đội đặc công do Trung úy Trần Minh Châu chỉ huy đã có những chiến thắng vang dội mà sử sách và bao thế hệ người dân vẫn còn khắc ghi. Như trận đánh vào cao điểm Động Tiên của địch (có độ cao 1.000m). Tại đây, 40 chiến sĩ đặc công đã tiêu diệt và làm bị thương hơn 350 tên lính Mỹ.

Năm 1973, đơn vị ông được lệnh di chuyển vào chiến trường Thừa Thiên Huế. Ông tiếp tục nhận nhiệm vụ khó khăn là bám địch ở căn cứ ấp 5 (Thủy Phương, Hương Thủy) và Phú Bài - những căn cứ kiên cố được xem là bất khả xâm phạm với hệ thống phòng thủ dày đặc, với hàng chục lớp hàng rào thép gai, bãi mìn, bốt cảnh giới...

Ông Trần Minh Châu nhớ lại: Sau một thời gian nằm vùng, đơn vị quyết định đánh trận đầu tiên là đốt kho xăng ở ấp 5. Kho xăng nổ, địch đào ngũ nhiều, đã tạo điều kiện cho quân ta xâm nhập, củng cố niềm tin của quần chúng.

Trận đánh ngày 8/3/1975 do ông chỉ huy làm nổ kho xăng ở Phú Bài suốt hai ngày đêm cũng là một chiến công hiển hách của đơn vị.

Trung tá Trần Minh Châu kể: “Để đánh trận này, chúng tôi phải mất hơn 1 tháng trời trinh sát, dò đường, tìm hiểu hệ thống phòng ngự của địch. Không chỉ bố trí hệ thống thép gai, bãi mìn dày đặc mà địch còn dùng rất nhiều chó béc giê canh giữ. Để qua mặt được hệ thống phòng ngự này, tôi đã chỉ huy tổ 3 người dùng tỏi để đánh lạc hướng, không để chó đánh hơi được. Với cách đó, chúng tôi đã luồn sâu được vào kho xăng của địch, đặt bom hẹn giờ rồi rút lui an toàn. Sau một tiếng đồng hồ, một tiếng nổ vang trời, cột khói bốc cao nghi ngút. Những tiếng nổ làm rung chuyển đất trời trong suốt hai ngày đêm khiến địch hốt hoảng”.

Đến ngày 26/3/1975, khi Huế hoàn toàn giải phóng, đơn vị ông được giao nhiệm vụ tham gia Ban quân quản thành phố. Đó là tiếp quản những thành quả cách mạng, lập lại trật tự, bảo vệ các khu hành chính tại thành phố.

Lúc bấy giờ đơn vị ông là đơn vị chủ lực, vừa bảo vệ thành quả cách mạng vừa nhận nhiệm vụ chuẩn bị lực lượng để tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.

“Ở Huế, chúng tôi ai nấy đều ngóng tin ở chiến trường miền Nam. Tất cả đều sẵn sàng tâm thế, khi được nhận lệnh là lên đường ngay. Với những diễn biến thần tốc tại chiến trường miền Nam, chúng tôi đều có một niềm tin mãnh liệt rằng, ngày chiến thắng sẽ không còn xa.

Ngày hôm đó, 30/4/1975, khi đơn vị chúng tôi còn làm nhiệm vụ là đơn vị chủ lực, bảo vệ các địa điểm quan trọng của thành phố Huế, thì nghe tin chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Thời khắc đó, tất cả chúng tôi đều vỡ òa trong niềm vui khôn tả. Mọi người nhảy lên hò reo vui sướng, cũng không ít giọt nước mắt rơi vì sung sướng trước tin đại thắng”, ông Châu xúc động.

Đi tìm đồng đội

Trong suốt thời gian chiến đấu, là Đại đội trưởng đặc công, ông Châu đã trực tiếp tham gia và chỉ huy rất nhiều trận đánh lớn, nhưng cũng chính ông đã tự tay chôn cất 17 đồng đội và chứng kiến rất nhiều đồng đội hy sinh trong những trận đánh ác liệt tại chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Sau khi nghỉ hưu, ông tiếp tục công tác tại Hội CCB tỉnh. Bằng nhiều cách, ông liên lạc với thân nhân các liệt sĩ, những đồng đội cùng chiến đấu năm xưa để đi tìm hài cốt các liệt sĩ.

Dù địa hình, địa vật đã thay đổi rất nhiều, nhưng suốt gần 20 năm qua, ông cùng các đồng đội vẫn trèo đèo, lội suối lần tìm từng manh mối, để mong sao tìm được đồng đội của mình, đưa các anh về với quê hương, gia đình. Đến nay, ông cùng những đồng đội còn sống đã tìm và cất bốc được 11 hài cốt liệt sĩ đưa về an táng tại quê nhà và các nghĩa trang liệt sĩ. Ông cũng giải mã phiên hiệu liệt sĩ 57 hồ sơ và gửi Bộ Quốc phòng để xác định địa bàn các liệt sĩ hy sinh.

Trong số những liệt sĩ được tìm thấy, thì quá trình tìm liệt sĩ Vũ Thế Hưng, quê Nam Định có lẽ làm ông và các đồng đội nhớ nhất.

Ông Châu kể: Tôi và em trai liệt sĩ Hưng cùng chiếc xe máy dream của tôi cứ chạy khắp mảnh đất Dương Hòa, Hương Thủy.  Địa hình địa vật thay đổi quá nhiều, tôi không thể nào xác định đúng vị trí chôn cất. Tôi nghĩ cách huy động đồng đội cũ cùng đi tìm. Dù sao trí nhớ nhiều người vẫn sẽ hơn một người. Sau khi “nghe lệnh” của Đại đội trưởng năm xưa, 6 anh em ở miền Bắc tức tốc vào Huế cùng tham gia tìm kiếm. Sau nhiều ngày đêm bám trụ tại Khe Rùa, Dương Hòa, tưởng chừng phải bỏ cuộc, thì chúng tôi gặp một đoàn khảo sát rừng phòng hộ. Nhanh trí, tôi mượn họ tấm bản đồ. Lúc đó, đồng chí Sáu vừa xem bản đồ, vừa nói: “Em biết rồi, chúng ta đi theo triền khe, lên đến đoạn gần đầu nguồn là nơi anh Hưng nằm”. Tất cả đều hỏi: "Chắc không?". Không biết động lực nào, đồng chí Sáu một mực quả quyết mình nhận định đúng. Vậy là chúng tôi tiếp tục lên đường. Đúng là khi đến nơi, tất cả chúng tôi đều ngỡ ngàng và xúc động vì chắc rằng đã tìm đúng vị trí đồng đội mình nằm. Sau khi báo tin, chính quyền địa phương, các đơn vị chức năng đã cất bốc và chúng tôi đã cùng nhau đưa người đồng đội của mình trở về với quê hương, gia đình.

Bài, ảnh: THANH THẢO

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vinh danh nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho nghệ thuật

Không chỉ vinh dự, những nghệ sĩ được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) xem đó còn là trọng trách nặng nề trong hành trình bảo tồn, trao truyền những giá trị văn hóa cho hậu thế. Họ như là vốn quý, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn của đất nước.

Vinh danh nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho nghệ thuật
Tuổi trẻ cống hiến cho phong trào đô thị

Trong phong trào đấu tranh ở các đô thị miền Nam, phong trào đô thị Huế đã đóng góp tích cực vào thành công của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân là một trong những người tham gia phong trào từ những ngày đầu đến lúc ra chiến khu vào năm 1966.

Tuổi trẻ cống hiến cho phong trào đô thị
Tuổi trẻ là cống hiến

Hơn 350 sinh viên (SV) Trường đại học (ĐH) Sư phạm - ĐH Huế tích cực sinh hoạt, tham gia hoạt động từ thiện trong Đội tình nguyện (trực thuộc Đoàn trường ĐH Sư phạm), mang niềm vui và giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh.

Tuổi trẻ là cống hiến
Return to top