ClockThứ Bảy, 05/11/2022 06:30

Những ngôi nhà bên núi

TTH - Nhiều cụm dân cư ở vùng A Lưới, Nam Đông với đặc thù sống ven triền núi, sông suối vẫn thấp thỏm trong mùa mưa lũ vì nỗi lo lũ quét, lũ ống, trượt lở đất. Giấc mơ tái định cư (TĐC) luôn “chập chờn” trong mỗi cuộc di dân đến nơi an toàn mỗi mùa thiên tai, gió chướng…

Ứng phó nguy cơ sạt lở núi - Kỳ 2: Tái định cư và trồng rừng bền vữngMong ngóng triển khai các dự án tái định cư an toàn

Khu vực trượt lở núi ở thôn 2, Thượng Nhật, Nam Đông

Lo “chạy” lở núi

Cái tên A Bả (xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới) không chỉ gợi nhớ đến sự xa xôi, hẻo lánh của vùng rẻo cao mà thôn dân nơi đây với những căn nhà chênh vênh bên sườn núi, còn lo lắng từng ngày bởi trượt lở đất.

Nhiều cuộc hẹn lên miền cao A Lưới phải dang dở do tuyến Quốc lộ 49 bị sạt lở đất và đường liên thôn vào A Bả cách trở mỗi mùa mưa lũ. A Bả là bản làng biên giới gồm nhiều hộ vốn được di dân từ bên kia triền đồi - vùng ảnh hưởng bởi dự án thủy điện, đến bên dòng A Sáp định cư từ năm 2010. Thôn có 60 nóc nhà, từ trên cao nhìn xuống, ngày mưa lớn, những ngôi nhà cứ như chực “trượt” khỏi sườn núi!

Anh Nguyễn Văn Trao, một hộ dân ở thôn A Bả bảo rằng, bà con đến đây định cư đã nhiều năm, từ không có vườn tược, nương rẫy, đến nay đã làm ăn sinh sống, buôn bán xây dựng được nhà cửa. Chính quyền cũng đầu tư đường sá, trường học đi lại thuận tiện hơn dù vào A Bả phải qua nhiều dốc đèo quanh co.

Khu vực có nhà dân sống sát chân đồi nguy cơ trượt lở ở A Lưới

Từ nhiều năm nay, mấy chục hộ dân trong thôn vẫn nơm nớp lo lắng tình trạng sạt lở núi bởi địa hình đồi núi dốc, giáp sông A Sáp. Mỗi khi có mưa lớn, dòng sông như dữ tợn hơn, cán bộ thôn về nhắc nhở từng hộ rồi “canh” di dời đến các điểm trường cao ráo.

“Thấy sạt lở núi ở nhiều địa phương ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhiều hộ dân nên bà con cũng rất lo. Mong muốn di dời nhưng phải làm sao không ảnh hưởng đến sinh kế của người dân bởi nương rẫy còn đó”, anh Trao lo lắng.

Ông Hồ Trọng Chăn - Chủ tịch UBND xã Quảng Nhâm cho biết, toàn xã có 3 vùng trọng điểm sạt lở núi, ngập lụt trong mùa mưa bão bao gồm các thôn: A Bả, Nhâm, A Lưới với hơn 100 hộ dân. Trong đó, vùng nguy cơ cao nhất là thôn A Bả với 60 hộ dân định cư giữa lòng chảo, bao quanh núi đồi.

Hàng năm đến mùa mưa bão hiện tượng sạt lở núi thường xảy ra và ngập lụt gây hư hỏng nhà cửa, ruộng vườn và một số tuyến đường giao thông. Khảo sát của địa phương cho thấy, trên các triền đồi khu vực này đã xuất hiện các điểm đứt gãy, nguy cơ trượt lở núi rất cao trong mùa mưa bão.

Một góc thôn A Bả (Quảng Nhâm, A Lưới) chênh vênh bên sườn đồi

Tương tự, hơn 100 hộ dân ở thôn Tru Pỉ (Hồng Thượng) cũng đối diện nguy cơ sạt lở núi. Cụm dân cư này sinh sống đã lâu, do ảnh hưởng thiên tai qua các năm, trên dãy núi gần khu dân cư này đã xuất hiện vết đứt gãy với chiều sâu hơn 2m, tách đôi quả đồi. Chính quyền địa phương đã bố trí một phần dân cư ở đây xen ghép vào khu TĐC thôn Pa Ay cùng xã. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ dân sống gần chân núi với nguy cơ sạt lở cao trong mùa mưa, cần được di dời TĐC.

Ông Hồ Văn Vang (thôn 2, xã Thượng Nhật, Nam Đông) nói rằng, gia đình cùng nhiều hộ dân ở đây đã định cư hơn 40 năm qua nhưng chưa bao giờ nỗi lo sạt lở núi lại thường trực như bây giờ. Cứ đến mùa mưa lại lo núi trượt xuống khu dân cư, lo thủy điện xả lũ bất ngờ ảnh hưởng đến dòng chảy của sông suối và gây thiệt hại vật nuôi, mùa màng. Người dân mong muốn được di dời, TĐC để ổn định cuộc sống lâu dài.

Theo UBND huyện Nam Đông trên địa bàn có khoảng 10 vị trí có nguy cơ sạt lở đất, đá, lũ quét khi mưa lớn kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng trăm hộ dân. Thôn 2 có 86 hộ dân với khoảng 300 nhân khẩu. Khoảng vài năm trở lại đây, đặc biệt sau các trận mưa bão lớn từ cuối năm 2020 đã xuất hiện một số vị trí sạt trượt trên triền đồi, bờ sông. UBND huyện Nam Đông đã quy hoạch khu TĐC tập trung quy mô 2,6ha tại thôn A Xách, kinh phí 22 tỷ đồng cho 75hộ/375 khẩu.

Giấc mơ tái định cư

Câu chuyện cụm dân cư nằm trong vùng nguy cơ sạt lở núi thường được “hâm nóng” qua các kỳ tiếp xúc cử tri, người dân cũng phản ánh nhiều lần. Tùy theo từng khu vực, chính quyền địa phương đã lên phương án di dời trong mùa mưa lũ, xây dựng khu TĐC đảm bảo an toàn cho người dân. Chính sách có rồi nhưng đôi lúc nguồn vốn, quỹ đất… còn khó khăn khiến nỗi lo của người dân vẫn còn đó.

Ông Hồ Trọng Chăn - Chủ tịch UBND xã Quảng Nhâm thông tin, hiện UBND huyện A Lưới đã xây dựng khu TĐC nằm trên địa bàn xã Nhâm phục vụ TĐC cho các hộ dân ảnh hưởng sạt lở núi, lũ quét và ngập lụt trên địa bàn huyện với khoảng 50 hộ dân. Nếu được bố trí TĐC, trước mắt chính quyền sẽ ưu tiên cho những hộ dân ở thôn A Bả.

“Dù các hộ dân sống không tập trung nhưng nhu cầu xây khu TĐC ở địa phương khá lớn. Để phục vụ nguyện vọng đến nơi ở mới cho người dân các thôn bị ảnh hưởng, cần một khu vực khoảng 3ha. Địa phương dự kiến mặt bằng để xây dựng khu TĐC cách khu dân cư cũ khoảng 1km”, ông Chăn kiến nghị.

Nói về công tác di dân TĐC, ông Trần Ngọc Chinh, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện A Lưới (cơ quan thường trực phòng, chống thiên tai huyện A Lưới) bảo rằng, đối với các hộ dân ở thôn Tru Pỉ (xã Hồng Thượng) huyện đã tiến hành khảo sát và có phương án di dời hơn 100 hộ dân ở khu vực này qua bên kia sông Đakrông với diện tích khu vực TĐC hơn 12ha, tổng kinh phí thực hiện khoảng 45 tỷ đồng. Khu vực này vốn đã quy hoạch khu dân cư, huyện đã đề xuất UBND tỉnh và chỉ chờ kinh phí để thực hiện.

“Để xử lý các điểm sạt lở núi, xây dựng các khu TĐC cần nguồn kinh phí rất lớn, vượt qua khả năng tài chính của địa phương. Do vậy, huyện cũng xác định vùng trọng điểm, nguy cơ cao để tiến hành thực hiện trước từng bước và cũng đã đề xuất tỉnh cần bố trí kinh phí sớm để thực hiện công tác xử lý, di dời TĐC đảm bảo an toàn cho các hộ dân.”, ông Chinh khẳng định.

Tín hiệu vui đối với người dân sống trong vùng sạt lở ở các địa phương khi mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ NN&PTNT về việc rà soát các dự án di dời dân cư khẩn cấp khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.

Theo đó, qua rà soát, trên địa bàn tỉnh có 4 điểm cần thực hiện dự án di dời, TĐC khẩn cấp nhằm đảm bảo an toàn với tổng mức đầu tư xây dựng khu TĐC cùng các cơ sở hạ tầng khác khoảng 82,4 tỷ đồng. Trong đó, có 2 điểm là khu vực sạt lở bờ biển ở xã Phú Thuận và sạt lở núi, ngập lụt tại xã Quảng Nhâm với tổng mức đầu tư 30 tỷ đồng.

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh thông tin, tháng 9/2021, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Tổng cục Phòng, chống thiên tai về việc bổ sung thông tin về dự án di dời dân cư khẩn cấp khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.

Theo đó, trong 4 điểm cần di dời dân TĐC kiến nghị Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh lựa chọn được 2 điểm di chuyển dân thuộc dự án ưu tiên ở thôn Bình An 2 (Lộc Vĩnh, Phú Lộc) và Thôn 2, A Tin (Thượng Nhật, Nam Đông), để trình phê duyệt chủ trương đầu tư, đảm bảo phù hợp với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Theo đó, 2 điểm di chuyển dân thuộc dự án ưu tiên đầu tư này nhằm TĐC cho 123 hộ dân với tổng mức đầu tư 52,4 tỷ đồng. Dự án sẽ thực hiện các hạng mục chính như san mặt bằng nền, xây dựng lắp đặt hệ thống cấp nước, điện sinh hoạt, đường vào điểm TĐC, đường nội bộ và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ di chuyển.

Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai công tác bố trí, sắp xếp ổn định dân cư ảnh hưởng thiên tai theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ được 197hộ/795 khẩu trên địa bàn 7 huyện, thị xã. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp các ban, ngành, địa phương rà soát ở các khu vực miền núi có nguy cơ sạt lở đất làm ảnh hưởng đến đời sống người dân. Theo đó, sau khi rà soát và báo cáo của các địa phương thuộc vùng miền núi, số hộ cần phải di dời TĐC là 322hộ/1.528 khẩu với kinh phí khoảng 102 tỷ đồng, bao gồm 7 dự án bố trí dân cư tập trung và 1 dự án bố trí dân cư xen ghép.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhận biết và phòng ngừa dịch cúm gia cầm

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm (DCGC), ngày 23/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tổ chức hướng dẫn cách nhận biết và các biện pháp phòng trừ DCGC. Mục tiêu là hạn chế thấp nhất vi rút DCGC lây nhiễm và gây tử vong cho người, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi.

Nhận biết và phòng ngừa dịch cúm gia cầm
Sốt xuất huyết ở Trung và Nam Mỹ có nguy cơ thành đợt bùng phát nghiêm trọng nhất

Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) đang cảnh báo nguy cơ về một đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết nghiêm trọng nhất từ trước đến nay ở Trung và Nam Mỹ khi số ca nhiễm sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay ở khu vực này đã vượt quá 3,5 triệu người, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có hơn 1.000 ca tử vong.

Sốt xuất huyết ở Trung và Nam Mỹ có nguy cơ thành đợt bùng phát nghiêm trọng nhất
Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm

Các biện pháp phòng, chống được triển khai đồng bộ, có hiệu quả nên đến thời điểm này, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) chưa xảy ra. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, tái bùng phát dịch bệnh GSGC.

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm

TIN MỚI

Return to top