ClockThứ Hai, 05/02/2018 10:19

Nỗi lo thông tuyến

TTH - Bội chi quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) khoảng trên 427 tỷ đồng (chiếm 49% quỹ khám chữa bệnh) trong năm 2017. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đã được nhận diện, trong đó, có yếu tố thông tuyến huyện khi người dân ồ ạt lên tuyến trên để khám, chữa bệnh.

Sau khi thông tuyến, số lượt khám, chữa bệnh (KCB) tại trạm y tế xã giảm nhiều. Người dân có tâm lý lựa chọn KCB ở tuyến trên nhiều hơn. Tình trạng gia tăng từ phía cơ sở KCB, như tăng chỉ định số lượng xét nghiệm cận lâm sàng, chụp X-quang, thuốc... Nhiều người bệnh có thẻ BHYT đi KCB nhiều lần trong ngày, tuần, tháng để “lấy” thuốc do phần lớn giữa các bệnh viện với cơ quan BHYT chưa liên thông dữ liệu thường xuyên.

Bệnh viện Hương Thủy mỗi ngày có từ 300-400 người bệnh khám, điều trị, tăng 30-40% so với năm trước; trong đó, có gần 50% bệnh nhân từ tuyến xã ở Lộc Bổn, Lộc Sơn (Phú Lộc), Hương Phú, Hương Giang (Nam Đông) đến. Mệ Huỳnh Thị Thỉ, ở Lộc Bổn (Phú Lộc), nói:“Tra rồi nên đau đủ bệnh, ở xã không có phòng khám tư, không có quầy thuốc, trạm y tế xã thì toàn chích ngừa cho con nít, đi ba bốn bận mà không thấy bóng dáng bác sĩ”. Theo cách kể chuyện của mệ, trong xóm, cứ ba, bốn người “dồn bệnh” mỗi người góp 20.000 đồng thuê xe lên bệnh viện huyện khám một thể.

Khi quyền lợi bệnh nhân điều trị nội trú được mở rộng, các bệnh viện sẽ siết chặt việc xin giấy chuyển tuyến. Thế nên, chuyện người nhà bệnh nhân "làm loạn" đòi chuyển viện là chuyện thường ngày. Có những bệnh thông thường như cảm cúm, nhức đầu... bệnh viện có thể giải quyết được nhưng họ nằng nặc đòi chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Có người đã nhập viện ở tuyến trên, người nhà mới chạy về bệnh viện huyện để xin giấy chuyển viện. Có những bệnh nhân, bệnh viện huyện này không cho chuyển nhưng họ lại quen bệnh viện huyện khác thì vẫn được chuyển như thường.

Tại Bệnh viện Phú Vang, một ngày có từ 600 -800 bệnh nhân đến khám, trong đó, có khoảng 7% bệnh nhân chuyển viện. Số người tự đi ở các bệnh viện tuyến trên chiếm khoảng 50% số bệnh nhân được chuyển viện. “Mỗi đơn thuốc của tuyến dưới chỉ được phép chi từ 100 - 200 nghìn đồng thì ở BV tuyến trên chi gấp 10 lần, đương nhiên bệnh nhân thích lên tuyến trên. Nghịch lý là BV tuyến dưới đã nghèo, lại phải chi tiền BHYT cho tuyến trên”, ông Trương Như Sơn, Giám đốc Bệnh viện huyện Phú Vang dẫn chứng.

Qua kiểm tra liên ngành cho thấy, trong quá trình thông tuyến, vẫn còn nhiều bất cập, các hệ thống văn bản chuẩn bị chưa tốt, hướng dẫn thiếu đầy đủ, chồng chéo. Cơ sở vật chất kỹ thuật, điều kiện các bệnh viện, chuẩn bị chưa được đầy đủ theo đúng tinh thần của thông tuyến. Thế nên, các bệnh viện tuyến tỉnh cần tập trung phát triển kỹ thuật chuyên khoa sâu, mũi nhọn để đáp ứng kịp thời nhu cầu người bệnh khi chính sách thay đổi. Giám đốc Bệnh viện Hương Thủy, bác sĩ CKII Nguyễn Văn Vỹ cho biết: “Tiền quỹ BHYT để ở đơn vị mình nhưng người dân lại đến đơn vị khác sử dụng dịch vụ là tự "triệt tiêu" mình. Không cách nào khác, bệnh viện phải nỗ lực, nâng cao chất lượng y tế cơ sở để người tham gia BHYT có lòng tin tìm đến”.

Ông Hoàng Trọng Chính, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, lưu ý: "Người bệnh không nên lạm dụng quy định thông tuyến, đi KCB nhiều nơi, rất dễ "lợi bất cập hại". Bởi lẽ, khi công nghệ thông tin chưa thông suốt giữa các cơ sở y tế, các bác sĩ khó có thể đưa ra hướng điều trị hiệu quả nếu bệnh nhân không thông báo rõ tình hình sức khỏe, tình hình sử dụng thuốc… Sắp đến, sẽ chuẩn hóa việc một bác sĩ khám số lượng bệnh nhân nhất định trong ngày, để cán bộ y tế có thêm thời gian trò chuyện, tư vấn cho bệnh nhân. Với các bệnh viện quá đông, BHXH chắc chắn sẽ “can thiệp”.

Để tránh tình trạng lạm dụng quỹ BHYT, tránh việc người bệnh có thể đi khám một bệnh ở nhiều cơ sở y tế, BHXH tỉnh đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin trong thanh toán BHYT. Các bệnh viện sẽ được cài đặt phần mềm phân tích dữ liệu bệnh nhân. Khi bệnh nhân đi khám và trình thẻ BHYT, nhân viên y tế nhập mã và sẽ quản lý được toàn bộ quá trình KCB của người bệnh, quan trọng nhất là biết bệnh nhân được khám và điều trị những thuốc gì. Khi đó, bác sĩ sẽ không cấp lại những thuốc đã cấp mà bệnh nhân chưa sử dụng hết.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong giám định, quản lý chi phí KCB BHYT là rất quan trọng và hữu hiệu. Các ngành liên quan cần tăng cường giám định điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chi trả BHYT; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đánh giá việc chỉ định điều trị đối với người bệnh BHYT và xử phạt nghiêm các cơ sở y tế và người sử dụng thẻ BHYT cố tình lạm dụng quỹ BHYT.

Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao tặng 100 thẻ bảo hiểm y tế cho người dân huyện Nam Đông

Hoạt động trên vừa được Chi đoàn Viện kiểm sát nhân dân tỉnh phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức nhằm chào mừng 93 năm Ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và 49 năm Ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế.

Trao tặng 100 thẻ bảo hiểm y tế cho người dân huyện Nam Đông
Return to top