ClockThứ Năm, 23/09/2010 19:33

Phan Trung Thành với “Những ngày vắng em”

TTH - Cái tên Phan Trung Thành đã trở nên khá thân quen đối với những người yêu thơ không chỉ ở Thừa Thiên Huế, nơi Phan Trung Thành sinh ra, lớn lên, học tập và tốt nghiệp đại học, mà còn với cả những người yêu thơ ở mọi miền đất nước.

Tôi không quen biết Phan Trung Thành qua những dòng tiểu sử vắn tắt trong các tập thơ của anh, nhưng tôi chắc một điều: Thơ anh đã để lại nhiều cảm tình và ấn tượng trong lòng người đọc.

Sau 4 tập thơ liên tục ra đời: Vọng sông quê (NXB Trẻ 2001), Mang (NXB Trẻ 2004), Gửi Thiên thần (NXB CAND 2006), và Đồng hồ một kim (NXB Văn học 2008), đến đầu năm 2010, tập thơ thứ 5 của anh với tựa đề “Những ngày vắng em” đã ra mắt bạn đọc. Chỉ tính riêng số lượng đều đặn 2 năm ra một tập thơ như Phan Trung Thành cũng cho thấy sức lao động sáng tạo của anh thật sung mãn. Không chỉ có vậy, chất lượng nghệ thuật trong thơ của Phan Trung Thành được khẳng định qua nhiều giải thưởng thơ mà anh đã giành được: Tặng thưởng “Tác phẩm tuổi xanh” của Báo Tiền Phong năm 1998; tặng thưởng thơ hay của Tạp chí Sông Hương năm 2001-2003; Giải Huỳnh Văn Nghệ của tỉnh Bình Dương năm 2005 cho tập thơ Mang; và tặng thưởng thơ tứ tuyệt của Tạp chí Kiến thức Ngày nay năm 2009.
 
Những ngày vắng em, gồm 58 bài thơ được Phan Trung Thành chia làm 3 phần với 3 chủ đề khác nhau: Chủ đề “Những ngày vắng em” với 24 bài; chủ đề “Thưa thốt cội cành” có 15 bài; và chủ đề “Gửi miền đất qua” có 19 bài. Đáng chú ý ở mỗi một chủ đề, đều có lời đề tựa bằng hai câu thơ dứt ruột trích trong một bài thơ nằm trong chủ đề đó, nhưng lại thâu tóm được nội dung của phần này.
 

 
24 bài trong phần “Những ngày vắng em” là những âm hưởng ngọt ngào mà Thành riêng tặng cho một người có lẽ là chủ nhân của một góc kín trong trái tim đa cảm của anh. Lời đề tựa cho chủ đề “Những ngày vắng em” chỉ vỏn vẹn có 2 câu thơ trích trong bài Người bạn đường nhưng tạo nên một ấn tượng độc đáo: Trong vòng xoáy khuya khoắt tử sinh / âm vị bài ca truyền hơi ngân dài. Có thể chỉ là sự vô tình nhưng nếu vậy thì đây là sự vô tình đầy cảm thức, bởi nếu gắn 2 câu thơ này với tên chủ đề “Những ngày vắng em” sẽ tạo nên một bài thơ hoàn chỉnh, rất ấn tượng, như kiểu thơ Hai Ku của Nhật Bản, ngắn gọn và hết sức súc tích. Phan Trung Thành đã sử dụng ngôn từ rất chắt lọc và đắt, thể hiện một nỗi nhớ đến quay quắt, quặn thắt mà vẫn vô cùng dịu êm, dịu êm như một bài ca truyền hơi ngân dài! Cái độc đáo ấy trong thơ Phan Trung Thành không chỉ còn được lặp lại ở 2 chủ đề sau mà còn được thể hiện ở nhiều bài thơ khác ngay trong tập thơ này. 24 bài thơ trong phần “Những ngày vắng em” cho thấy Phan Trung Thành cũng như bất kì thi sĩ nào, trái tim chất chứa đầy yêu thương, đầy nhớ nhung và cũng không ít giận hờn, đau khổ. Khác chăng, chính là ở phong cách và giọng điệu Phan Trung Thành: Anh như ngọn gió về đâu trên mọi lối xa vắng em / cầm chiếc lá trên tay, mùa thu gọi tên người xa thẳm / có nhớ anh / có nhớ anh một ngày mong đợi (Những ngày xa vắng em);Ước chi mình làm chuông Thiên Mụ / chưa khởi ân tình vọng thấu xương” (Em tới Huế); “Điều không thể là không thể nào em / xa nhau được và lẽ nào lại thế / em băng qua nửa kia dâu bể / một nửa này một nửa riêng em” (Riêng em)...
 
Phần 2 với chủ đề “Thưa thốt cội cành” có lời đề tựa là hai câu thơ được trích từ chính bài thơ “Thưa thốt cội cành”: “Nhân sinh ai biết ai ngờ / ai ngờ ai biết bao giờ có nhau”. Hai câu thơ như một đúc kết triết lý nhân sinh ở đời, đồng thời cũng là cánh cửa mở vào khu vườn thơ “cội cành”. Đặc biệt, 4 câu thơ kết của bài thơ này càng nói rõ hơn điều đó: “Một thưa cha mẹ đôi câu / hai thưa đồng ruộng trên đầu cỏ xanh / ba thưa hoa lá cội cành / bốn thưa chớp mắt đã thành... thiên thu”. 15 bài thơ trong chủ đề “Thưa thốt cội cành” là tất cả những gì mà Phan Trung Thành viết dành tặng cho quê hương nghèo khó cùng ông bà, cha mẹ, những người dân quê chất phác mà đầy lòng nhân ái, vị tha. Hai bài thơ Dâng trà Chở mẹ đi chùa như lời tạ lỗi với cha mẹ của đứa con phiêu bạt quê người: “Mấy khi rót được chén trà / để nhìn lên phía vai cha hao gầy” (Dâng trà); “Nhọc nhằn đất thấp trời cao / Còn đôi vai mẹ vững vào giấc khuya” (Chở mẹ đi chùa). Nhưng có lẽ hay nhất, xúc động nhất trong phần “Thưa thốt cội cành” là những vần thơ Phan Trung Thành viết về bà của mình trong bài thơ Bà về với sông: Tám mươi tuổi hóa dòng sông / Bà đi thanh thản như không gọi đò / Ánh mắt đã khép âu lo / Tay không chiều vẫn nắm hờ cháu con…
 
Ở phần 3 với chủ đề “Gửi miền đất qua”, Phan Trung Thành cũng chọn 2 câu thơ trích trong bài thơ “Viết bên hòn Bỏ Áo” làm lời tựa: “Nói một câu tan trong trời đất, hay tan vào êm ái gió khuya”. Đây cũng là một câu thơ hay, vừa hiện thực vừa ẩn dụ sâu sắc. Phần 3 này dường như là một sự tri ân của Phan Trung Thành đối với những miền đất anh đã đi qua. Những bài thơ Một khúc Cà Mau, Thác số 4 Bình Long, Đêm Ninh Kiều, Nhớ Hà Nội, Cạn đêm Đà Lạt, Qua đất Thần Kinh, Tạ lỗi Phú Riềng, Viết bên hòn Bỏ Áo, Mộ Đức, Tam Giang... đều chất chứa sự hàm ơn với Đất và Người của những miền quê ấy. Những câu thơ nghe buốt lòng thương nhớ: “Mai xa Đà Lạt thật rồi / cúi xin một cánh quỳ rơi dọc đường” (Vòng đêm hồ Xuân Hương); “Loanh quanh mấy lượt vòng hồ / ngồi cỏ nhường ghế đá cho nhân tình / nguyện cầu mặt nước thêm xanh / sóng thôi lỡ nhịp chúng mình ngày xưa” (Nhắn cùng Hồ Gươm); “Ước câu thơ viết dài như gió / chấm mực trời bất tận từ em” (Bãi Ngự).
 
Gập tập thơ Những ngày vắng em của Phan Trung Thành, người đọc không thể không cảm nhận một nỗi buồn dịu nhẹ, xao xuyến. Nhiều bài thơ hay, nhiều câu thơ đắt, nhiều ý tưởng và hình tượng độc đáo. Thơ Phan Trung Thành có nhiều bài phá cách theo trào lưu thơ tự do như một sự tìm tòi, thể nghiệm và thực tế đã tạo được một nét mới đáng ghi nhận…

Nguyễn Việt Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
Return to top