ClockThứ Tư, 04/11/2020 14:15

“Phiên chợ 0 đồng” đồng hành cùng người lao động mùa lũ

TTH - Mô hình Phiên chợ “0 đồng” được duy trì thường xuyên và có hiệu quả là quá trình nỗ lực của tập thể cán bộ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP. Huế.

Phiên chợ “0 đồng” đến với người lao động khó khăn do ảnh hưởng bão lụtCây ATM gạo và "Phiên chợ 0 đồng" hỗ trợ người lao động trong mùa dịchPhiên chợ 0 đồng giúp người dân khó khăn ở Hương Thủy

Đoàn viên, người lao động mua sắm tại các gian hàng "0 đồng"

Mô hình ý nghĩa

Ngày cuối cùng của tháng 10/2020, khi hậu quả cơn bão số 9 vẫn còn hiệu hữu, những gian hàng “0 đồng” của LĐLĐ thành phố mở cửa trở lại tại trụ sở Công đoàn số 13 Lý Thường Kiệt, phường Phú Nhuận.

Đây là lần thứ 3 trong năm 2020 các gian hàng “0 đồng” trở thành “địa chỉ nhân đạo” sẻ chia với đoàn viên, người lao động mỗi khi khó khăn.

Cầm trên tay giỏ hàng với đầy đủ nhu yếu phẩm cần thiết cho gia đình, anh Đặng Văn Thông, đoàn viên Nghiệp đoàn Xích lô du lịch chia sẻ, tháng 10 vừa qua mưa bão triền miên, lại vắng khách du lịch nên thu nhập không được bao nhiêu. Cả nhà anh 4 người chủ yếu sống nhờ thu nhập của người vợ buôn bán ở chợ. Không riêng lần này, các phần quà của công đoàn đã nhiều lần giúp gia đình anh vơi bớt nỗi lo cơm áo. “Phiên chợ còn có cả sách giáo khoa và vở. Tôi tranh thủ xin vài cuốn còn thiếu cho cháu nhỏ ở nhà chứ đợt lụt vừa rồi nhà ngập nên sách vở ướt hết”, anh Thông hồ hởi khoe.

Không riêng đoàn viên các nghiệp đoàn xích lô, xe thồ, phiên chợ lần này được tổ chức với hơn 600 phiếu mua hàng miễn phí chuyển đến đoàn viên, người lao động khó khăn tại các công đoàn cơ sở trực thuộc. Mỗi người sẽ nhận được gạo, mì tôm, áo quần, sách vở cùng nhiều loại nhu yếu phẩm khác với trị giá khoảng 400 nghìn đồng/suất.

Điểm đặc biệt của "Phiên chợ 0 đồng” chính là tinh thần sẻ chia, cùng nhau vượt qua khó khăn của đoàn viên, người lao động. Mỗi người chỉ lấy những món hàng cần thiết cho gia đình và nhường phần còn lại cho các hoàn cảnh khó khăn hơn. Tuy chỉ diễn ra trong một ngày, nhưng hoàn toàn không xảy ra hiện tượng chen lấn mà ai nấy đều xếp hàng ngay ngắn đợi đến lượt.

Theo thông tin từ LĐLĐ TP. Huế, "Phiên chợ 0 đồng” được đơn vị tổ chức nhằm sẻ chia khó khăn với đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai kéo dài thời gian qua. Tất cả hàng hóa của phiên chợ được vận động từ các doanh nghiệp, tổ chức và nhà hảo tâm tài trợ, với tổng trị giá ước tính hơn 200 triệu đồng.

Gian hàng sách giáo khoa tại "Phiên chợ 0 đồng" được đông đảo đoàn viên, người lao động quan tâm

Tiếp tục nhân rộng

"Phiên chợ 0 đồng” hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bão lụt đánh dấu lần thứ 3 mô hình này được LĐLĐ thành phố triển khai. Với 2 lần trước, phiên kết hợp với ATM gạo để hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động gặp khó khăn do dịch COVID - 19.

Nổi bật là "Phiên chợ 0 đồng” diễn ra vào các ngày đầu tuần và kéo dài từ cuối tháng 8 đến giữa tháng 9 vừa qua, 1.000 phiếu nhận quà đã được LĐLĐ thành phố chuyển đến các đoàn viên, người lao động khó khăn cần giúp đỡ. Phiên chợ đã tạo được hiệu ứng truyền thông lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội và thu hút nhiều đơn vị, cá nhân tiếp sức quyên góp, hỗ trợ tiền mặt và hàng hóa.

Bà Hoàng Thị Như Thanh, Chủ tịch LĐLĐ TP. Huế cho biết, nguồn lực để tổ chức các "Phiên chợ 0 đồng” đều nhờ vào xã hội hóa mới có thể mở rộng phát triển và đa dạng hàng hóa hỗ trợ. Điều này đòi hỏi cán bộ công đoàn phải làm tốt vai trò “cầu nối” vận động, quyên góp và kết nối các nhà hảo tâm với hoàn cảnh khó khăn.

Việc vận động các doanh nghiệp và cá nhân chung tay hỗ trợ trong bối cảnh hoạt động kinh doanh sản xuất khó khăn không mấy dễ dàng, quan trọng nhất là phải tổ chức được các hoạt động ý nghĩa giúp đỡ đoàn viên, người lao động, đảm bảo đúng người, đúng đối tượng mới có thể tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng, các nhà hảo tâm.

Bà Đào Thị Mai Hường, một nhà hảo tâm thường xuyên đồng hành hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn chia sẻ, những hoạt động của Công đoàn thành phố luôn hướng đến những hoàn cảnh khó khăn với phương châm “Người thật, việc thật”, chính điều đó đã tạo dựng được niềm tin với nhiều tổ chức, cá nhân từ thiện.

Được biết, chỉ riêng "Phiên chợ 0 đồng” vừa qua, bà Hường đã hỗ trợ 6 tạ gạo, 140 thùng mì tôm, hơn 400 kg đường, hàng trăm chai dầu ăn và trực tiếp làm tình nguyện viên tận tay chuyển các phần hàng hóa hỗ trợ đến tay người lao động.

 Về định hướng phát triển của mô hình "Phiên chợ 0 đồng”, Chủ tịch LĐLĐ TP. Huế Hoàng Thị Như Thanh cho biết: “Thời gian tới, Công đoàn thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh tổ chức quyên góp, vận động để duy trì các gian hàng “0 đồng”, trở thành địa chỉ tin cậy cho những đoàn viên, người lao động gặp khó khăn”.

Bài, ảnh: Minh Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO):
Người lao động thế giới ngày càng gặp rủi ro do biến đổi khí hậu

Hơn 70% lực lượng lao động toàn cầu phải đối mặt với những rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng mỗi năm, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ngày 22/4 cho biết; đồng thời lưu ý, các chính phủ sẽ cần phải hành động khi những con số tăng lên.

Người lao động thế giới ngày càng gặp rủi ro do biến đổi khí hậu
Đồng hành với nhà đầu tư Hàn Quốc đến Huế

Hàn Quốc là một trong những nhà đầu tư lớn tại Thừa Thiên Huế. Hiện, nhiều doanh nghiệp của Hàn Quốc đã đầu tư có hiệu quả tại tỉnh. Cùng với đó, một số dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu đầu tư, hứa hẹn sẽ mở ra những cơ hội mới.

Đồng hành với nhà đầu tư Hàn Quốc đến Huế
NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐỔ XÔ RÚT BẢO HIỂM MỘT LẦN VÌ DỰ ÁN LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI SỬA ĐỔI:
Cần truyền thông sâu rộng

Thông tin từ Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi liên quan đến 2 phương án rút BHXH một lần thời gian qua khiến nhiều người lao động (NLĐ) hoang mang và đổ xô nghỉ việc để rút BHXH một lần, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.

Cần truyền thông sâu rộng
“Phao cứu sinh” cho lao động thất nghiệp

Nhờ các chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nên nhiều người lao động (NLĐ) đã vượt qua khó khăn về kinh tế, giải quyết được vấn đề việc làm để tạo thu nhập ổn định, góp phần ổn định thị trường lao động cũng như đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

“Phao cứu sinh” cho lao động thất nghiệp
Return to top