ClockThứ Bảy, 13/04/2013 06:52

Quan tâm, tạo điều kiện để phát triển Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô và đô thị Huế

TTH - Sáng 12/4, Thường trực Tỉnh ủy gồm các ông: Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Trần Thanh Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Cao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo một số ban, ngành trong tỉnh đã có buổi làm việc với Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương, do ông Đinh Văn Cương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương dẫn đầu về tình hình xây dựng và phát triển Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô và kết quả sau 4 năm thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị về “Xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020”.

Đến nay, Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô đã đầu tư 1.952,5 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật bến số 1 – Cảng Chân Mây; hạ tầng giao thông; hạ tầng kỹ thuật 3 khu tái định cư; xây dựng 3 trạm biến áp; Nhà máy nước Chân Mây công suất 6.000m3/ngày đêm; hệ thống thu gom và xử lý nước thải; Bệnh viện đa khoa Chân Mây quy mô 200 giường... Nếu như trước năm 2006, khi chưa thành lập, lượng vốn đầu tư cả thời kỳ chỉ đạt 27 triệu USD, nhưng sau khi thành lập (tháng 01-2006) đến năm 2012, Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô đã thu hút được 32 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 35.474 tỷ đồng (tương đương 2,22 USD). Đến nay, Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô có 13 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, 05 dự án đang trong quá trình xây dựng, 09 dự án đang trong quá trình hoàn thiện và 05 dự án chậm tiến độ đang lập thủ tục thu hồi. Trong đó, các dự án Khu du lịch Laguna Lang Cô; dự án mở rộng kho dầu; xây dựng hạ tầng khu công nghiệp và khu phi thuế quan; Khu du lịch Bãi Chuối; Khu nghỉ dưỡng sân golf Lăng Cô... là điểm nhấn, động lực quan trọng để Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô phát triển, thực sự trở thành vùng động lực phát triển của tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

 

Thường trực Tỉnh ủy và các đơn vị, ban, ngành của tỉnh làm việc với Ban Kinh tế Trung ương

 

Sau 4 năm thực hiện Kết luận 48 của bộ Chính trị, kinh tế cả tỉnh được duy trì ổn định và có mức tăng trưởng khá; kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội có sự đổi thay đáng kể. Hệ thống đô thị phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Mạng lưới và không gian đô thị được mở rộng theo quy hoạch. Đến nay, toàn tỉnh đã có 11 đô thị, gồm: 01 đô thị loại 1 là TP Huế; 02 đô thị loại 4 là thị xã Hương Thủy và Hương Trà; 8 thị trấn huyện lỵ và phát triển thêm 11 đô thị mới theo định hướng mô hình tập hợp đô thị di sản, văn hóa và cảnh quan, thân thiện với môi trường. Hệ thống giao thông đối nội, đối ngoại được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa xã hội đạt kết quả tốt, tiếp tục giữ vững vị trí trong tốp đầu của cả nước; an sinh xã hội được đảm bảo; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8%...

 

Hiện, Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô và quá trình thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị ở tỉnh vẫn còn những hạn chế, khó khăn. Thường trực Tỉnh ủy và Ban Quản lý Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô đưa ra một số kiến nghị, đề xuất với Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Đó là, sớm bàn giao Cảng Chân Mây – Lang Cô về cho tỉnh quản lý để đẩy mạnh việc khai thác và thu hút đầu tư3; quan tâm xây dựng Trường đào tạo nghề Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô; xúc tiến vận động vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản để đầu tư xây dựng đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2013-2015; triển khai dự án nâng cấp QL 1A đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế; dự án xây dựng hầm đường bộ Phú Gia, Phước Tượng; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hồ chứa nước Thủy Yên – Thủy Cam; nâng cấp QL 49B; xây dựng đường ven biển; cho phép Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài liên doanh đầu tư, khai thác với các đối tác nước ngoài, đáp ứng nhu cầu vận tải hiện nay; hộ trợ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA để xúc tiến đầu tư thêm ở Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô.

 

Để đạt kết quả cao hơn nữa Kết luận 48 của Bộ Chính trị, đề nghị Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ có chủ trương cho thực hiện song song 2 đề án phân loại đô thị loại 1 và đề án đưa cả tỉnh thành TP trực thuộc Trung ương; cho phép tỉnh thông qua đề án “Đưa cả tỉnh thành TP trực thuộc Trung ương” vào đầu năm 2014, tạo điều kiện để tỉnh hoàn thành hồ sơ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp cuối năm 2014; bố trí nguồn lực để triển khai đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai” và các dự án phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai; đầu tư cơ sở vật chất, hoàn thiệt các thiết chế của Đại học Huế phát triển thành Đại học Quốc gia và thành lập Đại học Quốc tế tại Huế.

 

Thay mặt Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương, ông Đinh Văn Cương đánh giá cao những nỗ lực cố gắng của Tỉnh ủy và các đơn vị, ban, ngành trong tỉnh đã không ngừng phấn đấu để phát triển Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô và thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị. Trước những kiến nghị, đề xuất của Thường trực Tỉnh ủy và ban, ngành liên quan, ông Đinh Văn Cương khẳng định: Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Ban Kinh tế Trung ương sẽ tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương để có những quyết sách, cơ chế hợp lý trong việc huy động nguồn lực, tập trung tháo gỡ những tồn tại, khó khăn hiện nay của tỉnh. Ông Đinh Văn Cương đặc biệt thống nhất cao đề xuất của tỉnh về chủ trương thực hiện song song 2 đề án phân loại đô thị loại 1 và đề án đưa cả tỉnh thành TP trực thuộc Trung ương và phát triển đô thị đặc thù theo hướng “Đô thị sinh thái, cảnh quan, di sản, văn hóa và thân thiện với môi trường”. Đây là mô hình đô thị rất phù hợp với vùng đất có Quần thể di tích Cô đô Huế và nhiều di sản văn hóa – lịch sử, cảnh quan thiên nhiên xanh – sạch – đẹp.

Anh Phong
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sáng 24/4, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự buổi họp trực tuyến với Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I, nhiệm vụ quý II năm 2024. UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

TIN MỚI

Return to top