ClockThứ Năm, 23/08/2012 04:59

Quan trọng vẫn là khán giả

TTH - Mỗi di sản văn hoá đều có không gian diễn xướng riêng biệt, gắn chủ thể sáng tạo. Sẽ khó để có thể bảo tồn và phát huy nếu tách biệt di sản đó khỏi môi trường diễn xướng nguyên thuỷ. Tuy nhiên, với nghệ thuật cung đình (NTCĐ) Huế, việc bảo tồn di sản gắn với môi trường diễn xướng không phải chuyện cứ nỗ lực là được, khi thời của nhà Nguyễn đã là quá vãng.

Nỗ lực để giữ

Huế tự hào là vùng đất không chỉ có cung điện, thành quách, lăng tẩm mà còn là Cố đô duy nhất giữ được các loại hình NTCĐ đặc sắc, gồm Nhã nhạc, múa cung đình và tuồng cung đình. Nhiều năm qua, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế đã phối hợp với các tổ chức liên quan thực hiện nhiều hoạt động như khảo sát và tư liệu hoá, đào tạo và truyền dạy, quảng bá để gìn giữ và phát huy giá trị của di sản này. Trong các hoạt động đó, đào tạo nhạc công trẻ và tập huấn nâng cao kỹ năng biểu diễn Nhã nhạc là một trong những hoạt động nhằm xây dựng những nền tảng vững chắc cho việc nghiên cứu, tư liệu hoá và truyền dạy các kỹ năng về Nhã nhạc cho thế hệ trẻ, đồng thời nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản này ở các cấp độ địa phương, quốc gia và quốc tế.

Nhân vật trong tuồng Cung đình Huế

Việc quảng bá và phát huy giá trị di sản NTCĐ Huế cũng được chú trọng để nâng cao nhận thức trong công chúng. Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế tổ chức nhiều đợt biểu diễn Nhã nhạc tại nhiều tỉnh thành trong nước nhân các sự kiện lớn của quốc gia và địa phương; tham gia các festival và chương trình giao lưu nghệ thuật tại một số quốc gia như: Pháp, Bỉ, Thuỵ Sĩ, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào… Ngoài ra, Trung tâm BTDTCĐ Huế cũng tạo điều kiện để Nhà hát thường xuyên biểu diễn, giới thiệu NTCĐ với du khách đến với quần thể di tích Cố đô tại Minh Khiêm Đường (lăng Tự Đức) và Duyệt Thị Đường (Đại Nội). Trong đó, Minh Khiêm Đường là điểm biểu diễn miễn phí với các trích đoạn tuồng Huế, còn Duyệt Thị Đường là nơi tổ chức thường xuyên 4 suất diễn/ngày để phục vụ khách du lịch khi đến với Đại Nội. Tiếc rằng đến hôm nay, chỉ còn Duyệt Thị Đường sáng đèn mỗi ngày, trong khi Minh Khiêm Đường đã được giao nhiệm vụ khác.

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế, từng tin tưởng: “Thành công lớn nhất của Nhã nhạc cung đình Huế sau khi được UNESCO công nhận Nhã nhạc đến gần hơn với công chúng qua các hoạt động biểu diễn phục vụ khách du lịch trong cũng như ngoài nước”.

Để khán giả vào cuộc

Năm 2009, trong một dịp đến Huế để giao lưu với Nhã nhạc cung đình Huế, nghệ sĩ Togi Hideki (Đoàn Nhã nhạc Nhật Bản) đã chia sẻ: “Hiện Nhã nhạc Nhật Bản đang được bảo tồn rất tốt nhưng 100 năm sau thì chưa biết thế nào. Trách nhiệm của chúng tôi không phải là phát triển mà làm thế nào để thế hệ trẻ hiểu và xem Nhã nhạc là văn hoá nằm trong tiềm thức của họ. Điều đó mới quan trọng”. Để hiện thực hoá điều này, anh nói thêm: “Theo tôi, cùng với việc bảo tồn Nhã nhạc truyền thống, nên sáng tác một dòng Nhã nhạc mới để lớp trẻ sau này có thể cảm nhận được rồi hướng họ trở về với Nhã nhạc cung đình truyền thống. Như vậy sẽ hiệu quả hơn, chứ bắt người ta nghe Nhã nhạc ngay từ đầu thì không hấp dẫn và không đạt được chiều sâu”. Thực tế, điều mà nghệ sĩ Togi Hideki chia sẻ không phải là kinh nghiệm xa lạ đối với chúng ta. GS.TSKH. Tô Ngọc Thanh từng cụ thể hoá việc thừa kế và phát huy giá trị các di sản bằng cách tổ chức nhiều buổi diễn NTCĐ Huế miễn phí thu hút công chúng và giải thích nguồn gốc, tên gọi, dòng nhạc để thính giả hiểu kỹ hơn về giá trị của những loại hình nghệ thuật đó. Đi đúng hướng này, nhiều năm qua, với sự hỗ trợ của GS. Trần Văn Khê, Trung tâm BTDTCĐ Huế đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức cho các bạn học sinh thông qua các buổi nói chuyện có minh hoạ hình ảnh và tiết mục biểu diễn về Nhã nhạc cung đình.

Theo TS. Phan Thanh Hải, một trong những vấn đề quan trọng để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá phi vật thể Huế là cần mở rộng nghiên cứu về các lễ hội cung đình của triều Nguyễn để chọn lọc phục hồi trong các dịp Festival Huế, tạo không gian và môi trường diễn xướng thường xuyên cho các loại hình NTCĐ Huế cũng quan trọng không kém. Việc này cũng được Trung tâm BTDTCĐ Huế chứng minh bằng hiệu quả của các chương trình nghệ thuật, các nghi lễ đặc sắc được phục dựng, như: Đêm Hoàng Cung, Lễ tế Giao, Lễ tế Xã Tắc, Lễ Truyền lô, Huyền thoại sông Hương, Hành trình mở cõi, Thiên hạ thái bình. Có lẽ, để xây dựng được môi trường diễn xướng thường xuyên và bền vững cho các loại hình NTCĐ Huế, ý kiến của GS. Hoàng Chương - Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc Việt Nam, về nghệ thuật tuồng là lời giải có giá trị đối với NTCĐ Huế: “Tuồng không bao giờ mất khán giả nếu chúng ta luôn có những vở tuồng hay, có những diễn viên giỏi, thanh sắc vẹn toàn. Một điều cực kỳ quan trọng nữa là phải biết mê hoặc khán giả bằng nghệ thuật tuyên truyền quảng bá tuồng. Nói tuồng hay tuồng quý là phải làm cho người ta biết nó hay ở chỗ nào, quý ở chỗ nào. Tuồng muốn tồn tại trong cuộc sống hiện nay thì phải làm song song hai việc. Một là xây dựng vở diễn thật hay, hai là tuyên truyền quảng bá nghệ thuật thật giỏi”.

Tin tưởng, nếu chúng ta thực hiện có hiệu quả việc này, chính khán giả sẽ chung sức để các loại hình NTCĐ Huế sống được trong cuộc sống hôm nay.

Đồng Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
Return to top