ClockThứ Sáu, 26/11/2021 11:37

Rình rập tai nạn đuối nước mùa mưa lạnh

TTH.VN - Cào trìa, đánh bắt thuỷ sản trên sông mùa mưa lũ luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nguy hiểm tính mạng. Ngày 23/11 đã xảy ra vụ chìm thuyền làm hai người chết tại huyện Phú Lộc.

Tìm thấy thi thể nạn nhân mất tích tại Phong ĐiềnMột người đánh cá chết đuối vì lật thuyềnMột người đánh cá chết đuối vì lật thuyền

Người dân cào trìa ở đập Cửa Lác

Bất chấp nguy hiểm

Vào chiều 23/11, tại xã Vinh Hưng (Phú Lộc), trong lúc cố gắng tiếp cận vùng đầm phá để đánh bắt thuỷ sản giữa đợt không khí lạnh, vợ chồng ông Nguyễn X. và bà Nguyễn Thị M. ở thôn Trung Hưng gặp nạn khi chiếc thuyền máy bị lật khiến cả hai chết đuối thương tâm.

Trước đó, trong đợt mưa lũ vào tối 16/10, tại phường Hương Vân (TX. Hương Trà) cũng xảy ra vụ chìm xuồng tương tự trong lúc bủa lừ làm hai vợ chồng chết đuối. Đây là bài học đối với người dân trước sự chủ quan, liều lĩnh trong đánh bắt, khai thác thuỷ sản mùa mưa, lũ.

Thời gian gần đây rộ lên nghề cào trìa trên vùng cửa Lác (Quảng Điền-Phong Điền) trong lúc mưa lạnh, nước sông đầu nguồn đổ về, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Cào trìa lâu nay được xem là một trong những nghề mưu sinh của một bộ phận ngư dân vùng sông nước. Nguồn thu nhập từ nghề này giúp nhiều hộ trang trải chi phí, sinh hoạt trong đời sống.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt ở xã Hương Phong (TP. Huế) cho rằng, ở nông thôn phải làm nhiều nghề mới có nguồn thu nhập. Ngoài trồng lúa, đánh bắt cá, chị Nguyệt cũng như nhiều hộ ở địa phương còn có thêm nghề cào trìa, mỗi ngày có thể thu nhập 200-300 ngàn đồng/người.

Tuy nhiên khi vùng hạ lưu sông Hương vào mùa mưa lũ nước dâng cao, một bộ phận người dân xã Hương Phong ngược dòng sông Hương đến vùng cửa Lác thuộc địa phận xã Quảng Thái (Quảng Điền) và xã Điền Hoà (Phong Điền) để khai thác trìa. Từ 4 giờ sáng, khi màn đêm còn dày đặc, giữa tiết trời se lạnh, chị Nguyệt cùng với hàng chục người cùng làng bất chấp nguy hiểm, vượt dòng sông Hương bằng chiếc xuồng nhỏ. Một thuyền chở 2 người, trong đó một người cầm lái, một người đứng trước mũi thuyền pha đèn pin soi đường.

Anh Đặng Duy Phụng, đồng hương chị Nguyệt thừa nhận, thật sự nguy hiểm khi hành nghề cào trìa trong mùa mưa lạnh. Nhưng vì hơn tháng nay mưa gió, thất nghiệp không có nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống nên đành liều. Việc dò đường giữa đêm tối, sông nước mênh mông, chỉ một phút bất cẩn, hay gặp vật cản, chết máy… thì nguy cơ chìm xuồng rất cao.

Sản phẩm dồi dào, nhưng nguy cơ rủi ro cao

Tuyên truyền, vận động và xử lý nghiêm

Hầu hết người dân vùng sông nước đều biết bơi nên chủ quan, thường không trang bị phao cứu sinh, không mặc áo phao trong hành trình đến vùng cửa Lác. Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Hương Phong, ông Trần Viết Chức thông tin, trước, trong và sau bão lũ, địa phương luôn tuyên truyền, yêu cầu người dân lưu tâm, không chủ quan đi lại, khai thác thuỷ sản trên sông Hương, đầm phá Tam Giang.

Điều nan giải là một bộ phận người dân vẫn chủ quan, bất chấp nguy hiểm khi khai thác trìa ở vùng cửa Lác trong những ngày không khí lạnh. Địa phương đang tiếp tục tuyên truyền, vận động, xử lý nghiêm đối với các hộ không chấp hành quy định, cố tình cào trìa, đánh bắt thuỷ sản trên sông, đầm phá Tam Giang mùa mưa lạnh.

Tại Hương Phong, nghề cào trìa mùa mưa lạnh tự phát trong năm nay. Cách đây chừng 5 năm về trước, tại xã Hương Phong từng xảy ra một số vụ lật thuyền khi khai thác thuỷ sản trên sông mùa mưa lũ. Trong đó có vụ hai vợ chồng ở thôn Vân Quật Đông chết đuối trong lúc đánh cá, để lại 5 đứa con thơ là bài học không thể nào quên.

Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, ông Phan Thanh Hùng cánh báo, nguy hiểm tính mạng, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu người dân chủ quan, đánh bắt thuỷ sản trong mùa mưa lũ. Các địa phương lưu tâm hơn nữa việc nâng cao nhận thức người dân, triển khai nghiêm túc yêu cầu của tỉnh về “tự quản tại chỗ” nhằm bảo vệ an toàn tính mạng Nhân dân trong mùa mưa lũ. Trong điều kiện mưa lạnh, tuyệt đối không cào trìa, đánh bắt cá, tôm trên sông, đầm phá.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

An toàn giao thông trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn:
Trước khi hoàn thiện hạ tầng, tài xế cần nâng cao ý thức

Liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn thời gian gần đây cho thấy, bên cạnh yếu tố hạ tầng thì ý thức của người tham gia giao thông nói chung và của “cánh tài xế” là một trong những vấn đề cần quan tâm.

Trước khi hoàn thiện hạ tầng, tài xế cần nâng cao ý thức
Rà soát toàn bộ hệ thống giao thông để hạn chế tai nạn trên cao tốc

Sau 2 vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra liên tiếp trên cao tốc 2 làn xe La Sơn – Tuý Loan (ngày 23/1/2024) và Cam Lộ - La Sơn (ngày 18/2/2024), theo lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, bên cạnh việc xác định nguyên nhân TNGT, cần làm rõ các nguyên nhân khác trên toàn bộ hệ thống gia thông để phòng ngừa, hạn chế TNGT xảy ra.

Rà soát toàn bộ hệ thống giao thông để hạn chế tai nạn trên cao tốc

TIN MỚI

Return to top