ClockThứ Năm, 28/02/2013 13:43

Sống có ý nghĩa

TTH - Đó là cụm từ mà cựu binh Hoàng Lộc ở xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc dùng giải thích cho những gì mình đã làm trong thời chiến lẫn thời bình và tự hào rằng, mình luôn xứng đáng với danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ”.

Ký ức đẹp nhất

Sau cuộc hẹn, cứ nghĩ sẽ gặp một cụ ông tuổi đã xế bóng nhưng không ngờ, đối diện tôi là một người khác hẳn. Ở tuổi 85, ông Hoàng Lộc vẫn nhanh nhẹn làm vườn, đối đáp minh mẫn. Câu chuyện của ông đưa tôi qua nhiều thăng trầm của đời một người lính, nhưng đọng lại vẫn là hình ảnh, niềm tin và nhân cách sống được vun đắp từ những lần gặp Bác Hồ.

Vợ chồng ông Hoàng Lộc

... Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, 4 anh chị em ông Lộc đều tình nguyện đi bộ đội, có 2 người là liệt sĩ. Gia đình ông từng được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng “Bảng vàng danh dự” vì những đóng góp cho cách mạng. Thong dong mở chiếc cặp đựng nhiều giấy tờ đã ố màu theo thời gian, ông ví von nó như “gia bảo” của nhà mình. Trong đó nào là huân huy chương, bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận... có thứ trên 30 năm tuổi. Ông tự hào: “Gia tài cho con cháu đây cô ạ. Nó sẽ là tấm gương để những thế hệ tiếp theo trong gia đình này biết sống một cách có ý nghĩa”.

Trao tiền hàng tháng cho trường hợp nhận bảo trợ (Ảnh chụp lại từ tư liệu của ông Hoàng Lộc)

Đi qua tháng năm binh lửa, trong đầu cựu binh Hoàng Lộc, ký ức đẹp nhất đời lính chính là những lần làm nhiệm vụ bảo vệ các cuộc hội họp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông nhớ lại: “Lúc làm cảnh vệ, bảo vệ một đại hội ở Nhà hát Lớn Hà Nội, tôi phụ trách kiểm tra những bó hoa các em học sinh tặng đại biểu, trong đó có Bác Hồ. Lần đó, phải chọn bó hoa đẹp nhất tặng Chủ tịch nước. Lần thứ hai là lúc Bác đọc tuyên ngôn độc lập. Tôi làm nhiệm vụ cảnh vệ, canh giữ ở khu vực vành đai bên dưới lễ đài. Được trực tiếp nghe Bác đọc tuyên ngôn, nghe người hỏi han nhân dân… Lúc đó, nhìn lên Bác thật vĩ đại, song lại gần gũi vô cùng. Thế giới hiếm có một vị lãnh tụ nào như Bác”. “Nhưng rứa cũng chưa vui sướng”, ông cắt đứt dòng hồi tưởng rồi vỗ tay đánh đét y hệt một người dân Nam Bộ vừa phát hiện điều tâm đắc rồi hân hoan: “Năm Bác về thăm quê, lúc đó, tui ở công an vũ trang đóng tại Vinh (Nghệ An). Cả đơn vị được lệnh ra sân bay đón Bác, riêng tui bị phân công ở nhà trực nên trong lòng hơi buồn. Đang ngồi tần ngần thì nghe tiếng còi báo động ở sân bóng (kiêm sân bay dã chiến) của đơn vị. Tôi vội chạy xách thảm trải ra giữa sân làm tín hiệu nhận biết để máy bay hạ cánh an toàn. Thế rồi nhìn vào cánh cửa trực thăng, Bác đội nón lá, cổ quàng chiếc khăn mỏng từ từ bước ra. Tim tôi đập thình thịch vì hồi hộp và mừng rỡ khi lần đầu tiên nhìn Bác ở cự ly gần. Bác đi vòng qua khu vực chăn nuôi đơn vị rồi ra cổng chính, tiến lên chiếc xe của Tỉnh ủy chờ sẵn. Lần đó thấy Người thật giản dị, muốn ôm chầm lấy Bác nhưng chợt nhớ mình đang làm nhiệm vụ, kịp kìm lòng lại”…

Học Người 4 chữ

Từng là quân y sĩ và đóng quân nhiều nơi như: Nghệ An, Hà Nội, Bình Trị Thiên, tháng 2-1980 ông rời quân ngũ, về làm Trưởng trạm Y tế xã Lộc Vĩnh, tham gia nhiều hoạt động tại địa phương. Trải qua binh lửa chiến tranh và những thăng trầm đời người, ông chọn cho mình cách sống “cho đi nhiều hơn nhận về”. “Cho là để yêu thương và cho cũng là cách tạo lập nền tảng sống cho cháu con”, ông giải thích. Đó cũng là lý do mà vợ chồng ông chung tay làm nhiều việc vì cộng đồng, như cùng đăng ký hiến tặng giác mạc; nhận bảo trợ hai trường hợp khó khăn; tiên phong đóng góp các quỹ tổ chức hội dành cho phụ nữ nghèo, thanh niên lên đường nhập ngũ, học sinh nghèo…

Ít ai biết, từ những năm đầu mới về định cư tại địa phương, ông bà khai khẩn được mảnh đất rộng làm nhà, trồng trọt. Sau đó, lại nhường cho một số gia đình chính sách, gia đình khó khăn lúc bấy giờ. Chị Nguyễn Thị Thúy (con liệt sĩ) cùng chồng là anh Trương Công Thái về dựng mái nhà mới trên thửa đất ông Lộc nhường lại năm 1991. Anh Thái kể: “Trước đây, nhà tôi ở gần cây cầu nơi chợ cũ của xã, mưa bão rất vất vả. Từ ngày về nơi ở mới, mình đỡ lo hơn nhiều và cũng chuyên tâm lập nghiệp. Mình luôn nhớ ơn tấm lòng ông mệ”!

Thu nhập từ lương hưu đủ giúp hai vợ chồng ông sống những ngày sung túc của tuổi già. Thế nhưng, nhiều người trong thôn ngạc nhiên khi thấy bà Hiền, vợ ông thi thoảng đi cào hến, hái mớ rau dại, mua mớ cá vụn. Hàng xóm hỏi, bà chỉ trả lời: “Để tiền làm việc khác!” Còn ông Lộc thì “chuyên trị” mì tôm sáng, kiêng luôn cả cà phê, bia, thuốc lá. Bạn bè đôi người thắc mắc: “Sống chi mà tiện”! Ông từ tốn: “Để tiền làm việc khác”. Việc khác của hai vợ chồng cựu binh già chính là trích lương hưu giúp đỡ người khó khăn hơn mình. Ông Lộc thỏa thuận cùng vợ tiết kiệm chi tiêu hàng ngày để làm những việc có ích. Từ năm 2009, ông Lộc nhận giúp đỡ hàng tháng cho mệ Lê Thị Chung ở thôn Cảnh Dương (chồng mất, hai con bị bại liệt); em Nguyễn Thị Mơ, học sinh Trường tiểu học Bình An (mồ côi cả cha lẫn mẹ) mỗi trường hợp 100 nghìn đồng/tháng.

Năm 2009, vợ chồng ông cùng đăng ký hiến tặng giác mạc đồng thời lập di chúc dặn dò con cháu và giải thích lý do việc mình làm. Trong đó có đoạn: Noi gương Bác dạy: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, đó là thể hiện tình thương yêu đồng bào, đồng chí chẳng may bệnh tật. Mình là đảng viên, cựu chiến binh phải gương mẫu đi đầu. Tôi tính hiến giác mạc có lợi: Về xã hội: có ích cho đời, một người hiến giác mạc cứu được hai người. Về bản thân: để lại tiếng tốt cho gia đình “hùm chết để da, người chết để tiếng”…

Buột miệng khen ông, ông xuê xoa: “Ăn thua chi con, trên ti vi còn khối người làm đường, xây trường. Ông chỉ nhớ nằm lòng lời Bác dặn, sống “Cần, kiệm, liêm, chính” để xứng đáng là một cựu binh gương mẫu và còn làm gương cho cháu con. Nhận xét về người cựu binh già luôn sống vì mọi người, ông Bùi Ngọc Ga, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh tấm tắc: “Đó là tấm gương mẫu mực và luôn đi đầu trong các hoạt động đóng góp vì cộng đồng. Mong trong cuộc sống này sẽ có nhiều người như ông Hoàng Lộc”!

Tuệ Ninh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
Return to top