ClockThứ Năm, 24/02/2011 16:29

Sự tích bài thơ “Tấm áo cũ” chưa công bố của Phùng Quán

TTH - Trước ngày giỗ nhà thơ Phùng Quán (21 tháng Chạp, Canh Dần), nhà văn Nguyễn Khắc Phê điện cho tôi: “Nghe nói giỗ anh Quán năm nay, ông tổ chức ở lăng mộ mới xây, nhớ có anh Vĩnh Mẫn bạn thiếu sinh quân của Phùng Quán sẽ về giỗ để viếng mộ luôn”. Quả thực với tôi, đời anh Quán có quá nhiều bất ngờ. Dù rất quen thân anh, nhưng tôi chưa từng nghe nói anh có một người bạn thân là đồng đội, đồng tuế trong đội trinh sát thiếu niên Vệ Quốc Đoàn đang sống ở Huế.
Chân dung Phùng Quán – Thanh Tùng chụp năm 1990

Hôm giỗ trên mộ, Huế mưa rét lắm. Chúng tôi phải che bạt để cúng. Một ông già tóc lơ phơ bạc, vóc dáng nhanh nhẹn, khỏe mạnh nhờ một cô sinh viên chở xe máy tìm đến khu mộ Phùng Quán- Bội Trâm ở vùng đồi nghĩa trang Ngoại Viên Hưng, Thủy Dương. Ông già cười cởi mở, tự giới thiệu: Mình là Vĩnh Mẫn, bạn thuở nhỏ của Phùng Quán. Giữa trời mưa rét như cắt, chúng tôi chỉ thắp nhang đứng vái trước mộ vợ chồng nhà thơ. Còn anh Vĩnh Mẫn thì dù sàn mộ mưa ướt sũng, vẫn sụp lạy bốn lạy theo đúng phong tục của Huế. Cử chỉ sụp lạy của ông già làm tôi cảm động. Vì thế mà hôm cùng nữ nhà báo Diệu Hà ở Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh (TRT) làm phim phóng sự “Ngày Xuân nhớ Phùng Quán” để phát trong dịp Tết Tân Mão, tôi đã đề nghị phỏng vấn anh Vĩnh Mẫn. Trước Tết, chúng tôi tìm đến nhà anh ở bên kia Đập Đá để làm phim. Và, một điều rất bất ngờ nữa đến với tôi. Anh Vĩnh Mẫn lục tìm trong tủ tài liệu của mình đưa cho tôi bài thơ “Tấm áo cũ” với nét chữ thân quen của Phùng Quán: “Tặng đồng đội cũ Vĩnh Mẫn – Phan Thắng- Chính ủy Cửa Việt”. Bài thơ được viết ở “Chòi ngắm sóng” bên Hồ Tây của Phùng Quán tháng 8/1984:

Tấm áo cũ tôi chia cho anh
Ba mươi năm trước
Từ ngày nhỏ dại ở chiến khu
Bây giờ tóc anh đã bạc phơ
Và tôi cũng không còn trẻ nữa !
 
Chúng ta đi suốt ba mươi năm
Dưới một trời đạn lửa
Và bao nhiêu dữ dội biến thiên
Mà tấm áo đồng đội cũ
Tôi chia cho anh
Anh không quên…
Câu chuyện về bài thơ “Tấm áo cũ” được anh Vĩnh Mẫn kể lại với tôi trong một buổi chiều bên bờ Hương Giang với nhiều tình tiết cảm động. Đầu tiên là câu chuyện gia đình anh. Vĩnh Mẫn năm nay tròn 80, anh sinh năm 1931, trước hơn Phùng Quán mấy tháng, là chắt nội của vua Hiệp Hòa. Bố anh là Hoàng thân Bửu Trác, một vị Đại thần, thống chế nhất phẩm triều đình, được coi là người kế vị ngôi vua, lại là một người kháng Pháp. Vì chống Pháp nên ông Bửu Trác đã đòi phế truất Bảo Đại khi vua Khải Định vừa trút hơi thở cuối cùng. Vì thế ông bị bắt, bị tước hết chức tước, tôn tịch, bị đày lên Lao Bảo. Sau đó ông được ân xá. Triều đình Huế mời ông ra tham chính, nhưng ông từ chối vì không thể công tác với một Triều đình bị thực dân Pháp “quản thúc”.
Phùng Quán và Vĩnh Mẫn lúc đó mới 14, 15 tuổi ở trong đội trinh sát Giải phóng Quân, sau thành Trung đoàn Trần Cao Vân 101 với hơn 20 đồng đội, hàng ngày chạy liên lạc đưa mật lệnh, tin tức chỉ huy khắp ba khu A, B, của Vệ Quốc Đoàn (A là cánh bên kia sông Hương do Trung đoàn trưởng Hà Văn Lâu phụ trách; B: mặt trận từ Morin, Bưu điện, An Cựu, cầu Trường Tiền về Đập Đá, Vĩ Dạ do anh Lê Khánh Khang phụ trách; Khu C là cánh Nam Giao, Ga Huế, Long Thọ…do anh Trần Chí Hiền, sau này là Trưởng Ban đối ngoại TW Đảng phụ trách). Chính liên lạc viên Phùng Quán là người cầm mệnh lệnh nổ súng kháng chiến đêm 19 tháng 12 năm 1946 của Mặt trận Huế từ cánh A sang cánh C. Phùng Quán và Vĩnh Mẫn thân nhau lắm, dù một người là Hoàng tộc, một người chăn trâu cắt cỏ ở làng Thủy Dương.
Nghe anh Vĩnh Mẫn kể về nguồn gốc bài thơ “Tấm áo cũ” của Phùng Quán mới thấy trong chiến tranh, tình đồng chí thật cao quý. Sau trận chiến đấu mở đầu cuộc Kháng chiến chống Pháp ở Huế 12/1946, một số thiếu niên liên lạc trinh sát được ông Hoàng Anh (lúc đó là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Thừa Thiên Huế) cho về lại gia đình. Còn một số trong đó có Phan Nghi, Vĩnh Mẫn, Phùng Quán… được giữ lại ở chiến khu Hòa Mỹ để học tập. Một lần Phùng Quán, Phan Nghi cùng một số anh em được phái về đồng bằng trong vai học sinh để trinh sát tình hình quân Pháp. Sau khi quân ta đánh trận Hồ Thành (trường Nguyễn Huệ, đường Đinh Tiên Hoàng bây giờ), quân Pháp phản công. Một số trinh sát thiếu niên bị bắt Pháp trong đó có Phan Nghi, Phùng Quán. Do các trinh sát còn nhỏ tuổi, nên địch không giam tù mà quản thúc 4 tháng ròng, bằng cách cho đi lau nhà, quét nhà, quét đường. Nhờ đó anh em liên lạc được với cơ sở bên ngoài và chị em tiểu thương ở chợ Đông Ba. Bà con bảo nhau: “Mấy đứa còn nhỏ như thế mà đã là Việt Minh đánh Pháp, giỏi thiệt”, nên họ thương lắm. Bà con cho nhiều bánh trái, gạo, cơm, áo quần. Nhờ thế những người tù trinh sát thiếu niên ấy đã gửi nhiều lương thực, quần áo tiếp tế cho chiến khu. Phùng Quán thương bạn ở chiến khu Hòa Mỹ nên đã chọn một chiếc áo sơ mi cũ, tay măng-sét, vải thô, màu vàng gửi riêng Vĩnh Mẫn. Ở chiến khu Hòa Mỹ nhưng năm đó đời sống bộ đội cơ cực lắm. Đói, thiếu quần áo. Vĩ thế mà khi nhận được tấm áo cũ Phùng Quán từ nội thành Huế gửi lên, Vĩnh Mẫn xúc động lắm. Có lẽ vì thế mà anh nhớ suốt đời. Khi kể với tôi về chiếc áo màu vàng ấy, anh bảo: “Đến giờ mình còn cảm nhận được mùi vải thơm của nó!”

Bài thơ Tấm áo cũ

Sau khi mặt trận Huế vỡ, Vĩnh Mẫn được được ra vùng tự do Nghệ An học khóa V Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, rồi được điều động “Nam tiến” vào mặt trận Miền Đông Nam Bộ; rồi sang mặt trận Cămpuchia; rồi lại về chiến trường Nam Bộ ở Sa Đéc sáu bảy năm liền.
Sau khi Vĩnh Mẫn tập kết ra Bắc, chưa có quân hàm quân hiệu gì cả, gặp Phùng Quán giữa Hoàn Kiếm, vẫn thấy Phùng Quán mặc áo trấn thủ Vệ Quốc Đoàn. Phùng Quán lúc này ở Cơ quan sinh hoạt văn nghệ Quân đội (Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội bây giờ). Vĩnh Mẫn nhắc đến “Tấm áo cũ”, hai người ôm lấy nhau rưng rưng…
Từ ngày ấy cho đến 30 năm sau họ mới gặp lại nhau. Phùng Quán trải ba mươi năm “ cá trộm-văn chui-rượu chịu”, cuộc đời đầy tai ương, đắng cay, cơ cực, nên cho đến mùa hè năm 1984, khi vợ chồng Vĩnh Mẫn - Nguyễn Thị Quế ra Hà Nội tìm đến chòi ngắm sóng thăm Phùng Quán, vợ chồng Phùng Quán - Bội Trâm rối rít làm cơm đãi khách quý là “thằng Vĩnh Mẫn”. Nhưng khi Vĩnh Mẫn nhắc đến “tấm áo cũ” thì Phùng Quán không nhớ ra. Có lẽ người nhận thì nhớ chứ người cho thì ít nhớ chăng. Cũng có thể do Phùng Quán trải quá nhiều sóng gió cuộc đời nên không còn nhớ những chi tiết vụn vặt như thế. Vĩnh Mẫn kể lại chuyện cảm động khi nhận được chiếc áo Phùng Quán gửi từ Huế lên chiến khu Hòa Mỹ, Phùng Quán mới vỗ trán thốt lên: “Nhớ rồi! Nhớ rồi!”. Thế là “hai thằng ôm nhau khóc”, làm cho hai bà vợ cũng khóc theo. Đêm ấy, sau khi chia tay vợ chồng Vĩnh Mẫn, Phùng Quán thức làm bài thơ “Tấm áo cũ” tặng người đồng đội Vĩnh Mẫn : Tôi ngồi nhìn anh / Đắm mình trong suy tưởng/ Tổ quốc ta trước bão lớn nghìn cơn / Vẫn đứng vững / Vì có hàng triệu người con như anh…
Bài thơ Phùng Quán viết năm 1984, không hiểu sao anh lại viết “Ba mươi năm trước”, vì sự việc xảy ra năm 1947. Hay là anh tính mốc hai người gặp nhau ở Hà Nội năm 1954 ? Có điều lạ là bài thơ “ Tấm áo cũ” ấy không thấy Phùng Quán cho in ở đâu, cũng không thấy trong tuyển Thơ Phùng Quán xuất bản năm 2003, sau khi anh qua đời. Có lẽ vì do anh viết xong thơ rồi xếp lẫn vào chồng di cảo nên chị Bội Trâm không tìm thấy. Năm 1986, Phùng Quán lần đầu tiên sau 40 năm mới về thăm quê hương. Nhà văn Tô Nhuận Vỹ đã dẫn anh đến Ban CK ở đường Ngô Quyền thăm anh Phan Thắng (tức Vĩnh Mẫn). Trong câu chuyện, Phùng Quán khoe là mình có làm bài thơ tặng Vĩnh Mẫn sau lần gặp nhau năm 1984, nhưng không mang theo. Hẹn sẽ gửi vào. Phùng Quán nói thế, nhưng những cuộc rượu thơ liên miên ngày tháng làm cho anh không có thời giờ để chép thơ gửi tặng bạn. Năm 1993, Vĩnh Mẫn quyết định ra Hà Nội “đòi” Phùng Quán bài thơ. Nên dưới bài thơ Phùng Quán ghi: “Hồ Tây rạng sáng hè 93”. Đó là ngày chép. Mới hay mỗi bài thơ đều có một cách tồn tại riêng. Bài thơ Tấm áo cũ không có trong tuyển Thơ Phùng Quán mà nó nằm trong lòng người bạn sinh tử của nhà thơ là Vĩnh Mẫn. Từ đó, nó đến với nhiều người. Suốt ba mươi năm / Tắm mình trong đạn lửa/ Mà tấm áo đồng đội chia cho anh/ Ba mươi năm trước/ Vẫn không quên…

Ngô Minh

TẤM ÁO CŨ
Tặng đồng đội cũ Vĩnh Mẫn
(Phan Thắng-Chính ủy Cửa Việt)
 
Tấm áo cũ tôi chia cho anh
Ba mươi năm trước
Từ ngày nhỏ dại ở chiến khu
Bây giờ tóc anh đã bạc phơ
Và tôi cũng không còn trẻ nữa !
 
Chúng ta đi suốt ba mươi năm
Dưới một trời đạn lửa
Và bao nhiêu dữ dội biến thiên
Mà tấm áo đồng đội cũ
Tôi chia cho anh
Anh vẫn không quên…
 
Tôi ngồi lặng nhìn anh
Đắm mình trong suy tưởng
Tổ Quốc ta dưới bão lớn nghìn cơn
Vẫn đứng vững
Vì có hàng triệu người con như anh !
 
Suốt ba mươi năm
Tắm mình trong đạn lửa
Mà tấm áo đồng đội chia cho anh
Ba mươi năm trước
Vẫn không quên…

 

8/1984
Hồ Tây rạng sáng hè 93
Phùng Quán
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top