ClockThứ Ba, 26/04/2016 15:39

Syria: Sản xuất nông nghiệp yếu kém, khủng hoảng lương thực thêm trầm trọng

TTH.VN - Cuộc chiến tranh ở Syria hủy hoại cơ sở hạ tầng nông nghiệp và phá vỡ hệ thống hỗ trợ nông dân của chính phủ, làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng nhân đạo ở một đất nước đang gặp khó khăn để sản xuất đủ lương thực cho chính người dân của mình.

Bất chấp cuộc đàm phán thất bại, nỗ lực cứu trợ cho Syria tăng mạnhUNICEF: Thỏa thuận ngừng bắn là cơ hội để Syria khôi phục đất nướcSyria: Một thế hệ đầy mất mát, không biết gì ngoài chiến tranh

Nông dân Syria trên một cánh đồng lúa mì ở khu vực Maarshamsha, tỉnh Idlib, Syria. Ảnh: Reuters

Tình trạng thiếu hụt lúa mì, lương thực chính của đất nước đang ngày càng trở nên xấu đi. Diện tích đất gieo trồng ngũ cốc, nguyên liệu được sử dụng để làm bánh mì và lúa mạch giảm liên tục chỉ trong năm nay, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) nói với Reuters.

Tỉnh Hasaka, phía đông bắc Syria nắm giữ gần một nửa sản lượng lúa mì của đất nước đã hứng chịu những cuộc ​​giao tranh ác liệt giữa Lực lượng dân quân người Kurd (YPG), được hỗ trợ bởi các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu để chiến đấu chống lại các phiến quân của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Cơ sở hạ tầng nông nghiệp, bao gồm các kênh thủy lợi và kho lương thực đã bị phá hủy, theo báo cáo của FAO.

Báo cáo này cũng cho hay, các cơ sở lưu trữ hạt giống của nhà nước trên toàn quốc bị hư hỏng, vì vậy những cơ sở đó chỉ phát được 1/10 trong tổng số 450.000 tấn hạt giống mà nông dân cần để gieo cấy trong mùa vụ năm nay.

Bên cạnh đó, nông dân Syria đang phải vật lộn để đưa sản phẩm của mình ra thị trường để bán và phân phối cho người dân trong nước.

Đáng chú ý, cuộc xung đột làm hư hỏng hoặc phá hủy hoàn toàn các trung tâm thu mua của nhà nước, khiến số lượng các trung tâm này giảm xuống còn 22 trong năm 2015, từ 31 trung tâm hồi năm 2014 và khoảng 140 trung tâm trước khi cuộc nội chiến nổ ra cách đây 5 năm, theo Cơ quan Chế biến Ngũ cốc và Thương mại do nhà nước Syria quản lý.

Hệ thống nông nghiệp hư hại có nghĩa là Syria phải đấu tranh để tự nuôi sống mình trong nhiều năm sau khi cuộc chiến kết thúc, cũng như rất cần viện trợ quốc tế, FAO nhấn mạnh.

Ngoài ra, cuộc chiến cũng tác động lớn đến diện tích trồng trọt; diện tích đất gieo trồng lúa mì và lúa mạch cho mùa vụ 2015-2016 đang ở mức 2,16 triệu ha, giảm từ 2,38 triệu ha trong mùa vụ trước và 3,125 triệu ha trong năm 2010 trước khi cuộc chiến xảy ra, theo báo cáo của FAO.

"Những gì chúng ta cần quan tâm không phải là những con số dao động từ năm đến năm khác, mà đó là xu hướng giảm tổng thể đáng lo ngại", bà Eriko Hibi, đại diện của FAO tại Syria khẳng định.

Phụ thuộc vào lượng mưa

Sự thiếu hụt lúa mì ngày càng gia tăng là đòn giáng mạnh lên một đất nước có dân số khoảng 22 triệu người trước khi cuộc nội chiến xảy ra, nhưng hơn 250.000 người đã bị thiệt mạng và hàng triệu người trở thành người tị nạn.

Năm ngoái, nông dân Syria chỉ bán được hơn 450.000 tấn lúa mì, một phần nhỏ trong tổng số 1-1,5 triệu tấn được cho là cần thiết để cung cấp đủ bánh mì cho các khu vực do chính phủ nước này kiểm soát, nguồn tin từ chính phủ và các thương nhân cho hay.

Ngược lại, trước cuộc xung đột, Syria có thể sản xuất 4 triệu tấn lúa mì trong một năm, với khoảng 2,5 triệu tấn thuộc về nhà nước và sản lượng dư thừa sẽ được xuất khẩu.

Liên Hiệp Quốc trong một báo cáo hồi tháng 1/2016 nói rằng, nhiều người dân Syria đang trong tình trạng đói khát ở những khu vực bị bao vây dưới sự kiểm soát của lực lượng nổi dậy hoặc IS, nơi có ít nhất 400.000 người dân.

Faisal Hejji, một nông dân ở thị trấn Ras al-Ain, tỉnh Hasaka chia sẻ: "Chiến tranh đã làm cho chúng tôi mất rất nhiều vật tư nông nghiệp và nguyên liệu đầu vào cần thiết để chế biến lương thực và khi chúng tôi phải mua chúng, chúng lại rất đắt tiền. Ngoài ra, chúng tôi đang phụ thuộc nhiều vào lượng mưa, chứ không phải chỉ là những phương pháp tưới tiêu khác”.

Tình trạng mất an ninh

Theo FAO, hoàn cảnh của ông Hejji là trường hợp điển hình của người nông dân trên khắp đất nước Syria. Trong đó ước tính vào năm ngoái, thâm hụt lúa mì của Syria năm 2015 giữ mức khoảng 800.000 tấn. Thâm hụt có thể gia tăng mỗi năm nên nông dân tiếp tục không được tiếp cận với vật tư nông nghiệp và thị trường, báo cáo nói thêm.

"Nhiều nông dân không muốn phải di dời hoặc từ bỏ đất đai của họ, họ muốn ở lại đến chừng nào họ có thể và để làm được điều đó, họ phải có khả năng sản xuất thực phẩm", bà Eriko Hibi nói.

Bà Eriko Hibi cho biết thêm, vẫn còn quá sớm để nói về vụ lúa mì năm nay sẽ được gì, vì nó phụ thuộc vào thời tiết. Trước đó, nông dân Syria hưởng lợi từ lượng mưa tốt nhất trong một thập niên hồi năm ngoái và thu hoạch khoảng 2,4 triệu tấn lúa mì, tốt hơn nhiều so với năm hạn hán trước đó nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình trước chiến tranh khoảng 40%.

"Tôi đi đến các trung tâm thu mua của chính phủ ở Hasaka hoặc Qamishli để bán lúa mì và tôi giữ lại một số lượng nhỏ cho tôi và gia đình của tôi. Một số nông dân bán lúa mì của họ cho những người trung gian, nhưng các thương nhân này cuối cùng cũng bán lại cho trung tâm thu mua của chính phủ”, nông dân Hejji nói.

Việc vận chuyển lúa mì và các thực phẩm khác từ tỉnh này sang tỉnh khác là rất khó khăn vì tình trạng thiếu an ninh. "Tôi đã nhìn thấy rất nhiều trái cây tươi lãng phí ở một số khu vực, trong khi những người ở rất gần đó đã không thể nhìn thấy trái cây tươi trong nhiều năm”, bà Hibi cho hay.

Lê Thảo (Lược dịch từ Reuters & Globalheadlines)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Làm nông khép kín - bền & xanh

Khái niệm làm nông theo kiểu "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" trong thời buổi hiện nay đã không còn phù hợp, thậm chí được xem là lạc hậu. Thay vào đó là làm nông "khép kín", ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, canh tác theo hướng công nghệ cao.

Làm nông khép kín - bền  xanh
WFP: Khủng hoảng nạn đói toàn cầu khiến hơn 700 triệu người không biết khi nào mới có ăn

Cuộc khủng hoảng nạn đói toàn cầu đã khiến hơn 700 triệu người hiện vẫn chưa biết khi nào mới “có ăn” trở lại, nhất là khi nhu cầu về thực phẩm đang tăng lên không ngừng và nguồn tài trợ nhân đạo đang cạn kiệt, Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) Cindy McCain cho biết.

WFP Khủng hoảng nạn đói toàn cầu khiến hơn 700 triệu người không biết khi nào mới có ăn
Bước tiến mới trong nông nghiệp

Sau những năm tháng thăng trầm của chiến tranh, biến cố thiên tai, dịch họa, sản xuất nông nghiệp Thừa Thiên Huế đang có những bước phát triển khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt bình quân 3%/năm.

Bước tiến mới trong nông nghiệp
Ngân hàng Thế giới: Động đất gây thiệt hại 5,1 tỷ USD tại Syria

Ngân hàng Thế giới ngày 3/3 cho biết trận động đất nghiêm trọng và các đợt dư chấn tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hồi tháng trước đã gây ra thiệt hại vật chất trực tiếp lên đến khoảng 5,1 tỷ USD ở Syria, làm tăng thêm nhiều khó khăn cho quốc gia vốn đã bị chiến tranh tàn phá này.

Ngân hàng Thế giới Động đất gây thiệt hại 5,1 tỷ USD tại Syria
Return to top