ClockThứ Bảy, 21/06/2014 20:46

Tạo mỹ quan và an toàn cho người đi đường

TTH - Chỉnh trang lại hệ thống cây xanh trên địa bàn TP Huế là việc làm cấp thiết, nhất là khi mùa mưa bão sắp về.

Nhiều cây hỏng gốc, xiêu vẹo

Gốc cây hỏng và tán vươn ra đường, ẩn họa mối nguy cho người tham gia giao thông

Đường Lê Lợi rợp mát bóng cây long não. Đoạn trước Trường đại học Sư phạm Huế có hơn chục cây dễ chừng tuổi thọ từ vài chục đến cả trăm năm. Có cây đường kính hai người ôm không xuể. Tán rộng, cành vươn cao nên dù có trưa nắng, người đi đường không hề thấy oi bức. Đây cũng là tuyến đường được đánh giá có hai hàng cây đều và khá đẹp tại Huế. Song, do tuổi thọ cao nên có một số cây có biểu hiện hỏng gốc. Có cây gốc hở sâu hoắm, có thể nhìn thấy ruột bên trong. Có cây gốc gần như bong tróc. Đặc biệt trước trụ sở UBND tỉnh, phía bên trong phần gốc hầu như mục, nát hoàn toàn. Phía bên ngoài, cành uốn bổ ra đường Lê Lợi, với chiều cao khoảng 2,5m. Có nhánh vươn ra lòng đường đã được Trung tâm Công viên cây xanh cắt tỉa. Xong, nếu những loại xe lớn, khi đi qua đây mà không tránh chắc chắn sẽ đụng trần và thùng xe. Một thời gian ngắn, Huế sẽ vào mùa mưa. Nếu cây này không được xử lý sớm, khó tránh khỏi việc ngã đổ.

Đường Phan Chu Trinh tuy lượng cây xanh không nhiều nhưng có khá nhiều cây cổ thụ, đặc biệt là một số cây đa, cây đề hàng trăm năm tuổi cho bóng mát tỏa khắp một đoạn đường dài. Song, do chưa uốn nắn, cộng với việc chỉnh trang, mở rộng đường, bờ kè nên có một số cây nằm sát lòng đường, che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông, dễ gây tai nạn, nhất là đoạn từ Điện Biên Phủ đến Nguyễn Trường Tộ.
Ở các tuyến khác, như: Đinh Tiên Hoàng, Lê Huân, Đặng Thái Thân… hệ thống cây xanh khá lộn xộn, không theo một mô típ, chủng loại cụ thể nào. Bởi, ngoài những loại cây mà đơn vị quản lý trồng thì đa phần người dân trồng thêm một số loại cây theo sở thích, như cây bàng, trứng cá, bằng lăng. Hay như đường Nguyễn Công Trứ, dù chỉ một đoạn ngắn từ chợ Cống đến đường Lê Lợi có hàng chục cây xen kẽ vừa bàng, vừa trứng cá, vừa bằng lăng, cây cao, cây thấp, cây thẳng, cây uốn lượn...
Chỉnh trang là cần thiết
Hư hỏng, siêu vẹo, không có đặc trưng là những tồn tại của hệ thống cây xanh TP Huế. Do đó, Trung tâm Công viên Cây xanh, đơn vị có nhiệm vụ chăm sóc, quản lý đang trình UBND TP Huế dự án chỉnh trang, nâng cấp hệ thống cây xanh TP Huế, giai đoạn 2014-2016. Nếu được chấp thuận, Trung tâm Công viên cây xanh tiến hành nâng cấp, thay thế, chỉnh trang, uốn nắn khoảng gần 1.000 cây xanh ở các tuyến đường Lê Duẩn, Hùng Vương, Bến Nghé, Lê Lợi, Lê Huân… Đó là chuyện nếu được TP chấp thuận và cấp kinh phí. Còn trước mắt, với nguồn kinh phí phân bổ hàng năm, Trung tâm Công viên Cây xanh phải cân nhắc kỹ từng hạng mục đầu tư mới đảm bảo yêu cầu vừa tôn tạo cảnh quan, vừa chăm sóc cho cây phát triển, vừa cắt tỉa, bón phân, giữ cho cây sinh tồn. Song, nguồn kinh phí lớn nhất vẫn dành cho việc trồng mới cây xanh, bởi hiện lượng cây xanh trên địa bàn TP Huế đang bị thiếu hụt, càng ngày càng có nhiều cây lâu năm bị đốn hạ do quá trình đô thị hóa. Chỉnh trang lại hệ thống cây xanh vẫn là bài toán khó.

Đường Lê Lợi có khá nhiều cây rỗng ruột, hỏng gốc

 
Việc thay mới hoàn toàn hệ thống cây xanh ở một số tuyến đường cũng là vấn đề được đặt ra. Trước Festival 2014, Trung tâm Công viên Cây xanh thay thế toàn bộ hai hàng cây thông thiên tại đường 23-8 bằng 70 cây sứ đại, nhất là đoạn trước Đại Nội. Theo những người làm công tác chuyên môn, cây thông thiên rất độc, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người. Thay thế loại cây độc này bằng những cây sứ đại có đường kính 15-20cm, cao 3,5-4,5m, với màu hoa hồng đỏ rực rỡ là việc làm kịp thời của Trung tâm Công viên Cây xanh được bạn bè, khách du lịch và cả báo chí khen ngợi.
Gần đây, dư luận càng quan tâm hơn tới việc trồng cây so đo cam ở đường Lý Thường Kiệt, khi mà nhiều nơi trên thế giới đã khuyến cáo không nên trồng loại cây ngoại lai có tính chất hủy diệt này. Theo ông Lê Văn Ty, Trưởng phòng Kế hoạch - Kinh doanh vật tư Trung tâm Công viên Cây xanh, đơn vị đã sớm nhận thấy tác hại của cây so đo cam nên đã đề xuất phương án thay thế bằng cây giáng hương, chỉ giữ lại một số cây ở ngã tư để tạo điểm nhấn cho đường phố, hoặc là di chuyển toàn bộ những cây bằng lăng đã có trước đây về trồng lại tại đường Lý Thường Kiệt. Nếu cả hai phương án trên vẫn không được chấp nhận thì Trung tâm Công viên Cây xanh sẽ đề xuất phương án trồng cây muồng hoa đào. Đây là giống cây có hoa khá đẹp, tán lá rộng và nhanh cho bóng mát.
Qua trao đổi với một số nhà nghiên cứu về cây xanh TP Huế, chúng tôi thấy rằng việc thay thế hoàn toàn hệ thống cây so đo cam ở đường Lý Thường Kiệt bằng một loại cây mới không độc hại và không có tính hủy diệt là việc làm cấp thiết. Việc chỉnh trang lại hệ thống cây xanh cũng là việc nên làm từ bây giờ, bởi dù không thể cắt tỉa, thay thế cây trong mùa hè, nhưng cũng không nên để đến mùa đông khi mưa bão ập đến mới tiến hành cắt tỉa, những cây không đảm bảo độ bám trụ sẽ khó đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
Bài, ảnh: Tâm Huệ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sáng 24/4, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự buổi họp trực tuyến với Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I, nhiệm vụ quý II năm 2024. UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Return to top