ClockThứ Sáu, 18/09/2020 07:30

Tạo nghề cho lao động thất nghiệp

TTH - Do ảnh hưởng của đại dịch COVID - 19, số lao động bị mất việc làm đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) tăng hơn 76% so cùng kỳ. Để giúp đối tượng này sớm quay lại thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh tích cực giới thiệu, cung cấp thông tin việc làm và tổ chức dạy nghề, định hướng chuyển đổi nghề.

Giới trẻ ASEAN đối mặt với nỗi lo thất nghiệp tăng caoĐiều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệpHọc nghề hướng đến công việc ổn định

Dạy nghề may cho người hưởng TCTN và đối tượng xã hội để giúp sớm có cơ hội tìm việc, chuyển việc

“Chìa khoá” tìm việc mới

 Tác động của dịch COVID -19 khiến nhiều công ty bị giảm đơn hàng, các nhà hàng, khách sạn, ngành dịch vụ vắng khách dẫn đến hàng nghìn người lao động bị mất việc. Theo thống kê của Trung tâm DVVL tỉnh, số lượng nộp hồ sơ hưởng TCTN 8 tháng đầu năm 2020 là 9.038 người, tăng 76% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, có 8.099 người có quyết định hưởng TCTN. Nhiều lao động thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn tập trung nộp hồ sơ nhiều nhất vào tháng 4 và 5/2020 với khoảng 2.000 người/tháng và các tháng còn lại bình quân 1.000 người.

Số lượng lao động nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch tập trung ở các ngành: dịch vụ lưu trú và ăn uống; công nghiệp, chế biến và chế tạo (may mặc); giáo dục đào tạo; vận tải...

Ông Nguyễn Duy Thông, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, nhằm giúp người lao động chuyển đổi nghề nghiệp, sớm có cơ hội tìm việc làm mới, công tác hỗ trợ học nghề nằm trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được trung tâm chú trọng thực hiện. Đến nay, trung tâm đã tổ chức đào tạo hàng chục khoá học nghề như: may, kỹ thuật chế biến món ăn và vệ sinh an toàn thực phẩm... Riêng từ đầu năm đến nay, đơn vị đã dạy nghề cho 183 người đang hưởng TCTN và 35 người là đối tượng xã hội. Ngoài ra, để làm phong phú thêm các lớp nghề, đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động, trung tâm đã chủ động liên kết với một số đơn vị đào tạo chuyên nghiệp, uy tín, doanh nghiệp, hội phụ nữ để tạo điều kiện cho lao động hưởng TCTN học nghề như: lái xe ô tô hạng B2 trở lên, công nghệ thông tin, xử lý hình ảnh, chăm sóc sắc đẹp và một số ngành nghề khác mà xã hội có nhu cầu.

Sau khi học xong, phần lớn các lao động đều có được việc làm. Trong đó, 100% người học nghề may có việc; 70-80% người học lái xe, nấu ăn... đều tự tạo được việc làm. Chị Phương Nguyên, đang theo học lớp nấu ăn tại trung tâm chia sẻ: “Tuy gắn bó hơn 7 năm với Công ty MTV Đại gia đình chuyên bán các sản phẩm massage, nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên mình cũng nằm trong danh sách tạm cho nghỉ việc không lương. Trong thời gian hưởng TCTN với mức 2,9 triệu đồng/tháng và được trung tâm tư vấn cho học nghề, mình tham gia khóa học “Kỹ thuật chế biến món ăn, vệ sinh an toàn thực phẩm”. Sở dĩ mình chọn học nghề này vì rất thiết thực cho gia đình và phù hợp, dễ dàng tìm công việc tạm thời liên quan đến ẩm thực như kinh doanh nhà hàng, quán ăn, nấu tiệc cưới hỏi, sinh nhật hoặc bán đồ ăn online”.

Kết nối nhu cầu, thị trường lao động

 Cùng với hỗ trợ đào tạo nghề, công tác thông tin, giới thiệu việc làm cho người lao động hưởng chính sách BHTN là giải pháp cơ bản nhằm giúp người thất nghiệp sớm quay lại thị trường lao động, nhanh chóng ổn định cuộc sống. Nhất là trong giai đoạn khó khăn chung, để giảm một phần gánh nặng cho người lao động mất việc, Trung tâm DVVL đã triển khai đảm bảo 100% người lao động đến đăng ký hưởng TCTN đều được tư vấn về chính sách BHTN, tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí và hỗ trợ học nghề miễn phí theo quy định.

Từ đầu năm đến nay, tuy tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng bằng các biện pháp để đảm bảo phòng dịch, trung tâm đã tư vấn việc làm, nghề, chính sách cho 19.514 lượt người và đã giới thiệu việc làm thành công cho 1.144 người.

Theo đánh giá của Trung tâm DVVL tỉnh, nếu so với trước đây, kết quả tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động thất nghiệp vẫn chưa cao. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của các đợt dịch, thị trường lao động chưa hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu của người lao động. Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm trong nước và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng bị ảnh hưởng do các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động.

Sắp tới, Trung tâm DVVL tỉnh tiếp tục đẩy mạnh song hành nhiệm vụ tìm kiếm, kết nối nhu cầu thị trường lao động trong, ngoài nước và tổ chức đào tạo nghề cho lao động hưởng TCTN và lao động xã hội. Qua đó góp phần vừa nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, được giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống; đồng thời giúp người lao động chuyển nghề để sớm có việc làm, có thu nhập ổn định cuộc sống, khắc phục khó khăn do dịch COVID-19.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Thông báo tuyển dụng lao động đợt 1 năm 2024

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế (Agribank chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế) thông báo tuyển dụng lao động đợt 1...

Thông báo tuyển dụng lao động đợt 1 năm 2024
Phát động Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động và Tháng công nhân

Sáng 24/4, tại Khu công nghiệp huyện Phong Điền, Hội đồng An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tỉnh phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân năm 2024 với chủ đề "Tăng cường đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng" và Tháng Công nhân với chủ đề "Đoàn kết công nhân - Triển khai Nghị quyết".

Phát động Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động và Tháng công nhân
Lồng ghép các chương trình, nguồn lực giảm nghèo bền vững

Chiều 23/4, UBND tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết giữa kỳ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh (gọi tắt Chương trình), đồng thời đưa ra những giải pháp giảm nghèo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế trong thời gian đến.

Lồng ghép các chương trình, nguồn lực giảm nghèo bền vững
Xây dựng môi trường lao động an toàn

Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong lao động, sản xuất được doanh nghiệp (DN), các cấp công đoàn chủ động thực hiện nhằm hạn chế tối đa mọi rủi ro gây ra.

Xây dựng môi trường lao động an toàn

TIN MỚI

Return to top