ClockThứ Tư, 18/04/2012 10:09

Tập trung xây dựng Trường đại học Khoa học thành đại học đa ngành, chất lượng cao

TTH - Kỷ niệm 55 ngày thành lập Trường đại học Khoa học Huế, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Văn Tận, Hiệu trưởng nhà trường. Nói về quá trình hình thành và phát triển của trường, PGS.TS Nguyễn Văn Tận cho biết:

Trường đại học Khoa học (ĐHKH) tiền thân là Ban Văn khoa và Ban Toán học đại cương thuộc Viện Đại học Huế, được thành lập ngày 1/3/1957. Do xu thế phát triển xã hội, ngày 21/2/1959, Trường ĐHKH được thành lập trên cơ sở Ban Toán học Đại cương và Trường ĐH Văn khoa được thành lập trên cơ sở Ban Văn khoa. Giảng đường chính của Trường ĐHKH và ÐH Văn khoa lúc này đặt tại 30 Lê Lợi, Huế (giảng đường C). Nhiệm vụ cụ thể là đào tạo những giảng viên chuyên khoa (còn gọi là giáo sư chuyên khoa) phục vụ công tác nghiên cứu và giảng dạy đại học, đào tạo nhân lực cho các cơ sở giáo dục miền Trung. Đội ngũ giảng viên ban đầu được đào tạo ở nước ngoài với số lượng hết sức ít ỏi. Về sau được tăng cường trên cơ sở giữ sinh viên (SV) tốt nghiệp loại giỏi và mời giáo sư người Việt từ nước ngoài về và từ Sài Gòn ra. Ngoài việc đào tạo chuyên môn cho các ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội - nhân văn, lúc này trường còn cấp Chứng chỉ dự bị các môn lý, hóa, sinh cho SV muốn vào học Đại học Y khoa Huế.

Trong giai đoạn này giảng đường C là nơi hội tụ của phong trào SV Đại học Huế nói chung và SV Trường ĐHKH và ĐH Văn khoa nói riêng. Tại đây, đã diễn ra nhiều hội thảo, diễn thuyết, đêm thơ, nhạc “Hát cho đồng bào tôi nghe”, “Những đêm không ngủ”... cũng là nơi xuất phát điểm cho các cuộc đấu tranh, biểu tình chống lại ách thống trị của Mỹ ngụy.

Giai đoạn 1976-1994 cũng là một bước tiến tiêu biểu trong con đường phát triển của trường, ông nhận định gì về điều này?

Sau khi thống nhất đất nước, ngày 27/10/1976, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định đổi tên trường thành Trường đại học Tổng hợp (ĐHTH) Huế trực thuộc Bộ DDại học và THCN. Giai đoạn này trường chỉ có 3 khoa ghép là toán - lý, hóa - sinh - địa và văn - sử. Năm 1978, các khoa tại chức, ngoại ngữ cùng Bộ môn Mác Lênin và thể dục - Quân sự được thành lập. Đội ngũ cán bộ giảng dạy lúc bấy giờ đã trên 100 người, trong đó cán bộ có trình độ trên đại học chỉ khoảng 10 người, chủ yếu từ các trường miền Bắc chuyển vào. Nhưng với tinh thần trách nhiệm trước đất nước và nhân dân, nhà trường đã đảm nhận đào tạo tốt nghiệp khóa chuyển tiếp cho 440 SV của Viện Đại học Huế. Đồng thời tích cực chuẩn bị tuyển sinh hệ chính quy, để đào tạo đa ngành phục vụ cho thời kỳ phát triển mới theo chiến lược cải cách giáo dục đại học. Giai đoạn từ 1976 đến 1994 là giai đoạn phản ảnh sự thăng trầm trong lịch sử xây dựng và phát triển nhà trường. Nhưng các thế hệ thầy, cô giáo và SV nhà trường không những hoàn thành tốt chương trình, kế hoạch đào tạo mà còn đạt được những thành tựu trong lĩnh vực NCKH. Đây cũng là giai đoạn đặt nền móng cho sự phát triển đi lên vững chắc của nhà trường sau này.

Ông có thể nói thêm về Trường trong quá trình hội nhập và phát triển?

Năm 1994, Trường ĐHTH Huế đổi tên thành trường ĐHKH thuộc Đại học Huế. Đây là thời điểm đánh dấu một giai đoạn mới trong lịch sử hình thành, xây dựng và phát triển của nhà trường nhằm bắt kịp yêu cầu đổi mới trong đào tạo đại học và sau đại học của đất nước và khu vực. Giai đoạn này trường cũng phát triển lên 13 khoa, 5 trung tâm nghiên cứu và đào tạo, 6 phòng chức năng, và 1 trung tâm thông tin thư viện với 437 nhân lực, trong đó CBGD 326 (25 PGS, 78 tiến sĩ, 161 thạc sĩ, 101 GVC, CVC), hàng chục cán bộ đang nghiên cứu sinh, học cao học trong và ngoài nước. Với đội ngũ này, Trường ĐHKH Huế đã trở thành địa chỉ tin cậy về đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao trên lĩnh vực khoa học cơ bản, khoa học kỹ thuật, công nghệ và khoa học xã hội, nhân văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, mà trực tiếp là các tỉnh thuộc khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Bên cạnh đó, từ yêu cầu thực tiễn, từ năm 1995, trường tuyển sinh khối chuyên phổ thông các môn toán, văn, hóa và sinh. Trong đào tạo đại học, trên cơ sở các ngành truyền thống, trường tiếp tục mở thêm các ngành kiến trúc, báo chí truyền thông, công tác xã hội, đông phương học, công nghệ sinh học, công nghệ kỹ thuật điện tử truyền thông, môi trường, xã hội học, hán nôm, ngôn ngữ, địa chất công trình và địa chất thủy văn.

Thưa ông, vậy định hướng phát triển những năm sắp tới của trường như thế nào?

Chúng tôi tự hào khi quy mô và ngành nghề đào tạo của trường phát triển cân đối, vững chắc, chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao, uy tín của nhà trường được củng cố và được dư luận xã hội đánh giá cao. Đây là nền tảng để trường tiếp tục khẳng định vị trí đào tạo khoa học cơ bản uy tín của khu vực.

Một trong những mục tiêu mà chúng tôi theo đuổi là làm tất cả để tạo tiền đề cho việc xây dựng Trường ĐHKH Huế thành trường ĐH chất lượng cao, góp phần phục vụ đắc lực sự nghiệp CNH-HĐH đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Xin cám ơn ông.

Hương Giang (thực hiện)

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tuyển sinh Đại học 2024: Thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển từ ngày 18/7

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành văn bản gửi các đại học, học viện, trường đại học; các trường sĩ quan có đào tạo trình độ đại học; các trường cao đẳng tuyển sinh ngành Giáo dục Mầm non; các Sở Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non.

Tuyển sinh Đại học 2024 Thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển từ ngày 18 7
Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12

Trong hai ngày 16 và 17/4, tất cả học sinh lớp 12 trên toàn tỉnh tham gia làm bài thi khảo sát theo đề chung, được tổ chức như kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây được xem là bước khảo sát kiến thức trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12

TIN MỚI

Return to top