ClockThứ Năm, 27/10/2016 20:58
BẾ MẠC HỘI NGHỊ TỈNH ỦY LẦN THỨ 5, KHÓA XV:

Thay đổi cách làm, cách nghĩ để phát triển du lịch

TTH - Giảm nghèo phải bền vững

Khai mạc Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 5, khóa XV

Các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết để phát triển du lịch; xóa nghèo bền vững

Vì sao doanh thu du lịch, thời gian lưu trú của khách và mức chi tiêu bình quân thấp so với các tỉnh, thành phố trong vùng du lịch; sản phẩm du lịch và chất lượng các dịch vụ chưa hấp dẫn; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh cao, thiếu tính bền vững… là những vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến vào nội dung hai Tờ trình của Tỉnh ủy về phát triển du lịch, dịch vụ Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016 – 2020; giảm nghèo bền vững Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016 - 2020 tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 5, khóa XV tổ chức sáng 27/10. Các ông: Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Thanh Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Cao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Du lịch chững lại, nguy cơ tái nghèo cao

Khai mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu nhấn mạnh, nhiều năm qua, bức tranh du lịch Thừa Thiên Huế có những chuyển biến tích cực.Tổng lượt khách du lịch đến Huế tăng bình quân hàng năm 10%. Tuy nhiên, hiện nay ngành du lịch tỉnh đang có dấu hiệu chững lại. Về thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, những năm qua, các cấp, các ngành, địa phương đã quan tâm chỉ đạo, huy động nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 11,16% năm 2010 xuống còn 4,1% năm 2015. Tuy vậy, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững; nguy cơ tái nghèo cao; chưa phát huy các nguồn lực trong dân; vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Giảm nghèo bền vững là một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm

Thay đổi cách nghĩ, cách làm du lịch

Tại phiên thảo luận tổ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà đặt vấn đề, năm 1990 nhiều tỉnh, thành phố đến học tập kinh nghiệm về du lịch của tỉnh, nhưng càng ngày chúng ta càng bị tụt hậu. Vì vậy, hôm nay chúng ta phải tập trung thảo luận để làm rõ, vì sao như vậy. Theo ông Hồ Quang Minh, Bí thư Huyện ủy Quảng Điền, chúng ta chưa chọn được đối tượng du lịch đến với Huế là ai. Cần phân tích đối tượng để xem “thượng đế” cần gì ở Huế. Một vấn đề nữa, chúng ta cũng cần xác định, nhìn nhận rõ hơn, đầu tư hơn nữa các sản phẩm du lịch. Du lịch tâm linh là thế mạnh, chúng ta cũng cần phải tính đến. Đến lúc cũng phải nghĩ đến việc du lịch lăng tẩm chỉ là quảng bá, giới thiệu di sản của cha ông để lại, chứ không nhất thiết chỉ thu tiền. Từ đó, giới thiệu các điểm du lịch khác các vùng miền khác trong toàn tỉnh.

Các ý kiến khác cho rằng, cần thực hiện hiệu quả quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh. Quan tâm giải quyết tốt các mối quan hệ giữa phát triển du lịch với phát triển công nghiệp, nông nghiệp, gắn với văn hóa và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường. Theo ông Lê Thanh Hải, Bí thư Huyện ủy Phú Vang, tiềm năng du lịch nhiều, nhưng vẫn tụt hậu so với các tỉnh khác. Dù đã ra nhiều nghị quyết từ tỉnh đến cơ sở, nhưng bức tranh du lịch vẫn chưa sáng. Nguyên nhân do cách thức chỉ đạo của chúng ta chưa bài bản, thống nhất. Cần đánh giá lại kết quả thực hiện, cái nào được, cái nào chưa được, quy trách nhiệm rõ ràng. Hầu như du lịch, dịch vụ mới chỉ tính toán ở các vùng lõi, vùng trung tâm, vùng di sản, chưa có sự phối hơp với Nhân dân. Cơ quan chuyên trách tham mưu về du lịch cũng còn bất cập, đề nghị cần thống nhất từ cấp tỉnh đến địa phương để tham mưu cho tỉnh phát triển du lịch, dịch vụ tốt hơn trong thời gian tới.

Chất lượng nguồn nhân lực du lịch Thừa Thiên Huế chưa cao, cung cách phục vụ chưa chuyên nghiệp, nghiệp vụ còn yếu, vì sao vậy? Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP. Huế nêu rõ nguyên nhân do không có cơ chế rõ ràng, dẫn đến việc không huy động được sự tham gia các nhà đầu tư về du lịch, dịch vụ. Để làm được việc này, cần có quy định rõ, cụ thể hơn để các nhà đầu tư, nhà quản lý có điều kiện thuận lợi đến với tỉnh. Ví như, chúng ta có cho khai thác du lịch tâm linh hay không, làm như thế nào? Thực tế, có một số chính sách và nhiệm vụ trong phát triển du lịch, dịch vụ ở tỉnh cần xem lại. Cách làm du lịch làm như hiện nay chưa hiệu quả, phải khuyến khích hài hòa giữa chủ thể người làm du lịch và quản lý du lịch, gắn quyền lợi với người dân. Quản lý Nhà nước về dịch vụ du lịch cũng phải có sự thay đổi cơ bản, không ôm đồm mà giao việc, có sự phân cấp để quản lý. Hiện nay, tình trạng đeo bám, ăn xin, cò mồi, nhũng nhiễu du khách vẫn còn, cũng cần thiết phải thành lập cảnh sát du lịch để lập lại trật tự an toàn ở môi trường này.

Ông Trần Ngọc Nam, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ nêu ý kiến, cần nhìn nhận một cách thực tế rằng, phải hướng tới đối tượng nào để phục vụ mới mong nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Cùng quan điểm, ông  Phan Thiên Định, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, tỉnh không nhất thiết đặt ra mục tiêu nằm trong tốp đầu phát triển du lịch của cả nước mà cần tập trung phát  triển sản phẩm du lịch chất lượng, chứ không phát triển phân tán. Có như vậy mới thu hút được đối tác chiến lược đầu tư vào du lịch.

Trăn trở làm sao để nâng cao hiệu quả kinh tế du lịch của tỉnh, ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch chia sẻ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch cũng là một giải pháp quan trọng, bởi chất lượng nguồn nhân lực du lịch hiện nay không cao; chưa có nhiều chuyên gia trong quản trị khách sạn, quảng bá xúc tiến đầu tư. Với ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, thế mạnh du lịch của tỉnh vẫn là du lịch di sản văn hóa. Để phát triển du lịch cần phải có sự liên kết giữa các đơn vị lữ hành, đồng thời tăng cường công tác quảng bá điểm đến. Phải thay đổi bằng được ý thức người dân, cán bộ công chức trong các cơ quan đơn vị về giữ gìn, xây dựng môi trường du lịch.

Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất

Đa số các ý kiến đồng tình với 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp tại Tờ trình của Tỉnh ủy liên quan đến giảm nghèo bền vững Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016 – 2020. Có ý kiến cho rằng, giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo, cận nghèo là giải pháp quan trọng hàng đầu.

Ông  Lê Hữu Hùng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh đề xuất, cần tập trung đầu tư để tạo diện mạo mới cho đô thị Huế. Bổ sung các cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Lâu nay, các doanh nghiệp vẫn e dè đầu tư vào khu vực nông thôn. Cần hỗ trợ trọn gói tài chính cho các địa phương, nâng cao tính chủ động của địa phương đầu tư cho giảm nghèo; tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Ông Trần Xuân Bình, Bí thư Huyện ủy Nam Đông đề xuất, xóa đói giảm nghèo tuy có chuyển biến, nhưng ở vùng sâu vùng xa, nguy cơ tái nghèo cao. Một trong những nguyên nhân chính là thiếu đất sản xuất, cần rà soát lại công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh. Tăng cường bảo vệ rừng, trồng rừng, kết hợp sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người dân.

Một số ý kiến khác cho rằng, phải gắn công tác giảm nghèo bền vững với xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường để đạt kết quả cao nhất. Cần tăng cường nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng cho các địa phương; các nguồn vốn ưu tiên cho các hộ nghèo. Theo ông Nguyễn Đại Vui, Bí thư Huyện ủy Phong Điền, việc thực hiện công tác giảm nghèo phải có địa chỉ cụ thể, có phương án bao tiêu sản phẩm của hộ nghèo sản xuất ra. Bên cạnh đó là một số ý kiến khác về việc cần tiếp tục hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số để sớm thoát nghèo. Trong đó, tiếp tục rà soát quỹ đất của các nông – lâm trường quốc doanh để giao lại cho các địa phương.

Trước các ý kiến thảo luận, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu đã tiếp thu, giải trình và làm rõ thêm một số vấn đề mà các đại biểu quan tâm. Kết luận bế mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu yêu cầu các cấp ủy viên, bí thư cấp ủy, người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị phải xây dựng ngay chương trình hành động cụ thể; trong đó, xác định những công việc trọng tâm và chủ yếu để tổ chức chỉ đạo thực hiện quyết liệt, gắn nghị quyết về du lịch, giảm nghèo bền vững. Khắc phục ngay thái độ làm việc cầm chừng, đủng đỉnh, nhũng nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân. Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý cần thực hiện tốt nhiệm vụ chi tiền bồi thường sự cố môi trường biển; đẩy mạnh giải phóng mặt bằng; rà soát nhiệm vụ trọng tâm 2016; triển khai sâu rộng Chỉ thị 05 về học Bác; rà soát công tác phòng, chống lụt bão...

ANH PHONG – ĐỨC QUANG 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Du lịch trở lại “đường đua”, đẩy nhanh trao đổi khách hai chiều

Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024, bằng giai đoạn “hoàng kim” năm 2019. Thừa Thiên Huế là một trong địa phương có thế mạnh về du lịch. Để góp phần đưa du lịch Việt Nam tăng tốc trên “đường đua”, du lịch Cố đô cần tận dụng những điều kiện thuận lợi, nhất là hợp tác thúc đẩy trao đổi khách du lịch giữa Việt Nam và các nước.

Du lịch trở lại “đường đua”, đẩy nhanh trao đổi khách hai chiều
Doanh nghiệp du lịch 'khóa sổ' tour đi Điện Biên

Theo đại diện các công ty du lịch tại TP Hồ Chí Minh, nhu cầu đi du lịch Điện Biên trong dịp Lễ 30/4 và 1/5 nhân kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) đang tăng cao và các đường tour du lịch đến Điện Biên hiện đã kín chỗ. Vì vậy, hầu hết các công ty du lịch đã có thông báo ngưng nhận khách.

Doanh nghiệp du lịch khóa sổ tour đi Điện Biên
Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống hưởng thụ và chi tiêu cho trải nghiệm của con người ngày càng cao, chính vì vậy thay vì du lịch đơn thuần, nhiều người lựa chọn hình thức du lịch nghỉ dưỡng kết hợp cùng các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Đây là cơ hội cho du lịch Huế.

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

TIN MỚI

Return to top