ClockThứ Ba, 10/01/2012 14:17

Thay đổi nhận thức về công tác duy tu bảo dưỡng đường giao thông

TTH - Hiện nay, việc duy tu bảo dưỡng hệ thống giao thông, nhất là đường bộ vẫn còn khá lạc hậu, chủ yếu là chắp vá.

Nhiều lần làm việc với Công ty Quản lý đường bộ Thừa Thiên Huế và được nghe cán bộ của công ty này giải thích vì sao việc sửa chữa đường sá thường được thực hiện không kịp thời là do thiếu kinh phí, cụ thể là việc phân bổ kinh phí được thực hiện theo từng km đường có chi phí mỗi năm rất thấp, không đủ để duy tu bảo dưỡng đường xuống cấp. Qua tìm hiểu chúng tôi còn được biết, chưa kể chi phí ca máy, phương tiện, thiết bị thì khoản chi phí bảo dưỡng thường xuyên dành trả cho nhân công chiếm trên 60%. Thực tế này đã và đang biến việc duy tu đường bộ trở thành công trường thủ công. Công tác sửa chữa, duy tu định kỳ rất đặc thù song lại quản lý như đối với xây dựng cơ bản thủ tục mất rất nhiều thời gian, thanh toán theo khối lượng nên không khuyến khích việc ngăn chặn hư hỏng, hư hỏng không được ngăn chặn kịp thời, khối lượng phát sinh lớn. Việc kiểm tra kiểm soát khó do không có tiêu chí chất lượng, không có chế tài xử phạt. Điều này khiến hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ luôn trong tình trạng xuống cấp, điều kiện làm việc và đời sống công nhân đường bộ rất khó khăn.

Cần có kế hoạch bảo trì thường xuyên mới hạn chế đường xuống cấp. Ảnh: TQ

Theo thống kê của Sở giao thông Vận tải Thừa Thiên Huế chỉ trong hơn 1 tháng qua, do ảnh hưởng thời tiết đã có hàng chục tuyến đường đã xuống cấp trầm trọng, cụ thể các đường xuống cấp tập trung nhiều ở khu vực Nội thành như Ông Ích Khiêm, Tôn Thất Thiệp, Lương Ngọc Quyến, Thái Phiên, Thánh Gióng, Tuệ Tĩnh... Các tuyến đường khác như Trần Quang Khải, Nguyễn Công Trứ, Điện Biên Phủ, Lê Ngô Cát, Trần Phú, Duy Tân, Đặng Huy Trứ.. cũng trong tình trạng tương tự xuống cấp. Mặt cầu Phú Xuân chỉ sau gần 2 năm sửa chữa, nâng cấp trong những ngày này đã lại xuống cấp trầm trọng, gây khó khăn cho việc lưu thông.

Để thay đổi thực trạng này, Nhà nước và ngành giao thông cần có những công việc cụ thể, hướng tới mục tiêu chung là đổi mới toàn diện quản lý bảo trì đường bộ tiến tới hiện đại hóa. Trước hết, cần đổi mới công tác tổ chức phương thức quản lý; xây dựng hệ thống thông tin quản lý cơ sở hạ tầng được mã hóa, cập nhật thường xuyên; đổi mới công tác lập kế hoạch, lập kế hoạch dựa trên công tác quản lý hệ thống; khuyến khích áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại vào công tác quản lý bảo trì đường sá. Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu, đưa ra áp dụng hệ thống văn bản quản lý Nhà nước chuyên ngành phù hợp. Nghiên cứu áp dụng cách thức tổ chức quản lý cho phù hợp, có định hướng lâu dài và từng giai đoạn, từng khu vực khác nhau cũng nên có sự điều chỉnh cho phù hợp. Ngành giao thông cũng cần xây dựng hệ thống thông tin quản lý và cập nhật thường xuyên thông tin các cầu, đường và mặt đường, nghiên cứu và triển khai theo lộ trình kế hoạch đấu thầu quản lý bảo trì đường bộ theo mục tiêu chất lượng. Đó là việc làm cần thiết để hạn chế tình trạng hạ tầng giao thông bị xuống cấp nhanh chóng và bảo đảm an toàn giao thông cho người và phương tiện.

Thanh Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sáng 24/4, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự buổi họp trực tuyến với Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I, nhiệm vụ quý II năm 2024. UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

TIN MỚI

Return to top