Mối quan hệ EU - Ấn Độ đang được thắt chặt trước các mối quan tâm chung. Ảnh minh hoạ: Vietnambiz
Trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm COVID-19 ở Ấn Độ ngày càng nghiêm trọng, Thủ tướng Narendra Modi buộc phải hủy bỏ kế hoạch bay đến Bồ Đào Nha để đàm phán trực tiếp với đại diện các nước EU. Tuy nhiên, khối 27 quốc gia vẫn quyết tâm tận dụng động lực trong mối quan hệ ngày càng chặt chẽ hơn giữa Ấn Độ và EU trước các mối quan tâm chung của cả 2 bên.
Theo AFP, các nước EU đã gửi các lô hàng viện trợ bao gồm thiết bị y tế và thuốc men trị giá ước tính khoảng 120 triệu USD tới Ấn Độ như một phần trong các nỗ lực quốc tế nhằm giúp nước này chống lại những tác động nghiêm trọng mà COVID-19 gây ra.
Trọng tâm về đại dịch COVID-19 tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới là đảm bảo cả EU và Ấn Độ - hai nhà sản xuất vaccine hàng đầu thế giới, có thể duy trì nguồn cung vaccine toàn cầu, cũng như cố gắng lên kế hoạch hợp tác để cùng nhau đối phó với đại dịch trong tương lai.
Một quan chức cấp cao của EU nói rằng hai bên cần cùng nhau tiếp tục nỗ lực để tăng cường sản xuất, đảm bảo nguồn nguyên liệu thô cần thiết và giữ cho chuỗi cung ứng mở. Hai bên cũng cam kết hợp tác để chuẩn bị và ứng phó tốt hơn với các tình huống khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu, bao gồm cả việc củng cố và cải tổ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Được biết, Thủ tướng Modi dự kiến kêu gọi EU từ bỏ quyền sáng chế đối với vaccine COVID-19. Tuy nhiên, Đức đã dội một “gáo nước lạnh” vào những nỗ lực này bằng cách yêu cầu bảo hộ bằng sáng chế phải được duy trì trong khi các công ty dược phẩm tăng cường sản xuất.
Mặc dù đại dịch COVID-19 đang “phủ bóng” lên hội nghị thượng đỉnh sắp tới giữa Ấn Độ và EU, nhưng một vấn đề quan trọng khác cũng rất được mong đợi là việc khởi động lại các cuộc đàm phán về một hiệp định thương mại tự do đã bị đình trệ từ năm 2013.
Vốn đã bắt đầu từ 18 năm trước, các cuộc đàm phán đã bị tạm dừng cách đây 8 năm sau khi bế tắc trước các vấn đề bao gồm cắt giảm thuế quan và quyền tiếp cận của lao động Ấn Độ tới châu Âu. Theo AFP, hiện vẫn còn phải xem liệu Ấn Độ có sẵn sàng từ bỏ một cách tiếp cận được EU coi là theo chủ nghĩa bảo hộ sâu sắc để ký kết thoả thuận trong vòng đàm phán lần này hay không.
Một quan chức của khối EU nhận định rằng sẽ không dễ dàng và nhanh chóng để đạt được hiệp định, tuy nhiên những căng thẳng đang gia tăng với Trung Quốc có thể tạo ra động lực mới cho các cuộc đàm phán giữa 2 bên.
Về phần mình, Ấn Độ cũng đã quyết định đầu tư nhiều hơn vào quan hệ với EU, một phần do sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc và Brexit, khiến New Delhi không còn coi London là điểm tiếp cận duy nhất của mình vào châu Âu, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết.
Việc Anh rời khỏi khối cũng tạo ra một tình huống mới khi London có các động thái riêng để tăng cường quan hệ thương mại với Ấn Độ.
Tuần trước, Chính phủ Anh tuyên bố sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán tự do chính thức với Ấn Độ vào cuối năm nay sau khi hai bên nhất trí sẽ thúc đẩy thương mại và đầu tư.
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ AFP)