Thế giới

Ấn Độ thắt chặt xuất khẩu gạo, đe dọa giá lương thực toàn cầu

ClockChủ Nhật, 27/08/2023 21:16
TTH.VN - Để đảm bảo an ninh lương thực trong nước, Ấn Độ đang ngày càng hạn chế hơn đối với việc xuất khẩu gạo. Động thái này của nước xuất khẩu gạo hàng đầu có khả năng sẽ tiếp tục siết chặt nguồn cung ngũ cốc toàn cầu, đồng thời làm tăng giá gạo trên thế giới.

Dự trữ gạo Ấn Độ gấp 3 lần mục tiêu, giảm lo ngại về nguồn cungFAO: Thỏa thuận Biển Đen sụp đổ làm tăng giá lương thực toàn cầu tháng 7Ấn Độ cấm xuất khẩu loại gạo chủ lực

 Ấn Độ áp thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ, khiến gạo trở nên đắt đỏ hơn đối với nhiều nước nhập khẩu. Ảnh: Daijiworld 

Theo thông báo mới nhất của Bộ Tài chính Ấn Độ, Chính phủ đã bắt đầu đánh thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ (parboiled rice), có hiệu lực  từ ngày 25/8. Được biết, gạo đồ là loại gạo thu được từ thóc được ngâm nước nóng hoặc sấy trong hơi nước rồi phơi khô, sau đó mới được gia công chế biến qua các công đoạn như xay, xát, đánh bóng. Quá trình đồ gạo thúc đẩy các chất dinh dưỡng từ cám đi vào bên trong hạt, làm tăng giá trị dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin B1, và thay đổi kết cấu của cơm. Một số nhà hàng thường sử dụng gạo đồ vì nó đã được làm sạch và dễ nấu.

Trước đó, Ấn Độ cũng đã hạn chế xuất khẩu tất cả các loại gạo non-basmati – loại gạo hạt dài chiếm khoảng 80% tổng lượng gạo xuất khẩu của nước này. Thị phần của nước này trong thương mại gạo toàn cầu là khoảng 40%.

Vào đầu tháng này, giá gạo châu Á đã tăng lên mức cao nhất trong gần 15 năm qua và có thể tăng cao hơn nữa, làm tăng chi phí cho các nhà nhập khẩu như Philippines và một số quốc gia châu Phi. Theo các nhà phân tích, các biện pháp bảo hộ gần đây của Ấn Độ phù hợp với những nỗ lực tích cực nhằm hạ nhiệt giá thực phẩm nội địa trước thềm cuộc tổng tuyển cử vào đầu năm tới, khi Thủ tướng Narendra Modi sẽ tranh cử nhiệm kỳ thứ ba.

“Với động thái này, giá (gạo) trong nước sẽ giảm và điều đó sẽ giúp Chính phủ kiểm soát lạm phát lương thực…”, ông BV Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo cho biết. “Tuy nhiên, giá toàn cầu sẽ tăng và người mua sẽ phải chấp nhận mức tăng này. Cũng sẽ có những cuộc đàm phán lại giữa người mua và người bán về một số hợp đồng”, ông nói thêm.

Gạo là lương thực chính của khoảng một nửa dân số thế giới, trong đó người dân châu Á tiêu thụ khoảng 90% nguồn cung toàn cầu. Các biện pháp hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ được đưa ra vào thời điểm giá lương thực vẫn đang tăng cao do cuộc xung đột ở Ukraine và thời tiết bất ổn trên khắp thế giới, đe dọa nguồn cung ngũ cốc và các loại hạt chứa dầu. Giữa bối cảnh đó, có những lo ngại rằng động thái của Ấn Độ nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong nước sẽ ảnh hưởng đến một số quốc gia nghèo hơn vốn vẫn đang phải vật lộn để phục hồi sau cuộc suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra.

Theo Bloomberg, gạo đồ chiếm khoảng 1/3 tổng lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ. Quốc gia này đã cấm xuất khẩu gạo tấm và gạo trắng non-basmati, hạn chế xuất khẩu lúa mì và đường, đồng thời hạn chế đầu cơ một số loại cây trồng. Ấn Độ cũng đang xem xét bãi bỏ thuế nhập khẩu 40% đối với lúa mì và sẽ bán cà chua, hành tây và ngũ cốc từ kho dự trữ nhà nước để cải thiện nguồn cung trong nước.

Cũng theo thông báo của Bộ Tài chính Ấn Độ, trong khi thuế đối với gạo đồ có hiệu lực từ ngày 25/8, các nhà xuất khẩu có thư tín dụng hợp lệ trước thời điểm lệnh của Chính phủ được ban hành sẽ vẫn được phép vận chuyển ngũ cốc.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Bloomberg)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ấn Độ giới thiệu mũ bảo hiểm có điều hòa cho cảnh sát giao thông

Mới đây, các sở cảnh sát ở nhiều bang của Ấn Độ đã giới thiệu mũ bảo hiểm có điều hòa nhiệt độ cho cảnh sát giao thông, qua đó hỗ trợ lực lượng làm nhiệm vụ trên đường có thể thoải mái hơn trong bối cảnh nắng nóng đang hoành hành trên khắp đất nước.

Ấn Độ giới thiệu mũ bảo hiểm có điều hòa cho cảnh sát giao thông
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF):
Lạm phát tiếp tục giảm trong năm 2024, nhưng chưa hoàn toàn bị đánh bại

Lạm phát đang giảm nhanh hơn dự kiến nhưng vẫn chưa bị đánh bại hoàn toàn, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva ngày 11/4 cho biết; đồng thời kêu gọi các ngân hàng trung ương điều chỉnh một cách cẩn thận các quyết định về cắt giảm lãi suất dựa trên các dữ liệu sắp tới.

Lạm phát tiếp tục giảm trong năm 2024, nhưng chưa hoàn toàn bị đánh bại
ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng vững chắc giữa nhiều bất ổn bên ngoài

Trong Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) tháng 4/2024 vừa được công bố hôm nay (10/4), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã giữ nguyên dự báo tăng trưởng năm 2024 đối với Việt Nam được đưa ra trước đó, bất chấp những bất ổn kéo dài từ môi trường bên ngoài. Cụ thể, ADB kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng lần lượt ở mức 6% và 6,2% vào năm 2024 và 2025.

ADB Kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng vững chắc giữa nhiều bất ổn bên ngoài
Return to top