Tiến bộ công nghệ mở rộng sản lượng kinh tế và tăng phúc lợi bằng cách nâng cao năng suất. Ảnh: Financial Tribune
Công nghệ mới thay đổi các kỹ năng cần thiết của lực lượng lao động và có thể gây ra thất nghiệp, trong bối cảnh một số công ty thu hẹp hoặc đóng cửa. Theo các tổ chức tài chính phát triển quốc tế, những người có trình độ thấp hơn sẽ có mức tăng lương thấp hơn, gia tăng bất bình đẳng về thu nhập.
Theo đó, Chính phủ Lào cần giải quyết những thách thức này bằng cách bảo đảm người lao động được bảo vệ từ những mặt trái của các công nghệ mới và có thể khai thác được những cơ hội mới mà chúng mang lại, ADB lưu ý trong một báo cáo gần đây.
Mặc dù Chính phủ nước này đã chú trọng hơn trong việc phát triển kỹ năng lao động và cải tiến hệ thống giáo dục để hội nhập trong khu vực và quốc tế, nhưng phần lớn người dân địa phương ở vùng sâu vùng xa vẫn cần sự hỗ trợ, chuyên gia quản lý công thuộc ADB, ông Rattanatay Luanglatbandith bình luận.
Các công nghệ mới thúc đẩy năng suất cao hơn, nền tảng cho các công việc được trả lương tốt hơn và tăng trưởng kinh tế, nhưng ADB lo ngại điều đó có thể dẫn đến sự mất việc làm rộng rãi.
Chính phủ cũng nên sử dụng các công nghệ mới trong giáo dục và phát triển kỹ năng để cung cấp các dịch vụ công như những chương trình bảo vệ xã hội; đồng thời hỗ trợ các công nghệ mới cũng phải đem lại lợi ích cho người dân, bảo vệ quyền lợi và bảo mật của họ.
Thay đổi công nghệ và tăng trưởng kinh tế tạo ra những ngành nghề mới, nhiều ngành nghề mới nổi lên trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, cũng như các loại việc làm mới sẽ xuất hiện trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, tài chính, bảo hiểm, bất động sản và những dịch vụ kinh doanh khác.
Thế nhưng, nhiều người dân địa phương vẫn chưa được tiếp cận với giáo dục bậc cao (sau phổ thông) và một số lượng lớn lực lượng lao động chưa đạt các tiêu chuẩn quốc tế, ông Rattanatay nói thêm.
Ông Rattanatay cũng nhấn mạnh, hầu hết sinh viên Lào có xu hướng theo học các lĩnh vực thiếu nhu cầu thị trường lao động trong nước, đặc biệt là ngành quản trị, ngân hàng và tài chính; trong khi đó, tuyển sinh cho các ngành kỹ thuật và nông nghiệp lại thấp.
Vấn đề này khiến người dân Lào thiếu lao động có trình độ và kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng và nông nghiệp, mặc dù phần lớn dân số sống phụ thuộc vào nông nghiệp.
Một số lượng lớn lao động Lào hiện đang đến các quốc gia láng giềng để tìm việc làm vì nhiều lý do khác nhau, đặc biệt là tìm kiếm việc có lương cao hơn. Chính vì thế, quốc gia này sẽ phải đối mặt với một thách thức lớn trong tương lai, nếu lao động Lào không được tiếp cận đào tạo đầy đủ để đi theo các công nghệ mới và tăng trưởng kinh tế.
Song, các công nghệ mới thường chỉ tự động hóa một số nhiệm vụ, bởi bất kỳ loại máy móc hay công nghệ nào vẫn cần có người lao động để hỗ trợ.
Cũng theo ADB, những tiến bộ về công nghệ đã và đang làm chuyển đổi thị trường lao động 2 tỷ người châu Á, giúp tạo ra 30 triệu việc làm hàng năm trong ngành công nghiệp và dịch vụ trong suốt 25 năm qua, làm tăng năng suất và tiền lương và giảm nghèo.
Thanh Ngân (Lược dịch từ Vientiane Times & ANN)