Lá cờ ASEAN bên cạnh quốc kỳ 10 quốc gia thành viên. Ảnh: Diplomatic Courier
Thế kỷ ASEAN
Cựu Bộ trưởng Tài chính Philippines Roberto de Ocampo nhận định, các quốc gia ASEAN đã thực hiện chiến lược kinh tế theo định hướng xuất khẩu và trở thành những “con hổ kinh tế”. Bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á, các nhà kinh tế và nhà bình luận vẫn dự đoán sự xuất hiện của “Thế kỷ châu Á - ASEAN”.
Thứ nhất, ASEAN nắm giữ một hệ thống tài chính vững mạnh và được công nhận trên toàn cầu. Sự ít phụ thuộc hơn vào phương Tây bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, qua đó khu vực đã học được bài học quan trọng về việc cần hạn chế phụ thuộc vào phương Tây. Ngoài ra, sự hình thành của thị trường trái phiếu châu Á và sự công nhận gần đây của đồng nhân dân tệ Trung Quốc như một đồng tiền dự trữ quốc tế là những yếu tố quan trọng để xây dựng tài chính châu Á.
Thứ hai là sự phát triển rộng khắp của cơ sở hạ tầng. ASEAN đã đưa ra Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN gồm 15 dự án ưu tiên, trong đó có mạng lưới đường cao tốc ASEAN, tuyến đường sắt Singapore - Côn Minh, hành lang băng thông rộng ASEAN...
Thứ ba là hiệp định nội châu Á về các thỏa thuận an ninh liên quan đến những điểm nóng như Triều Tiên và biển Đông.
Thứ tư là sự phát triển hơn nữa của cộng đồng thương mại châu Á. Mô hình Liên minh châu Âu (EU) với thương mại và biên giới mở là một mô hình tốt để hướng đến. Cộng đồng kinh tế ASEAN và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực là đầu vào tích cực để hình thành một cộng đồng thương mại, dựa trên thị trường có 60% dân số thế giới.
Nếu những tiến bộ theo định hướng này tiếp tục được thực hiện, thế kỷ này sẽ thực sự là một “Thế kỷ châu Á - ASEAN”. Ngay cả khi khu vực đang phải đối mặt với những thách thức đang gia tăng như đô thị hóa, cạnh tranh về tài nguyên thiên nhiên, sự gia tăng không thể tránh khỏi của tầng lớp trung lưu và cuộc cách mạng công nghệ, ASEAN sẽ là một phần không thể tách rời của “Thế kỷ châu Á”, duy trì hòa bình và ổn định trong 50 năm qua và đạt mục tiêu tăng trưởng mong muốn.
Thách thức lớn nhất
Tuy nhiên, Đại sứ Singapore Tommy Koh cho rằng, thách thức lớn nhất đối với ASEAN là giữ vững sự thống nhất.
Khi hỏi về những thách thức trong dự đoán ASEAN có thể sẽ phải đối mặt, ông Koh khẳng định đó là khi các cường quốc cạnh tranh gay gắt hơn với nhau để gây ảnh hưởng trong khu vực...
“Vậy làm sao ASEAN vẫn có thể độc lập và trung lập? Chúng ta có sự khôn ngoan để tránh bị hút vào quỹ đạo của bất kỳ một cường quốc nào và duy trì trung lập và độc lập không? Nếu có thể, chúng ta sẽ tiếp tục là một kênh đáng giá của các tổ chức và diễn đàn khu vực”, Đại sứ Singapore nói thêm.
LÊ THẢO
(Tổng hợp và lược dịch từ The Straits Times, Asia News Network & Philippine Daily Inquirer)