Mở ra cơ hội
Bộ Công thương Singapore (MTI) cho biết trong một tuyên bố, kết quả đạt được ngày 23/1 “tái khẳng định cam kết chung của các quốc gia thành viên CPTPP đối với tự do hóa thương mại và hội nhập khu vực sâu rộng hơn”.
Các Bộ trưởng Thương mại và đại biểu đến từ những thành viên còn lại của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tham dự một cuộc họp trong Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng. Ảnh: Reuters
Trong một động thái liên quan, nhà kinh tế học Trường đại học Waseda, ông Shujiro Urata dự báo mức tăng trưởng 0,9% đối với nền kinh tế Nhật Bản một khi CPTPP đi vào hiệu lực; đồng thời khẳng định đây "không phải là một con số nhỏ" đối với nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, nơi đang tăng trưởng trung bình khoảng 1%/năm.
Ông Urata nói thêm: "Cơ hội kinh doanh gia tăng đối với các doanh nghiệp Nhật Bản ở những thị trường nước ngoài, cũng như rào cản đầu tư nước ngoài được giảm bớt sẽ mở ra cánh cửa cho một thị trường nội địa đang đối mặt với sự sụt giảm dân số và nhân khẩu học lão hóa".
Tuy nhiên, bà Agathe L'Homme, nhà phân tích đến từ bộ phận nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU) thuộc tạp chí kinh tế The Economist cho rằng, những tác động của CPTPP sẽ không được cảm nhận cho đến những năm 2020.
Singapore cũng có thể sẽ gặt hái được những lợi ích từ thoả thuận này, sau khi thoả thuận có hiệu lực, mặc dù quốc gia này đã có các hiệp ước thương mại tự do với tất cả quốc gia thành viên CPTPP, ngoại trừ Canada và Mexico.
Những quốc gia khác trong nhóm TPP-11 là Australia, Brunei, Chile, Malaysia, New Zealand, Peru và Việt Nam.
Ý nghĩa to lớn
Nhà kinh tế học cao cấp của tổ chức nghiên cứu DBS, ông Irvin Seah nhận định, CPTPP có ý nghĩa quan trọng bởi hiệp định này chứa đựng nhiều cam kết hơn các thỏa thuận song phương, bao gồm cả những vấn đề vô hình như môi trường và lao động.
Ông Seah lưu ý: "Tăng trưởng mạnh mẽ hơn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho các quốc gia phụ thuộc vào thương mại, như Singapore. Thế giới đang chứng kiến sự hồi phục đồng bộ, bất kỳ sự thương mại tự do hóa nào ở quy mô như vậy chắc chắn sẽ là một điều có lợi cho tất cả mọi người".
Nhà kinh tế học thuộc ngân hàng OCBC, bà Selena Ling nói thêm, hiệp định CPTPP có thể tạo đà cho các cuộc đàm phán về những hiệp định thương mại đa phương khác như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Bên cạnh đó, theo Tiến sĩ Urata, các điều khoản của CPTPP có thể là một hình mẫu cho những Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong tương lai, bao gồm cả RCEP gồm 16 quốc gia thành viên.
Cuối cùng, CPTPP cũng có thể là một bước tiến hướng tới Khu vực mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP), một mục tiêu dài hạn nhằm kết nối các nền kinh tế vành đai Thái Bình Dương từ Trung Quốc sang Chile, bao gồm cả Mỹ.
"Đối với tăng trưởng kinh tế, một môi trường kinh doanh minh bạch, mở cửa và công bằng là yếu tố cần thiết. Về mặt này, CPTPP sẽ đóng góp rất lớn, đồng thời thực hiện vai trò của một đê chắn sóng chống lại những đợt sóng của chủ nghĩa bảo hộ", Tiến sĩ Urata nhấn mạnh.
Cũng trong một tuyên bố ngày 23/1, Nhật Bản và Singapore khẳng định, các thành viên CPTPP sẽ "giữ cánh cửa mở" đối với những lãnh thổ tiềm năng khác muốn tham gia vào hiệp ước sau khi nó có hiệu lực.
Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Philippines và Đài Loan đã bày tỏ sự quan tâm vào việc tham gia. Trong khi đó, vẫn có hy vọng cho rằng, Mỹ cuối cùng sẽ được thuyết phục để trở lại.
Ngoài ra, Anh cũng muốn gia nhập hiệp định, sau khi quốc gia này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit. Theo tờ Financial Times, Anh đã bắt đầu các cuộc đàm phán không chính thức về việc gia nhập hiệp định, nhằm thúc đẩy xuất khẩu hậu Brexit.
Bộ trưởng Thương mại Anh Greg Hands cho biết, sẽ không có rào cản về mặt địa lý đối với việc Anh tham gia khối thương mại này. “Không bên nào bị loại trừ. Đối với mối quan hệ đa phương như vậy, sẽ không có bất cứ giới hạn nào về địa lý”, ông Hands tái khẳng định.
Trả lời phỏng vấn của Báo Thanh Niên tối 23/1, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho hay, đối với CPTPP, Việt Nam được hưởng lợi thế ở mức cao hơn TPP. Cụ thể, chúng ta có khoảng thời gian 5 năm miễn trừ trừng phạt thương mại và thêm 2 năm của rà soát pháp lý. Điều này không có nghĩa là ta trù trừ bằng mọi giá, mà quan trọng là chúng ta có đủ thời gian để hoàn thiện thể chế và đảm bảo các điều kiện khuôn khổ thực hiện có hiệu quả, mà vẫn đảm bảo các mục tiêu của quốc gia.
LÊ THẢO
(Tổng hợp và lược dịch từ Straits Times, Reuters & Nikkei)