Đường dự trữ tại một nhà máy ở Baan Rai, tỉnh Uthai Thani, Thái Lan. Ảnh: Straitstimes News
Nhu cầu giảm
Thời gian gần đây, người tiêu dùng bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến những hệ luỵ do sử dụng đường quá mức, từ đó cảnh giác hơn đối với gia vị này. Nhận thấy nhu cầu sử dụng của khách hàng đang thay đổi, các đơn vị cung cấp thực phẩm nổi tiếng như: nhà xuất trái cây đóng hộp Del Monte Foods Inc, tập đoàn thức ăn nhẹ lớn nhất toàn cầu Mondelēz International cũng bắt đầu cải biến sản phẩm với các phiên bản ít đường hơn để đáp ứng thị hiếu và thu hút khách hàng. Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng trung bình về tiêu thụ đường bắt đầu chứng kiến mức giảm khá mạnh từ 1,7% xuống còn 1,4% trong các mùa gần đây, nhiều nhà cung cấp đường hiện đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và hệ lụy.
Theo nhận định của các chuyên gia, một khi tình trạng bùng nổ nguồn cung đường diễn ra, Ấn Độ sẽ trở thành nhà sản xuất đường lớn thứ hai thế giới. Tại thời điểm này, nông dân Thái Lan cũng bước vào mùa thu hoạch mía khổng lồ sau hai năm hạn hán. Do đó, dự kiến sản lượng đường thu được của nước này sẽ tăng 14% lên mức cao nhất trong vòng ba năm trở lại đây.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ khẳng định với tình trạng này, chỉ trong vòng 1 năm, lượng đường trong các kho dự trữ trên thế giới sẽ đối mặt với mức tăng cao nhất trong lịch sử. Cùng với đó, giá đường kỳ hạn của Mỹ cũng giảm đến 25% - mức giảm lớn nhất được thống kê trên chỉ số hàng hóa Bloomberg.
Trong một dữ kiện khác có liên quan, Donald Selkin - Chiến lược gia trưởng tại Newbridge Securities Corp. cho biết: “Trừ khi thời tiết thay đổi, nếu không sản lượng đường vẫn tiếp tục tăng. Hiện nay, mọi người đang dần cố gắng loại bỏ tối đa đường ra khỏi thực phẩm. Nhu cầu sử dụng loại gia vị này sẽ ít hơn những gì chúng ta đã chứng kiến trong thời gian gần đây. Hậu quả đầu tiên là giá đường đột ngột giảm và khó có thể tăng cao trở lại trong thời gian dài”.
Nhiều kế hoạch khắc phục
Nhận thấy tương lai không mấy khả quan, các nhà sản xuất đường trên toàn thế giới đã và đang tiếp tục triển khai nhiều kế hoạch khắc phục, với hi vọng mọi thứ sẽ ổn định trong thời gian sớm nhất.
Đến hết năm tài khóa này (kết thúc vào ngày 30/9/2018), sản lượng cung đường toàn cầu sẽ vượt nhu cầu 19,6 triệu tấn. Sự dư thừa sẽ ngày càng nghiêm trọng, đường sẽ không được sử dụng hết ngay cả khi đáp ứng đầy đủ cho thị trường Trung Quốc – nhà nhập khẩu đường lớn nhất thế giới.
Thêm vào đó, sau khi nông dân Ấn Độ kết thúc vụ mùa bội thu, ước tính sản lượng đường thu được của quốc gia này sẽ ở mức 32 triệu tấn, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, hiệp hội mía đường Ấn Độ cho biết sẽ tìm cách tăng mức hạn ngạch xuất khẩu lên thành 6 triệu tấn và thông báo dỡ bỏ mức thuế 20% cho đường xuất khẩu để giải quyết sức ép đang tồn tại.
Tất nhiên, vụ mùa có thể thất bại nếu diễn biến của thời tiết cực đoan hơn so với tính toán của giới chuyên gia. Điều kiện khô hạn sẽ giảm hiệu suất làm việc của các nhà máy tại vùng Trung Nam Brazil - khu vực sản xuất đường lớn nhất thế giới. Những dự báo về hiện tượng El Nino vào cuối năm nay cũng sẽ gây ra một số thiệt hại về sản lượng mía thu hoạch ở thị trường châu Á.
Ngoài ra, trong một thị trường lâu năm có nhu cầu chậm lại tương đối, những cú sốc về sản xuất và tiêu thụ đường có thể sẽ được giải quyết. Trong khi những lo ngại của người tiêu dùng nổi lên làm ảnh hưởng khá lớn đến các nền kinh tế đang phát triển, có thể những cơ hội về tiêu thụ sẽ được “nhân rộng” ở các quốc gia mới nổi.
Trả lời phỏng vấn của báo giới, Chủ tịch công ty môi giới đường JSG Commodities (Mỹ) Frank Jenkins nhấn mạnh: “Mặc dù rất nhiều yếu tố gây ra áp lực giảm giá đường vẫn còn tồn tại, thậm chí mức độ ảnh hưởng còn rất tồi tệ, song chúng tôi vẫn đang tích cực triển khai chính sách tìm kiếm thặng dư để duy trì đà phát triển trong tương lai”.
Hạnh Nhi
(Lược dịch từ Straitstimes News)