Thế giới

Các quốc gia ASEAN đẩy mạnh phát hành trái phiếu xanh

ClockChủ Nhật, 10/07/2022 08:10
TTH - Các quốc gia Đông Nam Á đang hướng tới mục tiêu tăng cường tài chính xanh trong bối cảnh khu vực này, vốn là nơi có những vùng trũng thấp dễ bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn liên quan đến thời tiết và mực nước biển dâng, phải vật lộn với mối đe dọa của biến đổi khí hậu.

Châu Âu đặt ra chuyển đổi lớn nhất trong tài trợ cho tăng trưởng sạch hơnCampuchia: RCEP là đại diện cho hội nhập toàn cầu và khu vực

Trái phiếu xanh góp phần hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong số 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), một số quốc gia đã và đang phát hành trái phiếu xanh nhằm tài trợ cho những dự án thân thiện với môi trường, cùng hy vọng hiện thực hóa các kế hoạch giúp bảo vệ môi trường.

ASEAN và Đông Á là thị trường lớn thứ 2 toàn cầu

Theo một báo cáo được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố trong tháng 6 vừa qua, lượng trái phiếu bền vững đang lưu hành từ những thị trường cốt lõi ở ASEAN và Đông Á đã đạt mức 478,7 tỷ USD vào cuối tháng 3/2022, đánh dấu mức tăng 51,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, ASEAN và Đông Á chiếm 18,1% tổng lượng trái phiếu bền vững đang lưu hành trên toàn cầu, là thị trường lớn thứ 2 thế giới, chỉ đứng sau thị trường châu Âu.

Trong đó, Trung Quốc có thị trường trái phiếu bền vững lớn nhất khu vực ASEAN và Đông Á, chiếm 66% trái phiếu xanh của khu vực này. Vào cuối quý I/2022, Trung Quốc có tổng số trái phiếu bền vững đang lưu hành trị giá 238,8 tỷ USD.

Triển vọng tăng trưởng từ ASEAN

Theo ADB, thị phần của ASEAN có thể nhỏ hơn so với thị phần của Trung Quốc, nhưng các thị trường ASEAN “vẫn có nhiều phạm vi tăng trưởng hơn” tại châu Á, nhất là trong bối cảnh xu hướng toàn cầu hướng tới nỗ lực chuyển đổi carbon thấp.

Cụ thể, Thái Lan trong năm 2020 đã phát hành trái phiếu bền vững, chủ yếu nhằm hỗ trợ sự phục hồi từ đại dịch COVID-19. Báo cáo của Tổ chức Sáng kiến ​​Trái phiếu Khí hậu (CBI) và ADB cho biết, Thái Lan “có vị thế tốt” để tối đa hóa sự hấp dẫn của khu vực đối với các nhà đầu tư. Theo Văn phòng Quản lý Nợ công Thái Lan (PDMO), kể từ năm 2020, tổng phát hành trái phiếu bền vững của Chính phủ Thái Lan và các doanh nghiệp nhà nước đã đạt 127 tỷ baht.

Tương tự như Thái Lan, Singapore đang nhắm mục tiêu phát hành trái phiếu cho cơ sở hạ tầng đường sắt, nhằm khuyến khích thêm nhiều người sử dụng tàu hỏa để đi lại, đồng thời làm giảm sự phụ thuộc vào xe ô tô. Các dự án bao gồm mạng lưới đường sắt Jurong Region ở phía tây Singapore; qua đó, Chính phủ Singapore hy vọng sẽ cắt giảm 80% lượng khí thải giao thông đường bộ vào khoảng giữa thế kỷ này.

Vào năm 2030, các cơ quan Chính phủ Singapore dự kiến sẽ phát hành lên tới 35 tỷ đô la Singapore trái phiếu xanh, nhằm tài trợ cho những dự án cơ sở hạ tầng khu vực công thân thiện với môi trường, dự kiến ​mang lại lợi ích môi trường lâu dài cho các thế hệ người dân cả hiện tại và tương lai.

Bà Indranee Rajah, Bộ trưởng thứ hai Bộ Tài chính và Bộ Phát triển Quốc gia Singapore nhận định: “Các khoản đầu tư của chúng tôi vào những dự án xanh sẽ tạo điều kiện cho nỗ lực chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp của Singapore. Chúng tôi hy vọng sẽ tăng cường tính thanh khoản cho thị trường đối với trái phiếu xanh, thu hút các tổ chức phát hành, nguồn vốn và nhà đầu tư xanh, đồng thời thúc đẩy nguồn tài chính bền vững trong khu vực”.

Được biết, Singapore cũng đang xem xét việc sử dụng trái phiếu đối với nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu, bao gồm bảo vệ bờ biển, trong bối cảnh quốc gia này đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi tình trạng mực nước biển dâng do hiện tượng ấm lên toàn cầu.

Theo một đánh giá của Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch (Mỹ), các kế hoạch phát hành trái phiếu xanh của Singapore sẽ được hỗ trợ nhờ việc thiết lập hệ thống phân loại xanh, cho phép các nhà cung cấp tài chính điều chỉnh những khoản đầu tư và cho vay trên cơ sở tác động đến môi trường. Trong đó, phân loại xanh là một hệ thống phân loại xác định tính bền vững của các hoạt động kinh tế khác nhau.

Ngoài ra, sau khi công bố Lộ trình Tài chính Bền vững vào năm 2021, Philippines hồi đầu năm nay đã phát hành trái phiếu xanh đầu tiên, một phần “nhằm tài trợ cho các dự án giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu”. Tháng 3 vừa qua, Philippines đã tung ra 1 tỷ USD trái phiếu xanh 25 năm; vào tháng 4, quốc gia này đã tiếp tục phát hành 70,1 tỷ yen (tương đương 600 triệu USD) trái phiếu xanh nhiều kỳ hạn cho thị trường Nhật Bản.

Tiếp đó, Malaysia và Indonesia, những quốc gia có dân số Hồi giáo lớn, đã giới thiệu các trái phiếu Hồi giáo (còn được gọi là sukuk) xanh. Năm 2017, Malaysia đã phát hành sukuk xanh để tài trợ cho việc xây dựng các nhà máy điện mặt trời quy mô lớn. Theo Ủy ban Chứng khoán Malaysia, từ năm 2017 đến cuối năm ngoái, các tập đoàn của Malaysia đã bán sukuk xanh trị giá lên tới hơn 8,3 tỷ ringgit (tương đương 1,9 tỷ USD).

Trong giai đoạn 2018-2021, Indonesia đã phát hành trái phiếu xanh trị giá 6,3 tỷ USD. Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho rằng, trái phiếu xanh đóng vai trò là nguồn tài chính thay thế cho ngân sách nhà nước, và dự kiến ​​sẽ hỗ trợ Chính phủ đạt được các mục tiêu giảm phát thải carbon, bao gồm cả mục tiêu phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2060. “Sukuk xanh đã trở thành một công cụ hấp dẫn, thu hút khá nhiều sự quan tâm”, bà Sri Mulyani Indrawati nhấn mạnh.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ Nikkei Asia)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước 10 tháng năm 2024 của cả nước chỉ đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Để phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ trên 95%, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương, cơ quan liên quan thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm
Sửa Luật Đầu tư công:
Đẩy mạnh phân cấp nhưng cần cơ chế bảo đảm kiểm soát quyền lực

Tán thành nhiều đề xuất trong dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) liên quan đến việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, song đại biểu Quốc hội đề nghị cần phải bổ sung các cơ chế, các giải pháp để bảo đảm yêu cầu về kiểm soát quyền lực.

Đẩy mạnh phân cấp nhưng cần cơ chế bảo đảm kiểm soát quyền lực
PMI:
Ngành sản xuất ASEAN duy trì tăng trưởng

Tổ chức S&P Global ngày hôm nay (4/11) công bố Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần ngành sản xuất Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong đó, ngành sản xuất ASEAN vào tháng 10/2024 đã ghi nhận sự cải thiện bền vững, mặc dù một lần nữa chỉ là mức cải thiện nhẹ.

Ngành sản xuất ASEAN duy trì tăng trưởng
Return to top