Thế giới

Cần đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo ở các nước đang phát triển

ClockThứ Sáu, 03/11/2023 07:13
TTH - Theo một báo cáo mới được công bố, năng lượng tái tạo cần được đẩy mạnh hơn nữa ở các nước đang phát triển để đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng cần thiết nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu.

Phấn đấu năm 2030, năng lượng tái tạo đạt 47%Thúc đẩy thực hành tiết kiệm năng lượng dành cho học sinhNhu cầu năng lượng của Singapore thúc đẩy lưới điện tái tạo của ASEAN

Cần tăng cường sản lượng năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng ở các nước đang phát triển. Ảnh minh họa: Power Systems 

Được công bố ngay trước khi diễn ra Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của LHQ (COP28), báo cáo của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng ở các nước đang phát triển và năng lượng tái tạo đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc giải quyết tình trạng thiếu hụt năng lượng đáng kể ở các quốc gia này.

Theo IRENA, một trong những khuyến nghị chính được đưa ra là từ nay đến năm 2030, sản lượng năng lượng tái tạo cần phải tăng gấp 3 lần trên toàn cầu. Đây là điều cần thiết để phù hợp với các mục tiêu đầy tham vọng mà Chủ tịch COP28 Sultan Ahmed Al Jaber đặt ra cho hội nghị COP28 dự kiến sẽ được tổ chức từ ngày 30/11 đến ngày 12/12 tới tại Dubai, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Trước đó, mục tiêu mà Thỏa thuận Paris năm 2015 đặt ra là cố gắng kiềm chế mức tăng nhiệt độ của Trái đất trong khoảng 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp.

Để đáp ứng mục tiêu này, IRENA cho rằng đến năm 2030, thế giới cần huy động mọi nguồn lực để đạt mức đầu tư 1.300 tỷ USD/năm vào năng lượng tái tạo, so với mức 486 tỷ USD vào năm 2022.

Tuy nhiên, để làm được điều đó cần phải “giảm thiểu rủi ro đầu tư và cung cấp khả năng tiếp cận nguồn tài chính chi phí thấp” ở các nước đang phát triển, báo cáo nêu rõ.

Để hỗ trợ các quốc gia ở Nam bán cầu trong quá trình chuyển đổi năng lượng, báo cáo của IRENA cũng đưa ra khuyến nghị cải cách hệ thống tài chính toàn cầu. Cụ thể, IRENA nhấn mạnh “nguồn tài trợ liên quan đến khí hậu từ các ngân hàng phát triển đa phương phải được tăng cường và vốn công nên được chuyển hướng đầu tư từ lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo”.

Đáng chú ý, báo cáo của IRENA cho biết, châu Phi chỉ nhận được 2% trong tổng số 2.800 tỷ USD đầu tư vào năng lượng tái tạo trên toàn thế giới trong giai đoạn từ năm 2000 - 2020. Do đó, cần thay đổi các mô hình tài chính đổi mới - chẳng hạn như mở rộng quan hệ đối tác công tư để thúc đẩy hiện đại hóa cơ sở hạ tầng điện ở các quốc gia đang phát triển.

“Nhu cầu cấp thiết là phải tăng cường quy hoạch cơ sở hạ tầng liên ngành, tăng cường hợp tác xuyên biên giới và phát triển lưới điện khu vực”, báo cáo của IRENA nhấn mạnh.

Trong khi đó, một nghiên cứu riêng biệt chỉ ra rằng, lượng CO2 mà thế giới có thể thải ra vẫn hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C nhỏ hơn nhiều so với dự đoán trước đây và có thể được “sử dụng hết” chỉ trong 6 năm với mức độ ô nhiễm hiện tại.

Theo đó, các nhà khoa học cho biết điều này có nghĩa là nhân loại giờ đây có nhiều khả năng vượt qua ngưỡng nhiệt độ an toàn ở mức 1,5 độ C đã đặt ra trong Thỏa thuận Paris. Điều này càng cho thấy tầm quan trọng của việc đẩy nhanh sự phát triển của năng lượng tái tạo, nhằm góp phần hạn chế sự nóng lên toàn cầu.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ AFP)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển các dịch vụ nông thôn thông minh

Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, việc áp dụng công nghệ trong dịch vụ nông thôn giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững và hiện đại hóa khu vực này. Để làm được điều này, mô hình xã nông thôn mới thông minh là lựa chọn tối ưu.

Phát triển các dịch vụ nông thôn thông minh
Phát triển nhà ở xã hội: Ý Đảng thỏa lòng dân - Bài 2: Khó ở đâu, gỡ ở đó

Hiện, số lượng các dự án nhà ở thương mại được đầu tư hàng năm khá lớn, nhưng các dự án nhà ở xã hội (NƠXH) triển khai chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì thế, ngoài hoàn thiện chính sách thuộc thẩm quyền, đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) trong thúc đẩy đầu tư NƠXH, việc lãnh đạo, chỉ đạo đa dạng nguồn lực đầu tư NƠXH đã là hiệu lệnh.

Phát triển nhà ở xã hội Ý Đảng thỏa lòng dân - Bài 2 Khó ở đâu, gỡ ở đó
Return to top