Cảnh ngập lụt sau một cơn bão xảy ra ở thành phố New York, Mỹ hồi tháng 9 năm ngoái. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Phiên họp diễn ra từ ngày 14-25/2 dự kiến sẽ thông qua báo cáo của Nhóm Công tác IPCC 2, trong đó tập trung vào các tác động, sự thích ứng và tính dễ bị tổn thương với biến đổi khí hậu, và sẽ được bổ sung vào Báo cáo đánh giá lần thứ 6 của IPCC vào cuối tháng này.
Tác động của thiên tai
Người đứng đầu cơ quan thời tiết của Liên Hiệp quốc (LHQ) nhấn mạnh, một số khu vực trên thế giới như các vĩ độ nhiệt đới và những quốc gia đang phát triển, nhất là ở khu vực châu Phi, Nam Á và các đảo ở Thái Bình Dương, đặc biệt dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu.
Hồi năm ngoái, WMO đã công bố một báo cáo về thống kê thiên tai; trong đó lưu ý rằng, trong 50 năm qua, 4,5 tỷ người đã phải đối mặt với một thảm họa lớn liên quan đến thời tiết. Trong khi các con số thương vong đã giảm nhờ các dịch vụ cảnh báo sớm được cải thiện, thiệt hại kinh tế lại tăng lên đáng kể.
Chỉ cách đây một tuần, tại Madagascar, cơn bão nhiệt đới Batsirai, một cơn bão cấp 4 đã gây ra những tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế và cuộc sống của người dân, ông Petteri Taalas nói thêm; đồng thời nhận định: “Chúng ta phải tách biệt các tác động từ biến đổi tự nhiên với các tác động từ biến đổi khí hậu”.
Yêu cầu thích ứng
Với xu hướng ngày càng tăng của tình trạng mực nước biển dâng, các sông băng tan chảy và những thảm họa tiếp diễn, quan chức hàng đầu của WMO nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thích ứng.
“Các tác động của biến đổi khí hậu có liên quan đến kinh tế, an ninh lương thực, cơ sở hạ tầng, sinh quyển và y tế. Chúng ta cần phải thích ứng với biến đổi khí hậu. Đó là hạn hán, lũ lụt, bão nhiệt đới, sóng nhiệt, tình trạng thiếu hụt nước, ngập lụt ven biển”, Tổng Thư ký WMO cho hay.
Vào cuối năm nay, Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP27) dự kiến sẽ diễn ra tại thành phố Sharm-el-Sheik của Ai Cập; tiếp theo đó sẽ là Hội nghị COP28 vào năm sau tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
“Chúng tôi hy vọng sẽ nghe được nhiều cam kết hơn tại các hội nghị đó. Chúng tôi đang làm việc vì một mục tiêu như vậy. Hội nghị COP tiếp theo sẽ mang dấu ấn của châu Phi nhiều hơn. Đó là lục địa dễ bị tổn thương nhất”, ông Petteri Taalas nói thêm.
Được biết, WMO cũng đang làm việc cùng với các tổ chức tài chính như Ngân hàng Thế giới (WB), Liên minh châu Âu (EU), Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP), Quỹ Khí hậu Xanh để phân bổ nhiều tài chính hơn cho các dịch vụ cảnh báo sớm.
Trong một động thái liên quan, Giám đốc Điều hành Chương trình Môi trường LHQ (UNEP), bà Inger Anderson chỉ ra rằng: “Công tác của IPCC là cơ sở cho hành động khí hậu… Bây giờ đến lượt Nhóm Công tác IPCC 2 đưa ra bằng chứng mới nhất về cách những thay đổi trong quá khứ và tương lai đối với hệ thống khí hậu của Trái đất tác động đến sự sống trên hành tinh của chúng ta như thế nào”.
Cũng theo bà Inger Anderson, báo cáo lần này về tác động, sự thích ứng và tính dễ bị tổn thương sẽ tích hợp mạnh mẽ hơn trên các lĩnh vực khoa học tự nhiên, xã hội và kinh tế… nêu bật được vai trò của công bằng xã hội và tri thức bản địa.
Chủ trì phiên họp nói trên, Chủ tịch IPCC Hoesung Lee thông tin thêm, trong 2 tuần tới, các Chính phủ và các nhà khoa học sẽ đưa ra một bản tóm tắt “cực kỳ quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới".
Lê Thảo (Lược dịch từ UN News & ipcc.ch)