Đợt dịch Ebola thứ 14 đã kết thúc tại Congo. Ảnh minh họa: AP/VTV news
Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO khu vực châu Phi cho biết: “Nhờ phản ứng mạnh mẽ của các cơ quan chức năng tại quốc gia, đợt bùng dịch này đã chấm dứt nhanh chóng với mức độ lây nhiễm virus hạn chế”.
Đợt dịch đã kết thúc
Theo WHO, đợt bùng dịch vừa kết thúc đã chứng kiến tổng cộng 2.104 người được tiêm chủng, trong đó bao gồm 302 người dân và 1.307 nhân viên tuyến đầu.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai tiêm chủng, một tủ đông cực lạnh đã được lắp đặt tại Mbandaka, cho phép các liều vaccine được lưu trữ tại địa phương một cách an toàn và phân phối hiệu quả.
Được biết, kể từ năm 1976, Cộng hòa Dân chủ Congo đã ghi nhận 14 lần bùng dịch Ebola, 6 trong số đó xảy ra từ năm 2018.
Tiến sĩ Moeti cho biết: “Châu Phi đang chứng kiến sự gia tăng của Ebola và các bệnh truyền nhiễm khác từ động vật lây sang người, đang ảnh hưởng đến các khu vực đô thị lớn”.
Thêm vào đó, Tiến sĩ Moeti cũng lưu ý, “những bài học quan trọng” đã được rút ra từ “những đợt dịch trước” và chúng đã được áp dụng để triển khai ứng phó hiệu quả hơn với đợt dịch Ebola lần này. Song nhìn chung, tất cả mọi người vẫn phải nâng cao cảnh giác để đảm bảo bắt kịp tình hình dịch bệnh và tiến hành ứng phó nhanh chóng. Sự thành công trong việc dập dịch nhanh chóng lần này cho thấy, bằng cách tăng cường khả năng chuẩn bị cho dịch bệnh, cộng với giám sát và phát hiện nhanh chóng, chúng ta hoàn toàn có thể “đi trước một bước”.
Luôn cảnh giác
Trong một thông tin có liên quan, Cơ quan y tế Liên Hiệp Quốc đã hỗ trợ DRC thực hiện một chiến lược quốc gia mạnh mẽ, được phát triển sớm để hướng dẫn phối hợp ứng phó; phân cấp hoạt động xuống từng cấp, kể cả cấp thấp nhất để hợp tác chặt chẽ với cộng đồng; phản ứng dựa trên bằng chứng và thường xuyên phân tích nguy cơ dịch tễ học để nhanh chóng điều chỉnh phản ứng.
Mặc dù đợt bùng dịch Ebola ở Mbandaka đã được thông báo kết thúc, WHO vẫn duy trì trạng thái giám sát và sẵn sàng ứng phó nhanh chóng với bất kỳ đợt bùng phát nào.
Bên cạnh đó, WHO vẫn cảnh báo rằng không có gì lạ khi vẫn ghi nhận các trường hợp lẻ tẻ sau dịch.
Đan Lê (Lược dịch từ UN News)