Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: AFP/TTXVN
"Tình hình hiện nay vẫn khá khó lường bởi chúng ta vẫn chưa thể kiểm soát hoàn toàn sự lây lan của virus" - Tiến sỹ Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khẳng định như vậy ngày 5/10 khi cảnh báo cuộc chiến với COVID-19 chưa kết thúc, dù rằng "trên phố, người ta ứng xử như thể đại dịch đã hoàn toàn chấm dứt."
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres thì tuyên bố "bất bình đẳng về vaccine đang hỗ trợ và tiếp tay cho đại dịch COVID-19, khiến các biến thể sinh sôi và phát tán, làm tăng thêm hàng triệu ca tử vong trên thế giới và kéo dài suy giảm kinh tế, vốn có thể gây thiệt hại hàng nghìn tỷ USD."
Những đánh giá trên cho thấy một thực tế rằng trong bối cảnh thế giới đang chuyển sang “sống chung với COVID-19,” chính hành động của con người sẽ quyết định kết quả cuối cùng.
Theo trang worldometers.info, trong 7 ngày qua, tổng số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 trên toàn cầu tiếp tục giảm, lần lượt 7% và 6% so với tuần trước. Đây cũng là xu hướng đã được ghi nhận kể từ tháng 8 vừa qua. Cụ thể, thế giới có thêm hơn 2,9 triệu ca mắc mới và hơn 48.700 ca tử vong vì COVID-19.
Đặc biệt, tình hình dịch bệnh có chuyển biến tích cực tại Mỹ-quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới. Số ca mắc mới trung bình 7 ngày tại Mỹ đã giảm còn 96.000 ca/ngày, thấp hơn khoảng 13.000 ca (tương đương 12%) so với tuần trước đó .
Nếu căn cứ vào xu hướng trên, có thể thấy thế giới dường như đã vượt qua được giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch. Đóng góp lớn nhất cho xu hướng tích cực này là chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tiếp tục được đẩy mạnh trên toàn cầu.
Thống kê của ourworldindata.com cho thấy tới ngày 9/10, đã có 6,44 tỷ liều vaccine được tiêm trên toàn thế giới với tỷ lệ tiêm ít nhất một mũi là 46,3% dân số toàn cầu. Trong tuần qua, trung bình mỗi ngày thế giới đã tiêm khoảng 22,25 triệu liều vaccine phòng COVID-19.
Lãnh đạo các hãng sản xuất vaccine như Pfizer hay Moderna thậm chí dự đoán dịch COVID-19 có thể kết thúc trong vòng 1 năm tới nhờ sự phát triển của ngành sản xuất vaccine.
Tuy nhiên, virus vẫn đang lây lan, các phòng chăm sóc đặc biệt và bệnh viện tại một số thành phố vẫn chật kín người cũng là thực tế trong 7 ngày qua. Tại châu Á, Lào đang chứng kiến số ca nhiễm tăng trở lại với hơn 700 ca mắc mới/ngày.
Số ca mắc mới ở Singapore tăng 41% so với tuần trước đó. Sau kỳ nghỉ cuối tuần kéo dài nhân kỷ niệm Ngày lập quốc (từ ngày 2-4/10), số ca mắc mới COVID-19 trong 1 ngày của Hàn Quốc đã quay trở lại mốc hơn 2.000 ca và tiếp tục vượt mốc này trong 3 ngày liên tiếp từ ngày 6-8/10.
Tại châu Đại Dương, trong 7 ngày qua, số ca mắc mới tại New Zealand đã tăng vọt 61% so với tuần trước đó với 236 ca, buộc chính phủ nước này phải điều chỉnh từ chiến lược “Zero COVID-19” sang sống chung an toàn với dịch bệnh.
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cảnh báo trong 2 tháng tới, các quốc gia khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ chứng kiến “sự gia tăng đáng kể số ca mắc COVID-19, số ca nhập viện và tỷ lệ tử vong do sự lây lan virus SARS-CoV-2 tại đây rất cao.”
Điều này đã phần nào được phản ánh ngay trong tình hình dịch bệnh tại Nga và một số nước Đông Âu những ngày gần đây. Với 31% dân số đã tiêm đủ liều, Nga tiếp tục là nước có số người tử vong vì COVID-19 cao nhất châu Âu. Trong 7 ngày qua, Nga liên tiếp xác lập những “dấu mốc buồn” với hơn 900 ca tử vong/ngày.
Trong khi đó, với khoảng 28% dân số đã tiêm đủ liều, Romania đang trở thành điểm nóng trên bản đồ COVID-19 thế giới, số ca mắc mới và tử vong cao nhất Liên minh châu Âu (EU) và đứng thứ sáu trên toàn thế giới.
Theo thống kê, tỷ lệ tử vong của nước này trong 7 ngày qua đã tăng 49% so với tuần trước đó. Tỷ lệ này cũng cao hơn 2,65 lần so với mức trung bình của châu Âu và 6,34 lần so với mức trung bình của thế giới. Tại Ba Lan, số ca mắc mới tuần này tăng 70% so với tuần trước.
Những diễn biến phức tạp này khiến WHO phải một lần nữa lên tiếng cảnh báo về những biểu hiện mất cảnh giác của con người trước đại dịch, khi mà có nhiều quan điểm cho rằng cuộc chiến chống COVID-19 sắp đi tới hồi kết.
Đại diện WHO cũng kêu gọi chống những thông tin giả và sai lệch đang lan tràn trên mạng Internet về COVID-19, nhấn mạnh thông tin sai lệch khiến đại dịch COVID-19 kéo dài.
WHO đồng thời công bố một sáng kiến nhằm đạt mục tiêu tiêm vaccine ngừa COVID-19 vào giữa năm 2022. Theo chiến lược này, đến cuối năm 2021 mỗi nước trên thế giới tiêm chủng cho 40% dân số và đến giữa năm 2022 đạt tỷ lệ 70%, thông qua việc ưu tiên phân phối vaccine cho những nước có thu nhập thấp, nhất là những nước ở châu Phi.
Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, để đạt được những mục tiêu trên sẽ cần ít nhất 11 tỷ liều vaccine. Sản lượng vaccine toàn cầu hiện nay là gần 1,5 tỷliều/tháng, đủ cung cấp để đạt được mục tiêu trên, miễn là vaccine được phân phối công bằng.
Hồi đầu năm nay, WHO đã đặt mục tiêu đến cuối tháng 9/2021, mỗi nước trên thế giới tiêm chủng cho 10% dân số. Tuy nhiên, vẫn còn 56 nước trên thế giới không đạt được mục tiêu này. Đa số vaccine được sử dụng lại chủ yếu tập trung ở các nước phát triển.
Trong nhóm nước giàu, nhiều nơi đã tiêm ít nhất một mũi cho 70-80%, thậm chí vượt 90% dân số. Trong khi đó, các nước có thu nhập thấp tiếp nhận chưa tới 0,5% lượng vaccine của thế giới. Đặc biệt, châu Phi với 1,3 tỷ dân đã bị tụt lại khá xa trong chiến dịch tiêm chủng khi mới chỉ có chưa tới 5% dân số đã được tiêm đủ liều.
Còn Giám đốc Tổ chức Y tế Liên Mỹ Carissa Etienne cho biết 37% người dân ở Mỹ Latinh và Caribe đã tiêm chủng đầy đủ, chỉ gần bằng 50% tỷ lệ tiêm vaccine ở Canada. Tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 của ít nhất 10 quốc gia trên khắp Mỹ Latinh và Caribe là dưới 25% và chưa tới 10% người dân ở Jamaica,Nicaragua và Haiti đã được tiêm đủ liều.
Xét tổng thể, hiện mới chỉ có 2,4% người dân các nước thu nhập thấp đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine.
Phát biểu tại sự kiện phát động chiến dịch tiêm chủng trên, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres nhấn mạnh: “Nếu chúng ta để tình trạng phân phối vaccine không công bằng tiếp tục xảy ra và để cho virus lây lan như cháy rừng ở khu vực phía Nam bán cầu, thì một ngày nào đó, có thể là rất sớm, sẽ xuất hiện một biến thể có khả năng kháng vaccine. Khi đó mọi nỗ lực được thực hiện ở các nước phát triển để tiêm chủng cho toàn dân, dù một, hai, hay ba lần, đều sẽ thất bại.”
Cùng chung quan điểm, nhà phân tích cao cấp Hannah Sworn của Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) đánh giá: “Toàn cầu có thể kiểm soát COVID-19 nhanh tới mức nào sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có khoảng cách tiêm chủng giữa nhóm nước phát triển và đang phát triển." Bà cảnh báo đại dịch có thể kéo dài nếu các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tiếp tục xuất hiện ở các nước đang phát triển có tỷ lệ tiêm chủng thấp và lan rộng ra toàn thế giới. Kịch bản này có thể xảy ra nếu các nước giàu có xu hướng tích trữ vaccine và tập trung tiêm tăng cường.
Nói cách khác, mục tiêu phổ cập vaccine ngừa COVID-19 để kiểm soát đại dịch chỉ có thể thực hiện được bằng hành động của con người, trước hết là chia sẻ vaccine.
Khi hầu hết các khu vực đều ghi nhận số ca mắc mới giảm trong 7 ngày qua thì châu Âu và châu Đại Dương lại tăng lần lượt là 9% và 14%. Đó là minh chứng rõ ràng cho thấy đại dịch vẫn đang diễn biến khó lường, mà theo bà Van Kerkhove, do cách thức thế giới xử lý khủng hoảng, COVID-19 tới nay vẫn tồn tại và con người đang tìm cách “sống chung an toàn với virus.”
Thực tế này đòi hỏi con người có cách ứng xử và hành động phù hợp. Như khẳng định của Tổng Giám đốc WHO Ghebreyesus, để đạt được những mục tiêu đề ra, cộng đồng quốc tế “cần có cam kết chính trị, hành động và hợp tác ở mức độ cao hơn những gì chúng ta đã thấy cho đến nay”.
Theo Vietnam+