Người dân đến mua sắm tại một khu thương mại ở tiểu bang Sao Paulo, Brazil. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Suy thoái toàn cầu tác động đến các loại tiền tệ của thị trường mới nổi, trong bối cảnh các nhà đầu tư tránh những nền kinh tế được coi là yếu ớt. Tác động này làm tăng giá thành các mặt hàng sản phẩm nhập khẩu và đẩy giá trong nước lên cao.
Điều đó khiến các ngân hàng trung ương rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan": cắt giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế có nguy cơ làm tăng lạm phát, gây thêm tác động lên người tiêu dùng; nhưng tăng lãi suất để giảm lạm phát có thể làm đình trệ thêm nền kinh tế vốn đã chậm chạp.
Tại Ấn Độ, số liệu do Chính phủ quốc gia này công bố cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng đối với mặt hàng rau tăng 11% trong tháng 8, so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi chỉ số giá tiêu dùng đối với mặt hàng thịt và cá tăng 16%; giá năng lượng cũng tăng do đồng rupee yếu hơn.
Nền kinh tế Ấn Độ đã giảm kỷ lục 23,9% trong quý II, khi một số nhà phân tích dự báo mức giảm sẽ hơn 10% cho cả năm tài chính 2020.
Trong khi đó, chỉ số giá thực phẩm của Brazil tăng 8,8% trong tháng 8, so với cùng kỳ năm ngoái; đáng chú ý, giá gạo tăng hơn 19%. Đồng tiền yếu hơn khiến giá đối với nhiều sản phẩm gia tăng, kết hợp cùng sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong nước do đại dịch gây ra.
Ngân hàng Trung ương Brazil đã bắt đầu cắt giảm lãi suất hồi tháng 7/2019 và lãi suất chính sách thấp kỷ lục ở mức 2%. Ngân hàng này cho rằng, việc cắt giảm thêm là khó chấp nhận.
LÊ THẢO
(Lược dịch từ Nikkei Asia)