Thế giới

Hội nghị Ngoại trưởng G7: Tập trung vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương & Covid-19

ClockThứ Bảy, 08/05/2021 14:09
TTH - Các Ngoại trưởng đến từ Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vừa nhóm họp tại một hội nghị kéo dài 3 ngày, từ ngày 3-5/5 ở thủ đô London, Vương quốc Anh. Trong đó, các cuộc thảo luận tập trung vào cách để đạt được một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, cũng như những hành động để kiểm soát đại dịch COVID-19.

Ngoại trưởng G7 họp mặt tại London chuẩn bị hội nghị thượng đỉnhTài chính khí hậu sẽ dẫn đầu chương trình nghị sự tại cuộc họp G7

Hội nghị Ngoại trưởng G7 lần đầu tiên được tổ chức trực tiếp trong vòng 2 năm qua. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Đáng chú ý, đây là cuộc họp trực tiếp đầu tiên của Ngoại trưởng G7 trong vòng 2 năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Sự kiện cho thấy sự đoàn kết của các quốc gia trong việc giải quyết những vấn đề toàn cầu.

Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Tại một cuộc họp báo trực tuyến, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết, các Bộ trưởng đã “nhất trí giữ vững mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược” của Triều Tiên.

Bên cạnh đó, Vương quốc Anh, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên G7 trong năm nay cũng đang tìm cách tăng cường mối quan hệ với các quốc gia bên ngoài Liên minh châu Âu (EU), nhằm theo đuổi chiến lược ​​“Nước Anh toàn cầu” sau khi quốc gia này rời khỏi EU.

Các đại diện đến từ Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nam Phi, và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tham dự các phiên họp của hội nghị với tư cách khách mời, phản ánh sự hiện diện ngày càng tăng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như một động lực cho tăng trưởng toàn cầu.

Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi và những người đồng cấp của G7 và các quốc gia khách mời cũng thảo luận về các biện pháp nhằm thúc đẩy nhân quyền và giải quyết các vấn đề khác, như vấn đề Iran,… Trọng tâm thảo luận tập trung vào nền tảng chính sách đối ngoại của Mỹ, khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden chuyển hướng khỏi cách tiếp cận “Nước Mỹ trên hết” của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ngoài ra, sự nhất trí về hành động đầy tham vọng để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu cũng nằm trong chương trình nghị sự. “Hội nghị G7 cho thấy chiến lược “Nước Anh toàn cầu” tập trung các nền dân chủ lớn nhất thế giới lại với nhau để giải quyết những thách thức chung”, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho hay.

Hội nghị ở London sẽ đặt nền móng cho hội nghị thượng đỉnh trực tiếp của các nhà lãnh đạo G7, dự kiến ​​diễn ra vào tháng 6 tại Cornwall, Tây Nam nước Anh. Hội nghị sẽ có sự tham dự của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, Tổng thống Mỹ Joe Biden, và những nhà lãnh đạo khác.

Trước đó, trong một hội nghị trực tuyến hồi tháng 2, các nhà lãnh đạo G7 đã cam kết sẽ biến năm 2021 trở thành một bước ngoặt để thúc đẩy chủ nghĩa đa phương. Nhóm G7 bao gồm Vương quốc Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, và Mỹ.

Tiếp cận công bằng vaccine COVID-19

Theo Văn phòng Thủ tướng Anh ngày 4/5, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nhất trí về sự cần thiết của việc triển khai vaccine COVID-19 toàn cầu để chấm dứt đại dịch.

Trong một tuyên bố, Văn phòng của ông Boris Johnson cho hay: “Thủ tướng Boris Johnson và Ngoại trưởng Antony Blinken đồng ý rằng, việc triển khai vaccine trên toàn cầu sẽ là chìa khóa để đánh bại đại dịch COVID-19. Họ nhấn mạnh tầm quan trọng của G7 trong lĩnh vực này, bao gồm cả nỗ lực tăng cường năng lực sản xuất quốc tế”.

Vương quốc Anh trên cương vị Chủ tịch G7 cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải chuẩn bị cho các đại dịch trong tương lai, bởi những hậu quả nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng COVID-19. Hồi tuần trước, quốc gia này tuyên bố sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh vào năm tới, với mục đích gây quỹ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển vaccine nhằm hỗ trợ Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) tìm cách tăng tốc sản xuất vaccine phòng các dịch bệnh trong tương lai.

Trong ngày 5/5, các quốc gia G7 đã tiến hành thảo luận về vaccine ngừa COVID-19. “Một phần thực sự có giá trị của nhóm G7 là suy nghĩ một cách toàn diện - Chúng ta cần làm gì để giúp những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên khắp thế giới?”, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nói với các phóng viên.

Ông Dominic Raab nhấn mạnh tầm quan trọng của sáng kiến COVAX, một chương trình do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn nhằm chia sẻ vaccine với các quốc gia nghèo nhất; song ông cũng lưu ý, có một câu hỏi bổ sung rằng: “Chúng ta làm gì với nguồn cung nội địa dư thừa?”. Vấn đề này là một cơ hội thực sự tốt để G7 cùng với các đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thảo luận đến cùng và đưa ra những câu trả lời tích cực, Ngoại trưởng Anh khẳng định.

Được biết, Mỹ đã cam kết hơn 4 tỷ USD cho COVAX, nhiều hơn nhiều so với bất kỳ quốc gia nào khác; Mỹ hồi tuần trước nói rằng, họ đang khẩn trương vận chuyển hơn 100 triệu USD hàng cứu trợ COVID-19 đến Ấn Độ. Đại diện Thương mại Mỹ, bà Katherine Tai nhận định, còn rất nhiều việc ở phía trước, bao gồm cung cấp rộng rãi vaccine và giải quyết sự bất bình đẳng toàn cầu trong tiếp cận vaccine. “Đây không chỉ là một yêu cầu về sức khỏe cộng đồng. Sự phục hồi kinh tế của chúng ta phụ thuộc vào điều đó”, bà Katherine Tai nhấn mạnh.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ Kyodo News, Reuters & AFP)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Châu Á - Thái Bình Dương: Giáo dục cần là trọng tâm trong xây dựng khả năng phục hồi khí hậu

Các chính phủ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần đầu tư vào giáo dục và đào tạo để phát triển toàn diện kiến thức về khí hậu và những kỹ năng xanh cần thiết cho các nền kinh tế carbon thấp, theo Sổ tay Biến đổi khí hậu và giáo dục vừa được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố.

Châu Á - Thái Bình Dương Giáo dục cần là trọng tâm trong xây dựng khả năng phục hồi khí hậu
Tập trung xử lý các “điểm nóng” về trật tự đô thị

Để đảm bảo trật tự đô thị - an toàn giao thông (TTĐT - ATGT) tại các địa điểm tham quan du lịch và các “điểm nóng” trên địa bàn thành phố, Đội Quản lý đô thị (QLĐT) TP. Huế huy động nhân lực triển khai nhiều giải pháp, góp phần ổn định trật tự đô thị và tạo sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân.

Tập trung xử lý các “điểm nóng” về trật tự đô thị
Return to top