Thành phố Aden, Yemen. Ảnh: AFP/TTXVN
Mặc dù sự bùng phát của đại dịch COVID-19 cùng với sự suy thoái kinh tế toàn cầu đe dọa sẽ mang đến rất nhiều khó khăn, đẩy nhiều người vào nghịch cảnh, Đặc phái viên Griffiths vẫn khẳng định LHQ đã cung cấp một lộ trình khả thi để có thể đạt được hoà bình ở Yemen.
LHQ đã ghi nhận những bước tiến quan trọng trong các cuộc đàm phán về Yemen, đặc biệt là về lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, ông Griffiths nhấn mạnh rằng hòa bình chỉ là một phần trong gói nhu cầu lớn hơn cần đạt được, trong đó có các biện pháp nhân đạo và kinh tế.
Thực tế, cả Chính phủ Yemen và phiến quân đối lập Houthi, được biết đến với tên chính thức là Ansar Allah, đã tích cực tham gia vào các đề xuất của LHQ. Đây được coi là những tín hiệu quan trọng cho thấy cả hai bên đều sẵn sàng để đạt được hòa bình.
Được biết, cuộc nội chiến Yemen leo thang vào năm 2013 khi một liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu đã tham gia vào nỗ lực của Chính phủ Yemen được quốc tế công nhận nhằm đẩy người Houthis và những người ủng hộ nhóm này ra khỏi thủ đô và các khu vực khác dưới mà lực lượng này chiếm đóng.
Hy vọng lớn
Ông Griffiths bày tỏ sự tin tưởng rằng các cuộc đàm phán sắp tới sẽ cho phép các bên tham chiến trực tiếp nhanh chóng nối lại tiến trình chính trị nhằm chấm dứt xung đột và vạch ra các thỏa thuận cho giai đoạn chuyển tiếp trước khi nền hòa bình lâu dài được thiết lập. Theo đó, thời kỳ chuyển tiếp sẽ cho Yemen một cơ hội để thoát khỏi những khó khăn của xung đột, tập trung để chuyển sang tái thiết, phục hồi và hòa giải.
“Một khi tìm ra được giải pháp chính trị, một Yemen mới có thể xuất hiện, nơi đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu, các gia đình được an toàn, các tổ chức phục vụ công dân một cách công bằng... Tôi khẳng định rằng một tương lai như vậy đối với Yemen thực sự có thể trở thành hiện thực và Hội đồng Bảo an có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người dân Yemen trên con đường hướng tới hòa bình”, Đặc phái viên Griffiths kết luận.
Ngoài ra, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang đe dọa đất nước vốn đã mong manh này, Phó điều phối viên cứu trợ khẩn cấp của LHQ Ramesh Rajasingham cho biết, tình hình nhân đạo ở Yemen rất ảm đạm.
Báo cáo cho thấy trong quý I/2020, các cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở y tế tăng gấp 3 lần, trong khi việc tôn trọng và bảo vệ các cơ sở y tế là vấn đề rất quan trọng, nhất là trong tình hình dịch bệnh hiện nay.
Đồng thời, với nỗi sợ virus lây lan, sự kỳ thị đối với những người xin tị nạn và di cư đang gia tăng, với nhiều người tị nạn và di cư đã bị trục xuất hoặc giam giữ.
Ông Rajasingham cũng đề cập đến sự gia tăng đáng lo ngại về những hành vi kích động chống lại LHQ, khiến công việc của các thành viên LHQ trở nên nguy hiểm hơn và đôi khi buộc các đối tác phải tạm dừng các hoạt động vào thời điểm cần thiết nhất, trong khi họ phải đối mặt với những thách thức to lớn, bao gồm các hạn chế trong việc cung cấp viện trợ và thiếu hụt kinh phí.
Tuy nhiên, các tổ chức của LHQ vẫn tiếp cận được hơn 10 triệu người mỗi tháng để cung cấp thức ăn, nước uống, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ thiết yếu khác, mang đến cho người dân Yemen những cơ hội để tự bảo vệ mình trước đại dịch COVID-19.
BẢO NGHI (Lược dịch từ UN)