Các lãnh đạo tại lễ trồng cây lưu niệm bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong tuyên bố ngày 11/12, ông Edi cho hay các nhóm công tác được đề xuất gồm Nhóm công tác giảm thiểu và phục hồi rủi ro thiên tai, Nhóm công tác văn hóa và khởi nghiệp và Nhóm công tác kinh tế kỹ thuật số.
Ông Edi cho biết thêm Indonesia sẽ hỗ trợ Ấn Độ đảm nhiệm thành công nhiệm kỳ Chủ tịch G20, trong đó có vấn đề chuyển đổi kỹ thuật số vốn là chìa khóa để đẩy nhanh quá trình phục hồi và tương lai kinh tế toàn cầu.
Thứ trưởng Edi - người đang giữ chức đồng Chủ tịch Hội nghị các quan chức cấp cao G20 - cũng đánh giá cao sự tiếp nối giữa Chủ tịch G20 Indonesia và Chủ tịch G20 Ấn Độ, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của các chương trình nghị sự ưu tiên của G20 đối với thế giới.
Hội nghị các quan chức cấp cao đầu tiên trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Ấn Độ đã được tổ chức từ ngày 4-7/12 tại Rajasthan (Ấn Độ).
Hội nghị này bao gồm nhiều phiên họp về chuyển đổi công nghệ, phát triển xanh và LiFE (lối sống vì môi trường), phát triển dưới sự lãnh đạo của phụ nữ, tăng tốc triển khai các mục tiêu phát triển bền vững (SDG), tạo thuận lợi cho tăng trưởng toàn diện và cải cách đa phương.
Hội nghị nhấn mạnh vai trò của Ấn Độ trong việc thúc đẩy tiếng nói của các nước phía Nam bán cầu và việc sử dụng vai trò Chủ tịch G20 nhằm thiết lập hợp tác cùng có lợi giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển, đồng thời thảo luận về tầm quan trọng của cải cách đa phương, các thành tựu về SDG, vấn đề lương thực, nhiên liệu và phân bón; khẳng định sự cần thiết phải tăng cường hành động tập thể giữa các thành viên G20.
Hội nghị nói trên đã thu hút sự tham dự của các thành viên G20 cùng 9 quốc gia khách mời và 14 tổ chức quốc tế.
Tại hội nghị, Ấn Độ đã công bố chủ đề “Một Trái đất - Một Gia đình - Một Tương lai” cho Năm Chủ tịch G20 2023.
Theo TTXVN/Vietnam+