|
Xung đột ở Gaza khiến người dân vô tội thiệt mạng, mất nhà cửa, đời sống bị ảnh hưởng nặng nề. Ảnh minh hoạ: Báo Thanh Niên |
Theo thoả thuận, trong 4 ngày, nhóm chiến binh Palestine sẽ trả tự do cho 50 trong số khoảng 240 con tin mà nhóm này đang bắt giữ ở Dải Gaza. Tuy nhiên, hiện chưa rõ khi nào lệnh ngừng bắn sẽ có hiệu lực. Khi thoả thuận ngừng bắn được thực hiện, những con tin đầu tiên được thả sẽ là phụ nữ và trẻ em.
Trước đó, các quan chức từ Qatar, nước đang đứng ra làm trung gian cho các cuộc đàm phán, cũng như Mỹ, Israel và Hamas trong nhiều ngày qua đều cho biết rằng một thoả thuận sắp xảy ra. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, sự can thiệp của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã giúp cải thiện thoả thuận, bao gồm việc thả nhiều con tin hơn…
Theo chính quyền Gaza, thoả thuận này sẽ chứng kiến lệnh ngừng bắn đầu tiên trong xung đột, trong đó các vụ tấn công đã khiến 13.300 dân thường thiệt mạng và khiến khoảng 2/3 trong số 2,3 triệu người ở khu vực Gaza mất nhà cửa. Phát biểu sau khi trình bày chi tiết về thoả thuận với nội các quốc gia, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chia sẻ, tuy việc chấp nhận thoả thuận giải quyết con tin là “một quyết định khó khăn, nhưng đó là quyết định đúng đắn”.
Ngoài ra, việc ngừng bắn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình cung cấp viện trợ nhân đạo cho Gaza.
Trong chuỗi thông tin cập nhật về tình hình xung đột giữa Israel và Palestine, Phát ngôn viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Christian Lindmeier cho biết, ba bệnh viện ở Gaza bị Israel bao vây, gồm bệnh viện Al Shifa, bệnh viện Indonesia và Bệnh viện Al Ahli đã yêu cầu trợ giúp sơ tán bệnh nhân và việc lập kế hoạch thực hiện yêu cầu đang được tiến hành, dù điều này có thể sẽ cướp đi huyết mạch của người dân.
Trong bối cảnh các bệnh viện ở phía Nam đã chật kín người và cũng đang chịu cảnh thiếu thốn, “chúng tôi hiện đang xem xét về yêu cầu sơ tán của ba bệnh viện ở phía Bắc Gaza. Nhưng điều quan trọng là sẽ sơ tán những bệnh viện này đến đâu, bởi không có không gian an toàn”, Người phát ngôn của WHO Christian Lindmeier chia sẻ. Ông cho biết, những yêu cầu này đến từ các nhân viên bệnh viện, nhưng người lo sợ cho tính mạng của chính họ.
Có thể nói rằng, tước bỏ dịch vụ chăm sóc sức khoẻ của mọi người là tước đi phương sách cuối cùng và lấy đi mảnh ghép cuối cùng của nhân loại. Tình hình thực tế đang vô cùng nghiêm trọng. Được biết, hiện mọi công tác chỉ đang ở giai đoạn lập kế hoạch và chưa có thêm thông tin chi tiết. Cần có sự phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để đảm bảo sự an toàn cho các tổ chức viện trợ quốc tế tại đây.
Cũng đáng được quan tâm, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc (UNICEF) đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ “bùng phát dịch bệnh hàng loạt” có thể khiến tỷ lệ tử vong ở trẻ em tăng cao tại khu vực đông dân cư, nơi hàng nghìn người chen chúc trong những nơi trú ẩn quá đông đúc. Phát ngôn viên của UNICEF James Elder cho hay: “Nếu khả năng tiếp cận nước và vệ sinh của trẻ em ở Gaza tiếp tục bị hạn chế và không đầy đủ, chúng ta sẽ thấy được một thảm kịch về số trẻ em tử vong. Nhưng điều này hoàn toàn có thể tránh được”.
Hành động ngay lập tức là điều cần thiết, nhất là khi số ca mắc bệnh tiêu chảy ở trẻ em dưới 5 tuổi đã tăng lên gấp 10 lần mức trung bình hàng tháng ghi nhận trước khi xung đột xảy ra. Arif Husain, Nhà kinh tế trưởng của Chương trình Lương thực Liên Hiệp quốc (WFP) cho biết, mỗi ngày người dân ở Gaza chỉ nhận được từ 1 – 3 lit nước, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn quốc tế cho các trường hợp khẩn cấp. Trong tuần qua, không có nước đóng chai được chuyển đến cho người dân di tản ở phía Bắc Gaza. Điều này làm dấy lên mối lo ngại nghiêm trọng về tình trạng thiếu nước.